Toronto là một thành phố có khoảng hai triệu năm trăm ngàn dân với ước chừng sáu chục đến bảy chục ngàn người Việt Nam lưu xứ.

425 1 Lich Su Pho Tau Toronto

Ảnh: The City of Toronto / tripadvisor.com

 

Sinh hoạt của người Việt và Hoa tại đây ngoài những điều dị biệt về ngôn ngữ và phong tục cũng có những điểm tương đồng nói chung của những người di dân đến từ châu Á.

Tìm hiểu quá khứ của những người Hoa di dân đi trước để vạch hướng phát triển mới trong tương lai cho những cộng đồng di dân tương tự hình như không phải là một việc làm vô bổ.

Tác giả xin mời các bạn cùng lượt qua những nét chính của sự phát triển phố Tàu tại Toronto, Canada, hầu rút tiả những kinh nghiệm sống cho cộng đồng của mình để nếu có dịp chúng ta có thể đem ra áp dụng nhằm phát triển những thành phố Việt tại Bắc Mỹ này được nhanh hơn và rực rỡ hơn.

Lịch sử phố Tàu Toronto phải chăng là lịch sử của vấn đề hội nhập của một dân tộc đến định cư trên đất nước này. Tìm hiểu lịch sử phát triển của phố Tàu Toronto phải chăng chúng ta đi tìm những cơ duyên đưa đẩy tại sao lại có một chủng tộc da vàng đến lập nghiệp, định cư trên một vùng đất Canada lạnh lẽo và trù phú này.

Để có được một cái nhìn chính xác, xin bạn hãy cùng tôi ngược lại giòng thời gian vào trước năm 1877, những năm mà phố Tàu Toronto chưa thực sự xuất hiện.

Theo tài liệu ghi nhận của Thành Phố thì vào năm 1877 chỉ có 2 Hoa Kiều hiện diện tại đây: đó là ông Sam Ching ở số 8 đường Adelaide East và ông Wo Kee ở số 385 của đường Yonge. Hai sếnh sáng này là chủ nhân của 2 tiệm giặt quần áo bằng tay.

Sự hiện diện của ông Sam Ching và ông Wo Kee đã làm ngạc nhiên các nhà xã hội học Canada thời bấy giờ. Vì rằng tại Canada vào thời kỳ này thực sự có sự hiện diện của người Hoa nhưng họ chỉ tập trung quanh quẩn trong vùng Tây Bắc của nước Canada mà thôi. Họ thường là những công nhân làm mướn trong các mỏ vàng hoặc là những công nhân xây dựng đường xe lửa xuyên bang Canadian Pacific Railway (CPR).

Thế thì tại sao lại có 2 ông da vàng mũi tẹt lại lạc lõng tại thành phố Toronto này vậy?

Dựa theo những tài liệu về dân số còn lưu trữ lại thì vào năm 1885 sau khi đường xe lửa CPR hoàn tất, những Hoa Kiều làm đường xe lửa bị thất nghiệp họ đổ dồn về Vancouver, và tại đây họ đã lãnh đủ những đợt bài Hoa dữ dội. Hàng đoàn người dân bản xứ biểu tình chống sự hiện diện của người Hoa.

Đã có những cuộc biểu tình dông hơn 5000 người tham dự. Họ ném đá, nổ súng vào người Hoa, gây nên thảm kịch người thì bị thương, nhà cữa tài sản bị đốt phá. Đứng trước tình thế này, để tìm con đường sống, buộc lòng một số đông người Hoa phải rời bỏ miền Tây của Canada, bao gồm vùng Vancouver, để tiến về miền Đông, rải dần các tiệm giặt đồ bằng tay và nhà hàng khắp nước Canada thời bấy giờ.

Nhưng ở Toronto thì lại khác. Hai ông Sam Ching và Wo Kee đã mở tiệm giặt bằng tay từ năm 1877, tức là 8 năm trước khi đường xe lửa CPR hoàn tất, vậy không thể kết luận rằng 2 ông này thuộc nhóm người Hoa làm đường xe lửa được.

Nếu vậy, xuất xứ của 2 ông này là ở từ đâu?

Theo sự nghiên cứu của tác gỉa Lee Wai Man thì 2 ông này đến Toronto chắc chắn không phải thuộc diện phu phen làm đường xe lửa, mà có lẽ 2 ông này từ Mỹ quốc mò lần qua Gia Nã Đại làm ăn. Xuất xứ của họ có thể từ Chicago hay từ Nữu Ước.

Thật vậy, căn cứ theo tài liệu còn lưu trữ tại Mỹ thì trước năm 1877 đã có nhiều người Hoa mở tiệm giặt đồ bằng tay tại hai thành phố đó rồi. Vậy giả thuyết cho rằng hai ông sếnh sáng này từ Mỹ mò qua Gia Nã Đại làm ăn tạm thời tin được.

Nói chung, đại đa số Hoa kiều di dân đến Bắc Mỹ này thời bấy giờ, bản thân họ khi còn ở Trung Hoa đều là những nông dân lam lũ, chân lấm tay bùn.

Nghề giặt mướn bằng tay là một nghề mới lạ và tương đối đơn giản đối với họ. Một kiểu kinh doanh đặc biệt chỉ học được tại Bắc Mỹ này mà thôi. Nghĩ lại cũng tương tự như nghề làm Nail của người Việt mình.

Đa số người Việt đến định cư tại Mỹ hay Canada không phải ai ai cũng đều đã từng có nghề làm Nail trước khi rời khỏi nước.

Khi còn ở trong nước có ai dám nghĩ rằng nghề Nail lại kiếm được nhiều tiền và cũng chính kiểu kinh doanh học được tại Bắc Mỹ Châu này đã khiến cho nhiều người Việt trong nghành Nail trở thành giàu có và đã thành công một cách dễ dàng.

Hoàn cảnh của người Hoa lúc bấy giờ không giống như nghề Nail của người Việt chúng ta hiện nay, hay nghề bán trái cây của người Ý, nghề bán kem của người Hy Lạp thuở trước; người Hoa khi làm nghề giặt mướn bằng tay họ không có được sự tự do chọn lựa. Năm 1877, Ủy Ban Đặc Trách Về Lao Động và Di Trú cho Hoa Kiều tại Hạ Viện Canada phúc trình rằng: “người da trắng có thể làm những nghề khác mà không cần làm nghề giặt mướn bằng tay, nghề này dành cho người Hoa cũng được.” Cho nên có thể nói rằng người Hoa làm nghề này theo yêu cầu của Canada chứ không theo sự tự do lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Vào năm 1880, trên đường York nằm trong trung tâm của thành phố Toronto, phía Nam của đường Wellington, có một khu Hoa Kiều xuất hiện. khu này nằm gần ga xe lửa, mà chúng ta đã biết rằng ga xe lửa là cữa ngõ du nhập của người Hoa vào thành phố này.

Vào những năm này phố Tàu Toronto chưa thật sự xuất hiện, mà phải đợi mãi đến năm 1911, cuộc Cách Mạng Tân Hợi tại Trung Hoa do Tôn Trung Sơn lãnh đạo lật đổ nhà Mãn Thanh, Trung Hoa lúc bấy giờ có nhiều xáo trộn về nội chiến và kinh tế, người Hoa bỏ nước đi Canada ngày càng đông thì phố Tàu Toronto mới từ từ thành hình. Họ đến Canada một phần do những câu chuyện của những người Hoa đi làm phu phen thuở trước kể lại rằng Canada là một vùng đất mới, bao la bát ngát, trù phú, dễ làm ăn.

Ngoài nghề giặt mướn ra, nghề bán thức ăn ở các nhà hàng cũng được kể là một trong những nghành kinh doanh tiên khởi của của Hoa-Kiều tại Toronto. Tiệm ăn đầu tiên là tiệm Sing Tom ở số 37 1/2 đường Queen, nằm bên cạnh tiệm giặt Wah Kee. Năm 1901 tổng cọng có 96 tiệm giặt đồ, đến năm 1921 tăng lên được 374 tiệm. riêng về tiệm ăn thì vào năm này còn có Hung Fan Low và Jung Wah ở đường Elizabeth.

Trước đạo luật 45 (đạo luật cấm chỉ sự nhập cư của người Hoa được Quốc Hội Canada thông qua năm 1923), Hoa Kiều ở quanh quẩn trong khu phố Tàu của Thành Phố Toronto đếm được 2,134 người. Rải rác các tiệm như Công Ty Q. Kwong ở số 56 đường Elizabeth, tiệm này chuyên bán tạp hóa và các loại thuốc bắc, các món đặc sản của Á Châu như yến sào và những dụng cụ dành cho nghề giặt mướn.

Khách hàng của tiệm này hầu hết là người Hoa. Một yếu tố khác cũng cần lưu ý thêm về mặt xã hội học là lúc bấy giờ không phải chỉ có người Hoa tập trung ở vùng phố Tàu mà bên cạnh họ còn có người Do Thái mở tiệm bán gà ở đường Chesnut, đường Dundas và đường Elizabeth nữa.

Người Do Thái ở đây bán gà cho người Hoa, vì lúc bấy giờ người Hoa thường thích ăn thịt gà nhưng lại không được cấp giấy phép mua bán gà.

Năm 1947 đạo luật cấm chỉ người Hoa nhập cư vào Canada được bãi bỏ, nhưng làn sóng di cư của Hoa Kiều vào Canada vẫn chưa ồ ạt lắm.

Thật ra, phải đợi đến năm 1960 lượng Hoa Kiều nhập cư vào Canada mới càng ngày càng tăng. Hàng ngàn người Hoa trốn khỏi “thiên đường Cọng Sản” vào thời kỳ Mao Trạch Đông thực hiện “bước nhảy vọt” và phát động cuộc “Cách Mạng Văn Hóa”. Thủ tướng Canada vào thời điểm này là ông Diefen Baker đã cố gắng giúp đỡ những người Hoa tỵ nạn Cọng Sản bằng cách cho định cư 100 gia đình. Những gia đình này đến Toronto vào tháng 8 năm 1962.

Luồng sóng di dân của Hoa Kiều đợt này đã đẩy mạnh bước phát triển của Phố Tàu trên đường Dundas từ phía Tây của đường Bay cho đến đường Spadina.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng vào thời kỳ này một phố Tàu thứ nhì cũng được mọc lên ở khu ngã tư đường Broadview và đường Gerrard mà người Việt trong vùng thường gọi là phố Tàu Đông. Lý do của sự phát triển phố Tàu thứ hai này cũng dễ hiểu.

Như các sắc tộc di dân trước như Do Thái, Ấn Độ, Ái Nhĩ Lan hay những người gốc Anh, ai ai cũng vậy, khi mới đến Toronto bước đầu đều sống qua vùng Cabbage Town theo chương trình Housing của chính quyền Tỉnh Bang Ontario dành cho những người mới đến. Chính quyền địa phương ở đây xây dựng những khu Housing rẻ tiền này trước là để giúp đỡ những người mới di dân đến có chỗ trú ngụ hầu ổn định cuộc sống, sau là dễ cho chính quyền kiểm soát những người mới định cư. Người Hoa cũng vậy không tránh khỏi số phận này. Lúc đầu mới tới họ cũng cư ngụ xung quanh vùng Cabbage Town.

Lúc này phố Tàu Tây từ đường Bay cho đến đường Spadina, tiền mướn phố càng ngày càng cao, lượng dân cư trở nên đông đúc và có sức cạnh tranh ráo riết, cho nên những người Hoa mới tới đợt sau này đành phải chọn vùng Broadview và Gerrard để làm chỗ buôn bán nhỏ, làm ăn. Nhứt cử lưỡng tiện: vừa được tiền thuê rẻ và được gần nhà, gần chỗ ở của họ là Cabbage Town.

Lại thêm một khu phố Tàu thứ ba mới xuất hiện trong vùng đại đô thị của Toronto. Đó là khu phố Tàu Argincourt trải dài từ đường Glen Watford cho đến đường Sheppard. Phố Tàu thứ ba này xuất hiện do hậu quả trực tiếp của những đạo luật định cư gần đây. Chính quyền Canada có ý khuyến khích những nhà kinh doanh giàu có người Hoa từ Hong Kong được nhập cảnh theo diện kinh doanh vào Canada. Hấp dẫn bỡi sự ổn định về kinh tế và chính trị của xứ sở này, cộng thêm mức sống cao của người dân Bắc Mỹ, Hoa kiều từ Hong Kong đã ồ ạt di dân vào Canada và mở rộng cộng đồng của họ tại đây đến 71% kể từ năm 1971 đến năm 1981; theo bản nghiên cứu của Wing K. Yung, từ năm 1981 trở đi, mỗi năm có khoảng chừng 7000 người Hoa từ Hong Kong bước chân vào Canada.

Phần lớn khách hàng của phố Tàu thứ ba này là những người Hoa di dân từ Hong Kong và những người Hoa sinh đẻ tại Canada, họ có khuynh hướng như những người Canada bản xứ là càng ngày càng dãn ra những vùng ngoại ô của thành phố cho dễ thở. Chính phố Tàu thứ ba này đã phản ảnh được nét đa dạng của cộng đồng người Hoa tại Toronto. Tuy nhiên, phát triển thì có phát triển nhưng cộng đồng người Hoa tại đây không có thế đứng về chính trị. Bằng chứng là vào năm 1985, cộng đồng người Hoa ở Argincourt có dự tính xây một rạp hát cho Hoa Kiều ở đây, nhưng dự án này đã bị Hội Đồng qui hoạch của thành phố Scarborough bác bỏ. Sức chống đối có tính cách địa phương và những căng thẳng về chủng tộc đã có mòi ló dạng kể từ khi người Hoa xây dựng phố Tàu thứ ba tại vùng Argincourt này.

Một khu phố Tàu thứ tư đã xuất hiện, tuy mới mẻ nhưng không kém phần nhộn nhịp, đó là khu phố Tàu của Mississauga. Đây là khu buôn bán mới vưà được thành lập trên đường Dundas East của thành phố Mississauga. Trước lối đi vào có cổng tam quan với Lưỡng Long Chầu Nguyệt. Công việc buôn bán diễn ra vào những ngày cuối tuần thật là náo nhiệt, muốn tìm cho được một chỗ đậu xe cũng là một việc khó khăn; không thua gì những khu phố Tàu đã mở mang ngày trước.

Chúng ta bây giờ hãy trở lại khu phố Tàu cũ kỹ nhất của thành phố Toronto, khu này còn được gọi là phố Tàu Tây, nằm trên đường Dundas và Spadina như đã được giới thiệu ở phần trên. Tuy thành lập từ lâu, nhưng khu phố hôm nay vẫn trên đà phát triển. những trung tâm buôn bán đồ sộ hơn, tân kỳ hơn, hợp với thị hiếu của người dân Á Châu hơn vẫn còn đang tiếp tục dựng xây và mở rộng. Bộ mặt của khu phố càng ngày càng thêm thay đổi. Thêm vào đó nhiều tiệm ăn, nhiều tiệm nữ trang và những tiệm tạp hóa do người Việt đứng ra làm chủ đã giành bớt sự độc quyền về tạp hóa của người Hoa thuở trước. Sự bành trướng này đã đẩy lần biên giới của phố Tàu đi sâu vào trong vùng chợ Kensington của người Do Thái. Nhiều siêu thị của người Việt ngày nay mở trên phố Tàu đã vượt hẳn những khu phố ngày xưa mà người Hoa đã từng làm chủ về phẩm cũng như về lượng.

Phố Tàu ngày nay, thật ra, không như phố Tàu ngày xưa, chỉ quanh quẩn trong hai nghề bán ăn và giặt mướn. Nơi đây đã trở thành một sinh hoạt tập trung, bạn có thể mua những máy móc tân kỳ trong những cữa hàng điện tử; bạn cũng có thể gặp những gian hàng vẫn còn bán những sản phẩm mây tre lá buông, thô sơ mộc mạc. Thảng hoặc bạn cũng còn gặp những bà cụ già, người Việt lẫn người Hoa, co ro trong những chiếc áo mùa Đông đứng bán từng bó rau đắng hay vài xu cải xanh ở bên lề đường.

Sau khi điểm qua lịch sử phát triển của phố Tàu tại thành phố Toronto, Canada; chúng ta nhận thấy có bốn sự kiện nổi bật, tưởng cũng nên nhắc lại nơi đây. Sự kiện thứ nhất là Đạo Luật 45, đạo luật này là một vết sẹo trong lòng luật pháp Canada về sự kỳ thị chủng tộc đối với người da vàng. Năm 1947, đạo luật kỳ thị trên đã được bãi bỏ, nhưng tinh thần của nó dường như vẫn còn lẩn quất đâu đây. Không hiểu những người Hoa khi bị kỳ thị hay bị chèn ép bỡi người khác họ có cảm thấy nhục nhã xấu hổ hay không? Họ có còn nhớ rằng vào cuối đời Mãn Thanh trên quốc gia họ đã từng hứng lấy cái nhục của “Lục Cường xâm chiếm Trung Hoa”. Từ Thượng Hải đến Hoành Tân, Trung Hoa đã bị chia cắt ra bao nhiêu là Tô Giới. Rồi đến Thế Chiến thứ Hai, Nhựt Bổn xâm lăng Trung Hoa đã trút bao nhiêu ê chề đau đớn trên số phận của đất nước và dân tộc họ. Họ đã quên những bài học đó rồi chăng? Họ đã quên rằng muốn chung sống hòa bình thì bất cứ dân tộc nào, dù mạnh hay yếu, trước hết phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của những dân tộc nhỏ kề cận bên mình; sau nữa phải biết tôn trọng phong tục tập quán của người dân bản xứ.

Hỏi thế để mà chơi, chứ tôi tin chắc chắn rằng ai ai cũng muốn công lý tự nhiên (natural justice) phải được tôn trọng. Quốc gia dân tộc nào cũng vậy, dầu lớn dầu nhỏ, trên chính trường quốc tế hiện nay quyền chủ tể phải là một quyền bất khả xâm phạm và tuyệt đối. Luật pháp ngày nay không cho phép một người láng giềng giàu có được quyền dời hàng rào để lấn hiếp người láng giềng nghèo khổ, nhà tranh vách lá, nằm sát bên phên dậu của mình.

Sự kiện thứ hai là Bản Phúc Trình của Hạ Viện Canada về Lao Động và Di trú dành cho Hoa Kiều. Qua tinh thần của Bản Phúc Trình đó ta nhận thấy người Hoa lúc bây giờ không có quyền tự do chọn nghề nghiệp theo ý muốn riêng của mình, họ phải làm những nghề mà người khác đã dành sẵn cho họ.

Sự kiện thứ ba không kém phần quan trọng đó là một sắc dân muốn được phát triển toàn diện cần phải có một thế đứng chính trị vững chắc trên quốc gia mà họ đến di dân và lập nghiệp.

Sự kiện sau cùng cũng được nhiều người chú ý đó là tốc độ phát triển của những phố Tàu tại Canada hay tại Bắc Mỹ nói chung có phần nhanh hơn vào cuối thế kỷ 20 vừa qua, nhất là sau cuộc chiến tranh lạnh của Mỹ và Nga vừa kết thúc. Đông Phương với mặt trời Hồng, Trung quốc từ từ ló dạng như một siêu cường đang muốn tranh chân, thay thế Nga Sô, đương đầu với Mỹ, bành trướng thế lực trong vùng Châu Á và Thái Bình Dương.

Sự phát triển những phố Tàu tại Bắc Mỹ Châu đồng bộ, cộng hưởng cùng Trung quốc đang dương oai diệu võ với những quốc gia nhỏ yếu có cùng chung đường biên giới với Trung Hoa. Ngày nay trên thị trường hàng hóa tiêu dùng tại đây, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập về lượng nhưng lại kém về phẩm chất. Tuy nhiên, hàng hóa kém phẩm chất cũng chẳng sao, từ từ sẽ cải tiến sau, “mèo trắng hay mèo đen, không quan trọng miễn bắt chuột là được”, hàng hóa xấu tốt mặc kệ, miễn rẻ tiền, nhiều người mua, Trung quốc thâu nhiều ngoại tệ là được rồi.

Phố Tàu tại Bắc Mỹ Châu càng bành trướng chiều rộng cũng như chiều sâu, đạo quân thứ năm của Trung quốc ở hải ngọai ngày càng đông. Tin tức tình báo về chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật thâu thập ngày càng nhiều, mà những phố Tàu, với sinh hoạt khép kín theo kiểu Bang Hội ngày xưa sẽ là những sào huyệt, hang ổ góp phần không nhỏ trong những sinh hoạt chạy đua với Mỹ và Tây Phương trong những lãnh vực tình báo này. Cuộc chạy đua giữa thỏ Mỹ và rùa Trung quốc, theo truyện ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên, một lần nữa sẽ được chứng minh là đúng. Biết đâu vài chục năm thêm nữa, thế giới phải đứng trong cánh dù của Trung Hoa.

Dù nào thì cũng để che mưa. Nhân loại đứng trong cánh dù của Mỹ, nhờ vào những định chế chính trị, kinh tế và pháp luật vững chắc, thì hy vọng còn có cơm ăn; nhân loại mà đứng trong cánh dù của Trung Hoa với những quan Đại Hán của Thiên Triều chắc hẳn chỉ sản sanh những từng lớp giòi bọ, tay sai bán nước, tham nhũng ngất trời mà thôi.

Nhân đây cũng nói thêm về giá trị địa sản để cho những người di dân mới đến sau rút tỉa những kinh nghiệm để có một tầm nhìn rộng rãi hơn trong việc đầu tư của mình. Ai cũng biết giá cả của khu phố Tàu Toronto bây giờ đã lên đến gấp ngàn lần so với thời kỳ phát triển vào năm 1910.

Tiền mướn phố ngày nay đã trở thành một con số khổng lồ khiến cho nhiều người ngần ngại bỏ vốn kinh doanh. Để có một khái niệm về giá trị địa sản thời bấy giờ chúng ta hãy nghe Richard Stanley kể lại rằng: “Gía trị của toàn thành phố Toronto vào năm 1910 cũng không bằng giá trị của 100 feet đất nằm trên đường Yonge, khoảng giữa đường King và Queen ngày nay.

Một ngôi nhà mới xây trên một lô đất có chiều ngang 100 feet lúc bấy giờ chỉ bán vỏn vẹn 833 dollars. Môt ngôi nhà mới ở Toronto cất trên một lô đất có chiều ngang 50 feet chỉ rao bán với giá 650 dollars. Mỗi tháng tiền thuế với tiền mortgage chỉ tốn 3.92 dollars mà thôi. Trị giá của khu phố Tàu lúc đó không bằng trị giá của một chỗ đậu xe ngày nay.”

Người Hoa thường tự hào rằng: “Ở đâu có khói là ở đó có người Hoa.” Người Việt mình cũng tự hào rằng: “Ở đâu có Tự Do là ở đó có người Việt Quốc Gia.” Thật vậy, sau nạn “đại hồng thủy” xảy ra ở Việt Nam vào cuối tháng Tư năm 1975, người Việt Quốc Gia đã tản mác khắp năm châu, và ở từng thành phố, từng địa phương cộng đồng Việt Nam đã và đang chen vai sát cánh cùng với người Hoa và góp phần không nhỏ trong việc phát triển phố Tàu.

Biết đâu trăm năm sau có người ngồi viết lại sự phát triển của cộng đồng Việt Nam tại Little Saigon, Toronto, hoặc San Jose hay tại một vùng địa phương nào đó có mặt của những người Việt tỵ nạn cọng sản, sẽ không ngần ngại hạ bút kết luận rằng:

những người Việt Nam dầu tiên đến định cư tại đây đều là những người dũng cảm, thông minh, cần cù, nhẫn nại. Những người Việt Nam đầu tiên đó đã đặt được một nền tảng vững chắc cho việc phát triển cộng đồng của mình và đã tạo nên một nét đặc thù riêng trong bức tranh đa sắc của Bắc Mỹ Châu này vậy.

Phan Tấn Thiện

Toronto, sửa đổi và nhuận sắc, tháng 11 năm 2002

Nguồn: Vietnam Daily.

 


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài


Deprecated: htmlspecialchars(): Passing null to parameter #1 ($string) of type string is deprecated in /var/www/vhosts/tapchicanada.com/httpdocs/modules/mod_search/mod_search.php on line 44