Chuyện những thanh niên tự tử do trượt đại học cho thấy nhiều bạn trẻ chưa được trang bị gì ngoài kiến thức khi vào đời, dẫn đến việc coi hỏng thi là tận thế.

Một nữ sinh ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam treo cổ tự tử chiều 5/10, được cho là do đau khổ vì không đủ điểm vào Đại học Luật như mong muốn. Gia cảnh khó khăn, mẹ mất sớm, bố không có việc làm ổn định, phải chăng thiếu nữ này coi việc đỗ đại học là con dốc nhất định phải vượt qua để thay đổi tương lai của bản thân và gia đình, và rồi tuyệt vọng khi không đạt mục tiêu ấy?

Trước đó, không ít chàng trai, cô gái vừa rời trường trung học tự tìm đến cái chết do không nhận được kết quả mong muốn trong kỳ thi/tuyển vào đại học. Tại huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, em Nguyễn Tấn T. đóng cửa tưới xăng tự thiêu tại nhà riêng sau kỳ thi năm 2014. Tâm sự với bố trước khi làm chuyện dại dột này, T. cho biết em muốn chết vì quá nhục nhã khi không đỗ đại học, làm xấu hổ cho gia đình.

Lê Kim M. (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cũng chọn cái chết vào năm 2013 sau khi nhận kết quả thi. Ngoài cảm giác thất vọng, M. còn hoang mang, chán nản vì có cảm giác bị người thân lạnh nhạt, xung quanh lời ra tiếng vào; và nhảy cầu tự tử là cách em chạy trốn thực tại…

425 1 Nu Sinh Tu Tu Do Truot Dai Hoc Hong Thi Dau Phai La Tan The

(Ảnh minh họa)

Điểm chung của những vụ tự sát này là nạn nhân đều coi trượt đại học là bi kịch khủng khiếp, cả thế giới dường như sụp đổ, đến mức khiến các em cảm thấy mình không còn hy vọng hoặc không đủ khả năng đối mặt. Vì đâu mà kết quả thi được xem là yếu tố quyết định cả cuộc đời như vậy? Chính là bởi tầm quan trọng của nó bị nâng lên quá mức trong nhiều thập kỷ, những năm gần đây tuy có giảm nhưng vẫn còn rất nặng nề.

Điều này có lẽ bắt nguồn sâu xa từ truyền thống khoa cử của Việt Nam, khi hầu như mọi người chỉ nhìn thấy một con đường để thành công, thoát nghèo, đó là “đỗ đạt làm quan”. Cùng với lều chõng, sĩ tử vác theo cả kỳ vọng của gia đình, dòng tộc khi lên kinh ứng thí. Các kỳ thi chọn nhân tài vì vậy được coi là cuộc “vượt vũ môn” khốc liệt, nếu qua được thì cá chép hóa rồng, một bước đổi đời, còn nếu không qua thì mèo lại hoàn mèo.

Các kỳ thi đại học thời hiện đại không hề giống thế nhưng trong thời gian dài vẫn được coi là bước ngoặt quyết định tương lai, thành bại của những con người vừa bước vào tuổi thành niên. Với các gia đình lao động nghèo, đó là cánh cửa mở ra thế giới mới. Còn với các gia đình trí thức, đỗ đại học được coi là điều bắt buộc tối thiểu để duy trì vị thế, phát triển bản thân.

Làm thầy hay làm thợ, sướng hay khổ, điều này cứ bị gắn vào kết quả kỳ thi đại học. Bởi thế mới có những ông bố, bà mẹ dù ốm yếu cũng đi làm ô sin hay cửu vạn để nuôi giấc mộng cử nhân cho con, mới có hàng loạt bệnh nhân rối loạn tâm thần xuất hiện sau mỗi kỳ tuyển sinh, hay những người trượt nhiều năm liền vẫn cố sống cố chết thi lại, dù bố mẹ đã mỏi mòn, kiệt lực… Mang tinh thần vượt vũ môn vào kỳ tuyển sinh đại học, nhiều em tưởng như cánh cửa tương lai đóng lại với mình khi hỏng thi, không biết rằng còn có nhiều lối khác để bước vào đời. Càng bị đè nặng bởi kỳ vọng của bản thân và cha mẹ, nỗi tuyệt vọng càng sâu.

Ngoài ám ảnh mang tính định kiến về tầm quan trọng của việc vào đại học, những cái chết đau xót này còn xuất phát từ một thực tế: Học trò dường như chỉ được trang bị kiến thức mà bỏ qua những hành trang khác, giống như chế độ dinh dưỡng chỉ cung cấp calo mà quên đi các vitamin, khoáng chất. Hậu quả là trẻ không có sức đề kháng trước những cơn “trái gió trở trời” của cuộc sống, như cái cây dễ ngã rạp chỉ sau trận gió nhẹ.

Để không còn những vụ tự tử do hỏng thi, cha mẹ, thầy cô cần dạy trẻ cách chấp nhận thất bại, coi nó thường tình như “nắng mưa là bệnh của trời”, như những nấc thang đi đến sự trưởng thành. Trẻ cần có tinh thần sẵn sàng đối mặt và vượt qua thất bại.

Mặt khác, hãy trả kỳ thi tuyển đại học về đúng với tầm quan trọng của nó, để các cô cậu học trò hiểu rằng, cho dù đỗ thủ khoa vào trường tốt, chặng đường “hóa rồng” vẫn còn rất xa. “Vũ môn” thực sự không nằm ở đây, nên vấp ngã ở chặng này không có nghĩa là tận thế.

Nguồn: vtc.vn


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài


Deprecated: htmlspecialchars(): Passing null to parameter #1 ($string) of type string is deprecated in /var/www/vhosts/tapchicanada.com/httpdocs/modules/mod_search/mod_search.php on line 44