Ảnh minh họa: Các cầu thủ bóng đá Việt Nam chụp ảnh chung trước khi bắt đầu trận đấu vòng loại FIFA World Cup Qatar 2022 bảng B giữa Việt Nam và Ả Rập Xê Út tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội vào ngày 16 tháng 11 năm 2021.
Dư luận trên mạng xã hội và một số tờ báo trong nước cho rằng do BH Media nhận bản quyền trên YouTube với ca khúc Tiến quân ca là nguyên nhân khiến khán giả không được nghe Quốc ca của Việt Nam. Tuy nhiên sau đó, BH Media đã ra thông báo khẳng định không liên quan đến vụ việc này.
Quốc ca Việt Nam đã nhiều lần bị tắt tiếng trên môi trường YouTube trong các trận đấu bóng đá trước đây, lý do theo truyền thông trong nước là do trận đấu dùng bản ghi Tiến quân ca do hãng đĩa nước ngoài sản xuất, cụ thể là Hãng đĩa Marco Polo. Ngay cả khi kênh YouTube ‘FPT Bóng Đá Việt’ phát trực tiếp cũng đã bị Naxos Digital Services US (thay mặt cho Hãng đĩa Marco Polo) thông báo xác nhận sở hữu bản quyền bản ghi Quốc ca Việt Nam.
Các kênh YouTube Next Sports, hay FPT và nhiều kênh khác không có lỗi, họ chỉ là đơn vị tiếp sóng. Ban tổ chức sân bóng đá mới chính là người đã chọn bản ghi Tiến quân ca do Hãng đĩa Marco Polo bỏ tiền sản xuất và đã đăng ký bản quyền trên YouTube. Do đó theo luật, bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này thì phải xin phép nhà sản xuất..
Đây là sự cố tôi cho là rất nghiêm trọng đối với thể diện quốc gia.
Đây là quốc ca của Việt Nam, thì bản quyền đã thuộc nhà nước, khi gia đình nhạc sĩ đã làm giấy hiến tặng cho nhà nước, và nhà nước đã thay mặt nhân dân quản lý bản quyền của quốc ca này.-Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Vậy trách nhiệm thuộc về ai khi quốc ca của Việt Nam lại bị tắt tiếng, ngay cả khi phát trên YouTube cho khán giả Việt Nam xem? Từ Sài Gòn hôm 8/12, Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định với RFA:
“Đây là sự cố tôi cho là rất nghiêm trọng đối với thể diện quốc gia. Nếu như một bản nhạc bình thường của một tác giả nào đó thì vấn đề bản quyền không cần bàn đến nữa vì đã có quy định. Nhưng đây là quốc ca của Việt Nam, thì bản quyền đã thuộc nhà nước, khi gia đình nhạc sĩ đã làm giấy hiến tặng cho nhà nước, và nhà nước đã thay mặt nhân dân quản lý bản quyền của quốc ca này. Đã gọi là quốc ca thì không thể có một tổ chức hay một cá nhân nào đó tự động phối khí, tự động sáng tác theo các thể loại âm nhạc khác nhau... rồi tự cho mình có bản quyền, bất cứ ai sử dụng đều phải xin phép, hoặc có thể bị chế tài thì rất vô lý...”
Theo Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, việc này chứng tỏ có một lỗ hổng rất lớn trong vấn đề quản lý văn hóa, mà trách nhiệm thuộc về Bộ Văn hóa. Ông Phúc nói tiếp:
“Mặc dù đại diện Bộ Văn hóa đã lên tiếng, đã tuyên bố một số lý do, và nói không ai được quyền cản trở, không ai được quyền ngăn cản việc tự do sử dụng quốc ca hoặc hát quốc ca, cử hành quốc thiều... nhưng đây là một tuyên bố đi sau sự cố, nên chúng ta thấy nó rất là bị động. Giới luật sư mấy ngày nay đã phân tích rất nhiều dưới các góc độ khác nhau, người ta cứ vịnh vào chuyện sở hữu trí tuệ để buộc tổ chức sử dụng các bản quốc ca, quốc thiều do nước ngoài phát hành phải xin phép, phải chịu sự chi phối của luật sở hữu trí tuệ...”
Nhưng ông Đinh Kim Phúc cho rằng như vậy rất vô lý, vì đây là tài sản quốc gia... Ông Phúc nêu ví dụ ai lấy bài quốc ca để hòa âm, phối khí thì đã có xin phép chính phủ chưa? Nếu chưa chính phủ có thể kiện cá nhân hay tổ chức đã hòa âm phối khí bài quốc ca đó. Theo Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, việc này đúng ra rất đơn giản nếu Bộ Văn hóa có những động thái chuẩn bị liên quan luật sở hữu trí tuệ.
Cổ động viên Việt Nam trước trận đấu vòng loại FIFA World Cup Qatar 2022 bảng B giữa Việt Nam và Ả Rập Xê Út tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội vào ngày 16 tháng 11 năm 2021. AFP PHOTO .
Để tìm hiểu thêm chuyên môn liên quan bản quyền tác phẩm âm nhạc, RFA hôm 8/12 liên lạc Nhạc sĩ Lê Thiệu, hiện sinh sống ở TPHCM, và được ông giải thích:
“Trong chuyên môn âm nhạc thì bản quốc ca không có bản quyền, được hát tự do, ai muốn hát thì hát. Nhưng phần hòa âm, phối khí của nhạc sĩ cho từng bản nhạc thì có bản quyền. Bên Media không dám phát bài đó lên vì họ sợ đụng bản quyền của một nhạc sĩ nào đó đã hòa âm phối khí bản quốc ca của Việt Nam. Cái đó là do lỗi của Bộ Văn hóa Việt Nam, lẽ ra họ phải đưa cái gì đó có bản quyền ra cho họ phát trong trận bóng đá. Còn để họ tự phát thì họ không dám phát, nên mới có sự cố tắt tiếng.”
Theo Nhạc sĩ Lê Thiệu, Bộ Văn hóa Việt Nam phải làm một bản quốc ca riêng để mọi sự kiện có thể sử dụng:
“Bộ Văn hóa phải làm một bản riêng, ví dụ như thuê một nhạc sĩ nào đó hòa âm phối khí, trả thù lao, trả tiền cho người ta rồi muốn phát đi đâu thì phát. Chứ không phải là lấy của một nhạc sĩ nào đó rồi phát lên là không được, đụng chạm tác quyền của người ta. Theo tôi, giỏi thì hòa âm phối khí khoảng ba triệu thôi, còn nhạc sĩ nào giỏi lắm thì người ta chỉ lấy năm triệu tiền Việt Nam là hết. Giá của thị trường âm nhạc Việt Nam là từ ba đến năm triệu là có một bản hay rồi. Nhưng nhiều khi kiểu như người ta cứ chủ quan, Bộ Văn hóa cứ chủ quan thôi xài thế nào cũng được, người ta làm sẵn cho mình, đỡ tốn thời gian. Nói chung là về chuyên môn, về giá trị truyền thông, âm nhạc thì người ta chưa lĩnh hội được hết, nên mới sai sót như vậy.”
Bộ Văn hóa phải làm một bản riêng, ví dụ như thuê một nhạc sĩ nào đó hòa âm phối khí, trả thù lao, trả tiền cho người ta rồi muốn phát đi đâu thì phát. Chứ không phải là lấy của một nhạc sĩ nào đó rồi phát lên là không được, đụng chạm tác quyền của người ta.-Nhạc sĩ Lê Thiệu
Trong khi quốc ca Việt Nam chỉ bị tắt tiếng khi phát sóng trên YouTube thì chính Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam VTV khi phát sóng trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Đài Loan chiều 27/10/2021 đã tự ý tắt tiếng Nhạc quốc ca Đài Loan trong khoảng một phút và chỉ mở lại khi câu cuối cùng vang lên và âm thanh không gặp vấn đề gì từ lúc đó. Ngoài ra, trong khi nhiều báo đài trong nước gọi là ‘U23 Đài Loan’ cho trận đấu với U23 Việt Nam thì đài VTV vẫn gọi là ‘U23 Đài Bắc Trung Hoa’.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định thêm:
“Trận đấu có Đài Loan thì Việt Nam lại tắt Quốc ca của Đài Loan. Vậy là cái gì? Ban tổ chức giải bóng đá đã chấp nhận cho Đài Loan tham gia, thì vấn đề cử quốc thiều của người ta là vấn đề của ban tổ chức. Mà mắc mớ gì trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc lại đi tắt tiếng quốc ca của Đài Loan.
Chúng ta thấy cái hành xử như vậy là của những con người không nắm luật pháp quốc tế, không nắm được những mối quan hệ quốc tế.
Dù chúng ta không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, chỉ là một bộ phận của Trung Quốc, nhưng đó là vấn đề chính trị, còn Đài Loan tham gia các giải đấu quốc tế được chấp nhận thì chúng ta phải chấp hành... Chứ không lý gì lại tắt tiếng, rồi bây giờ các nhà đài lại tắt tiếng quốc ca Việt Nam như thế, thì chúng ta thấy rõ sự lúng túng, không chuẩn bị trước về tất cả vấn đề khi VN hội nhập quốc tế.”
Quay trở lại bản quyền của quốc ca Việt Nam, Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng, đây không phải là vấn đề chỉ rút kinh nghiệm, rồi nhà nước Việt Nam làm việc với các hãng truyền thông...
Mà Việt Nam phải tuyên bố chính thức với thế giới là không ai được quyền xâm phạm bản quốc ca của Việt Nam, khi mà nhà nước Việt Nam đang thay mặt nhân dân Việt Nam giữ bản quyền này. Để không ai có thể lấy bài quốc ca tự hòa âm phối khí rồi cho rằng của mình, như thế theo ông Đinh Kím Phúc là không thể chấp nhận.
Nguồn: RFA