Nhân dân thế giới xuống đường phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Ảnh tư liệu
Gần 54 năm sau cuộc gặp tại Jakarta (Indonesia), nữ Luật sư người Mỹ Nancy Hollander gặp lại bà Nguyễn Thị Bình - n- nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam
Lời xin lỗi từ một người mẹ Mỹ
Bà Cecila M.Goto - người mẹ của một người lính hải quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam - đã mang trong mình nỗi niềm day dứt trong gần 20 năm. Con trai của bà từ Việt Nam trở về đã tặng cho mẹ một món quà là đôi hoa tai. Nhưng khi biết đôi hoa tai này được làm từ những chiếc nhẫn cưới của những người lính Việt Nam đã hy sinh, người mẹ đã thực sự đau lòng, mặc cảm và day dứt. Cảm giác ấy cũng như cảm nhận về tội lỗi của con trai mình đã theo bà trong suốt hai thập kỷ. Cho đến khi bà quyết tâm và tìm cách trao gửi lại đôi hoa tai về với Việt Nam để tìm lại sự thanh thản trong lòng.
Lá thư và đôi hoa tai được gửi tới ông Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng lúc bấy giờ và tình cờ lại đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ - ngày 26/7/1994. Trong thư bà viết: “Thưa ngài! Sau cuộc chiến tranh Việt Nam, người lính trẻ đã mang về quê mình, nước Mỹ, đôi hoa tai vàng này và đem làm quà cho mẹ mình. Giờ đây, tôi xin gửi trả lại đôi hoa tai đó về nơi xuất xứ và xin được tha thứ. Tôi hiểu rằng, đôi hoa tai đó đã được đánh bằng những chiếc nhẫn cưới của những người lính Việt Nam đã chết. Chuyện thực buồn, tôi thực đau lòng. Tôi tin rằng, chính đôi hoa tai đã mang lại bao nhiêu phiền muộn đau đớn và rủi ro cho người lính trẻ kia và rằng anh ta đã phải sống qua những tháng năm bi thảm. Xin nhờ ông đem chôn đôi hoa tai này xuống mảnh đất quê hương ông. Nó có thể giúp xoa đi những tội lỗi và đem lại hòa bình cho mọi người trên trái đất. Xin cảm ơn ông!”.
Câu chuyện về lá thư và đôi hoa tai xuất hiện trên báo chí vào năm 1994, gây chú ý không chỉ với đội ngũ sưu tầm của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mà còn cả những nhà lãnh đạo nữ thời kỳ đó. Thay vì để đôi hoa tai ấy chôn vào lòng đất mẹ thì các cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã vào Đà Nẵng xin được lưu giữ, bảo quản hiện vật này.
Sau một thời gian đi sưu tầm cùng rất nhiều văn bản, giấy tờ và gửi thư xin ý kiến của bà Cecila M.Goto, đến ngày 5/12/1994, đôi hoa tai cùng lá thư chính thức trở thành hiện vật của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam như một minh chứng cho nguyện vọng được tha thứ của bà mẹ Mỹ về tội lỗi của đứa con mình trên mảnh đất Việt Nam và niềm hi vọng hòa bình luôn tồn tại trên trái đất.
Nữ luật sư yêu hòa bình
Ngày 13 – 18/7/1965, Tổ chức phụ nữ đấu tranh vì hòa bình (WSP) đã chọn ra 10 đại diện phái đoàn phụ nữ Hoa Kỳ và 8 đại diện phái đoàn phụ nữ Việt Nam để tham dự cuộc gặp tại Jakarta, Indonesia, đánh dấu cuộc ngoại giao nhân dân đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ thông qua nước thứ 3 được thực hiện bởi những người phụ nữ. Một trong số 10 đại diện phái đoàn phụ nữ Hoa Kỳ là cô sinh viên Nancy Gitlin năm đó 21 tuổi.
Tại cuộc gặp, các thành viên phái đoàn phụ nữ Mỹ và Việt Nam đã báo cáo tình hình quê nhà và đưa ra diễn biến cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ đó, phụ nữ Mỹ hiểu rõ hơn về con người Việt Nam, sự chia cắt đất nước và tình hình chiến tranh ở Việt Nam. Họ giải thích những rào cản mà họ gặp phải khi cố gắng thuyết phục chính phủ của họ kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Họ đã nghiên cứu những văn bản và nguồn tài liệu được phái đoàn phụ nữ Việt Nam cung cấp để bổ sung vào luận điểm của họ và đặt ra những sự nghi ngại và bất đồng về thông tin. Cuối cùng, những tài liệu của phái đoàn Việt Nam đưa tới đã giúp phụ nữ Mỹ có thêm luận cứ để tranh đấu cho hòa bình…
Tháng 3/2019, tức là 54 năm sau sự kiện đó, tại một buổi lễ trao hiện vật cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nữ Luật sư Nancy Hollander đã chia sẻ hành trình từ nữ sinh viên ưa chuộng hòa bình đến quá trình trở thành nữ luật sư nhân quyền của Mỹ. Cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn phụ nữ Mỹ với phái đoàn phụ nữ Việt Nam tại Jakarta, Indonesia năm 1965 đã để lại ấn tượng khó quên với cô nữ sinh hồi đó.
Trong lá thư bà Nancy Gitlin gửi một người bạn ngày 24/8/1965, tức là sau cuộc gặp gỡ tại Jakarta trở về, bà đã viết: “Khi mà cuộc chiến này hay tất cả các cuộc chiến tranh khác còn làm đen tối trái đất này thì những người phụ nữ của nước Mỹ cũng cần phải tham gia vào cuộc chiến tranh, chúng tôi phải sẵn lòng hy sinh thời gian và sức lực để biến đất nước này cũng như các nước khác thành nơi đáng sống cho trẻ em”.
Sau cuộc gặp mặt, bà Nancy Gitlin cùng phái đoàn phụ nữ Mỹ bắt đầu các chiến dịch hoạt động phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình ở Việt Nam như viết báo cáo, vận động hành lang, đi trình bày tại các sự kiện, làm phim tư liệu... Sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật tại Trường Đại học New Mexico năm 1978, Nancy Gitlin làm việc với cái tên Nancy Hollander, bà đã dành tâm huyết để bào chữa cho cá nhân, tổ chức bị cáo buộc phạm tội, trong đó có cả các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và nhân quyền.
Nữ luật sư nổi tiếng nước Mỹ Nancy Hollander từng là người đại diện cho hai tù nhân chính trị tại căn cứ hải quân Vịnh Guantanamo và giành được tự do cho một người trong số họ - ông Mohamedou Ould Slahi. Người tù nhân này đã ghi chép lại hồi ức về quá trình bị bắt giam trong cuốn nhật ký của chính mình. Chính Nancy Hollander đã tận tâm hỗ trợ và giúp đỡ để cuốn sách được xuất bản với tên gọi “Nhật ký Guantanamo”.
Ngoài thực hành luật, bà Nancy Hollander còn tham gia giảng dạy, đào tạo tại rất nhiều ngôi trường danh tiếng ở Áo, Pháp, Mỹ, Hà Lan... Bà là tác giả của nhiều đầu sách, tài liệu về các chủ đề như: Bảo mật bằng chứng cho các vụ án quốc tế; tịch thu, tìm kiếm và bắt giữ bất hợp pháp; bảo vệ các trường hợp lạm dụng trẻ em, đạo đức, bằng chứng và xét xử thực hành. Bà từng là cố vấn cho Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam.
Tại Lễ trao trả kỷ vật năm 2019, nữ Luật sư Mỹ đã chia sẻ về lý do bà quay lại Việt Nam và ý nghĩa của cuộc gặp Jarkarta năm 1965, nhớ về cuộc gặp gỡ lịch sử với phái đoàn phụ nữ Việt Nam, bà Nancy cho biết: “Tôi vẫn nhớ lúc đó bà Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, lúc đó là Trưởng phái đoàn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia cuộc gặp ngoại giao giữa phụ nữ hai nước năm 1965 - PV) nói hai miền Nam – Bắc đều là một, đều là gia đình nhưng không thể đoàn tụ tại Việt Nam lúc đó do chiến tranh. Phụ nữ hai miền cũng bị chia cắt. Sự kiện tại Indonesia năm đó cũng là cơ hội cho họ hội ngộ và chúng tôi rất vinh dự được làm cầu nối cho việc đó. Sau cuộc hội thoại với bà Bình, trở về Mỹ tôi cảm thấy bản thân có thêm lý do và động lực để giúp cuộc chiến này kết thúc”…
Đôi hoa tai và lá thư của bà Cecila M.Goto gửi Việt Nam - hiện vật tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Vĩ thanh
Hơn nửa thế kỷ trước, đế quốc Mỹ mang quân đến Việt Nam và trong suốt gần 20 năm, hàng triệu lính Mỹ và lính tham chiến, hàng triệu tấn bom đạn được sử dụng để tàn phá, xâm lược Việt Nam. Cuộc chiến phi nghĩa Mỹ tạo ra đã gặp phải sự phản đối dữ dội của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Ngay tại chính nước Mỹ cũng có nhiều tổ chức, nhiều cá nhân đứng lên đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam.
Có những câu chuyện, có những hiện vật thực sự làm lay động mọi trái tim như những cuốn album được làm bằng tay của phụ nữ Đức, phụ nữ Pháp đã thực hiện, để quyên góp từng đồng gửi tặng Việt Nam; những con búp bê phụ nữ Nhật Bản đã làm bán lấy tiền ủng hộ cho Việt Nam; và hai câu chuyện về hai người phụ nữ Mỹ nói trên… Những hình ảnh, những câu chuyện về những con người đến từ nhiều quốc gia, nhiều ngôn ngữ, nhưng trong những trái tim ấy đều mong muốn và hiểu giá trị của hai chữ “hòa bình”.
Còn nhớ, cũng vào một dịp kỷ niệm, một cựu quân nhân Mỹ còn rất trẻ và một nhóm cựu binh của Việt Nam đã vô tình gặp nhau tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Khi biết nhóm người cũng đang đi tham quan bảo tàng như mình là những người lính Cụ Hồ Việt Nam năm xưa, Alfred Meza - cựu quân nhân đến từ Chicago của nước Mỹ đã xin phép đặt một câu hỏi với họ: “Các ông tham gia quân đội lúc bao nhiêu tuổi?”.
“Lúc đó chúng tôi đều tầm 20 tuổi cả” – ông Ngô Văn Học, một người trong nhóm ba cựu chiến binh sẵn lòng trả lời. “Còn trẻ như vậy, thường thì chưa nhận thức được hết các vấn đề, vậy lúc đó các ông tham gia quân đội vì nghĩa vụ, vì niềm tin của mình hay vì lý do nào khác nữa?”.
“Chúng tôi có niềm tin. Đó là niềm tin với dân tộc khi đất nước bị lâm nguy, bị xâm lược. Tuổi trẻ chúng tôi lúc đó dù chưa nhận thức đầy đủ, nhưng vẫn luôn hiểu và muốn ra chiến trường để bảo vệ đất nước. Chúng tôi vào chiến trường nhẹ như lông hồng, không sợ cái chết, chỉ nghĩ một điều là giải phóng quê hương...”.
Khoảnh khắc trò chuyện lướt qua rất nhanh, nhưng đã ghi sâu trong trí nhớ của người cựu binh Mỹ trẻ trong chuyến hành trình đến Việt Nam…
Nguồn: Xuân Hoa/ baophapluat.vn