Trong lúc căng thẳng với Venezuela gia tăng về vùng lãnh thổ tranh chấp Esequibo, Tổng thống Guyana Irfaan Ali hồi tháng 11 đáp trực thăng lên đỉnh núi cao 2.300 m trong khu vực và treo quốc kỳ tại đây.
"Trên ngọn núi đó là lá cờ của chúng tôi. Mỗi sáng nhìn vào lá cờ, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào", Jacklyn Peters, nhân viên y tế 39 tuổi, một trong 280 cư dân làng Arau gần ngọn núi, cho biết.
Peters khẳng định Tổng thống Ali treo quốc kỳ trên đỉnh núi để cho thấy toàn bộ cư dân nơi đây đều thuộc về Guyana và đây là lãnh thổ của Guyana.
Làng Arau, vùng Esequibo, nằm cách biên giới với Venezuela chưa đầy 10 km. Nơi đây có một nhà thờ Cơ Đốc giáo giản dị và một trường học đang treo cờ rủ để tưởng niệm 5 người lính Guyana thiệt mạng vì vụ tai nạn trực thăng quân sự hồi tuần trước.
Quốc kỳ Guyana tại làng Arau, vùng Esequibo, hôm 10/12. Ảnh: AFP
Làng Arau với những ngôi nhà gỗ yên bình đang ngày càng chịu tác động từ tranh chấp lãnh thổ giữa Guyana và Venezuela.
"Chúng tôi rất sợ hãi", Peters, mẹ của 6 đứa trẻ, nói. Cô cáo buộc binh sĩ Venezuela tìm cách đe dọa dân địa phương khi dùng thuyền, trực thăng tuần tra dọc sông Cayuni giáp biên giới.
"Chúng tôi không muốn chiến tranh. Có trẻ em, phụ nữ mang thai, chúng tôi sẽ đưa họ đi đâu? Chúng tôi muốn hòa bình", Peters cho biết.
Thomas Devroy, 59 tuổi, cựu trưởng làng Arau, nói rằng Esequibo là "vùng đất của cộng đồng người Akawaio", sinh sống ở khắp Guyana, Venezuela và Brazil.
"Đây là vùng đất của chúng tôi từ thời xa xưa, trước cả khi người Tây Ban Nha tới đây. Với chúng tôi, vùng đất ấy vốn không có biên giới, nhưng với tình hình chính trị hiện nay, nó có biên giới. Và Esequibo thuộc về Guyana. Chúng tôi không muốn chiến tranh", ông Devroy nói.
Vị trí vùng Esequibo. Đồ họa: AFP
Cuộc tranh chấp hàng thập kỷ về vùng đất Esequibo giữa Venezuela và Guyana đã nóng lại từ khi tập đoàn Mỹ ExxonMobil phát hiện mỏ dầu trữ lượng 11 tỷ thùng tại đây năm 2015. Tranh chấp đã được đưa lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).
Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuần trước tổ chức trưng cầu dân ý, trong đó 95% cử tri ủng hộ rằng vùng đất tranh chấp Esequibo, đang do Guyana kiểm soát, thuộc về Venezuela.
Kể từ đó, Venezuela bắt đầu thực hiện các thủ tục pháp lý để thành lập chính quyền ở Esequibo và yêu cầu công ty dầu mỏ quốc gia cấp giấy phép khai thác trong khu vực này. Esequibo là nơi sinh sống của 125.000 người.
Ông Devroy nói rằng khu vực này đã tiếp nhận những người Venezuela rời bỏ đất nước vì cảnh đói nghèo và lo ngại nếu Esequibo thuộc về Venezuala, tình cảnh khủng hoảng sẽ lại xảy ra ở đây.
Tuy nhiên, cuộc sống ở làng Arau cũng không dễ dàng gì và người dân đang trông chờ vào nguồn dầu mỏ dồi dào. Cư dân Lindon Cheong, 53 tuổi, than phiền về tình trạng thiếu gạo và hạ tầng giao thông.
Giống nhiều cư dân khác, Cheong làm nghề khai thác vàng trong khu vực, nguồn tài nguyên mà anh mô tả là "ngày càng khan hiếm".
Cư dân tại làng Arau, vùng Esequibo, hôm 10/12. Ảnh: AFP
Kể từ tháng 9, quân đội Venezuela bắt đầu đánh thuế các tàu thuyền cung cấp hàng hóa cho dân làng Arau đi qua sông biên giới Cayuni, khiến vật giá trong khu vực leo thang.
Một máy bay nhỏ vận chuyển hàng tới làng với tần suất vài lần một tuần, nhưng một chai Coca-Cola hiện có giá 10 USD. Giá nhiên liệu tăng cao cũng khiến nguồn điện từ máy phát giảm.
Tuy nhiên, bất chấp thời điểm khó khăn này, Cheong tuyên bố cờ Venezuela sẽ "không bao giờ tung bay ở Arau".
Ngọc Ánh (Theo AFP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET