Bị cáo Nguyễn Duy Linh tại tòa - Ảnh: TTXVN
Kiểu đút lót này khiến người ta liên tưởng đến những câu chuyện tham nhũng của quan lại thời xưa, khi mà của hối lộ được phu khuân vác gồng gánh, khệ nệ mang đến nhà quan.
Vậy mà đó lại là một trong những tình tiết đã được khẳng định như là một phần của vụ án, trong đó có bị cáo nguyên là quan chức lãnh đạo Tổng cục Tình báo, đang được dư luận quan tâm.
Túi tiền hối lộ gồm 10.000 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng, nặng gần 9kg của Vũ 'Nhôm' phải qua tay 5 người, được vận chuyển trên 2 xe biển xanh 80B... mới đến tay phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh.
Chống tham nhũng là việc rất khó. Để làm cho người ta không muốn tham nhũng thì phải giáo dục đức liêm khiết cho con người từ thuở bé; có chính sách lương bổng hợp lý giúp quan chức yên tâm làm việc mà không tìm cách moi móc ở các ngóc ngách hòng kiếm chác thêm.
Để người ta không dám tham nhũng thì phải đặt ra những biện pháp chế tài thật nặng đối với hành vi phạm tội và phải xây dựng hệ thống tư pháp thật vững mạnh nhằm bảo đảm tính hữu hiệu, nghiêm minh của luật pháp. Đối với một nước đi lên từ tình trạng nghèo khó và dân trí thấp, những việc này tất nhiên cần có thời gian để thực hiện.
Còn đối với trường hợp đã được giáo dục, được đãi ngộ và đứng trước một hệ thống trấn áp đầy uy lực mà người ta vẫn muốn, vẫn dám tham nhũng thì phải làm thế nào để người ta không thể tham nhũng.
Rõ hơn, cần xây dựng không gian giao tiếp xã hội, đặc biệt là giao tiếp công vụ minh bạch, chặt chẽ, không tạo những kẽ hở có thể bị lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng.
Ở góc nhìn nào đó, kiểu hối lộ thô sơ ghi nhận trong vụ án cho thấy hệ thống quản lý tài chính - tiền tệ, mà sự vận hành tạo khung cảnh và điều kiện cho hành vi phạm tội diễn ra, còn ở trình độ rất thấp và có quá nhiều khuyết tật.
Đặc biệt, sự lỏng lẻo trong kiểm soát lưu thông tiền mặt giúp cho người ta dễ dàng tích tụ một số tiền lớn và chuyển cho người khác mà chẳng có cơ quan hữu trách nào hay biết.
Nhà chức trách hiểu được những rủi ro mà hệ thống thanh toán dựa vào tiền mặt có thể gây ra đối với đời sống xã hội, đặc biệt là đối với các nỗ lực phòng chống tham nhũng.
Trong những năm trở lại đây, chủ trương thực hiện thanh toán không tiền mặt đã được đẩy mạnh, trong đó báo Tuổi Trẻ hằng năm đều tích cực phản ánh, tuyên truyền về vấn đề này.
Tuy nhiên, cho đến nay các kết quả thu được vẫn còn khiêm tốn và tiền mặt vẫn lưu thông với khối lượng lớn. Nhà nước cần có giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để giảm thiểu sự xuất hiện của tiền mặt trong giao dịch và tương ứng là sự gia tăng, phổ biến của dịch vụ thanh toán qua ngân hàng.
Ở các nước, tất cả các giao dịch, dù ở khu vực công hay khu vực tư, có giá trị vượt quá một hạn mức nào đó đều phải thanh toán qua ngân hàng.
Mặt khác, việc rút tiền mặt bằng thẻ ATM luôn chịu một giới hạn kép: số tiền tối đa (ví dụ 500 đôla) trong khoảng thời gian nhất định (ví dụ 7 ngày liên tục).
Mức tối đa được luật quy định trên cơ sở tính toán hợp lý về nhu cầu thực hiện các chi tiêu thông thường của một người trong khoảng thời gian đó. Tất cả các chủ thể liên quan đều có thể bị chế tài rất nặng, thậm chí về mặt hình sự, nếu vi phạm các quy định mang tính kỷ luật tài chính nghiêm ngặt này.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online