Xu hướng di dân Canada thời kỳ 2011-2016: diện gì, từ đâu, định cư ở đâu?

Phân tích xu hướng di dân các diện kinh tế, bảo lãnh, tị nạn; nơi xuất xứ; và nơi định cư tại Canada.

Hôm thứ Tư 25/10/2017, cơ quan Thống kê Canada có lần công bố thứ ba kết quả Điều tra Dân số 2016, trong đó có số liệu liên quan tới di trú.

Diện kinh tế chiếm đa số

Lần đầu tiên, cơ quan Thống kê Canada cho biết thành phần của ba loại di dân được Canada chấp nhận cho làm thường trú nhân (PR).

Đa số di dân (6/10) định cư Canada theo diện kinh tế (economic category) – chủ yếu thông qua chương trình người lao động có kỹ năng (skilled workers) hoặc chương trình tỉnh bang và lãnh thổ đề cử (provincial and territorial nominees program).

Ba phần mười định cư theo diện đoàn tụ gia đình. Một phần mười còn lại là người tị nạn. Nhưng do cuộc nội chiến ở Syria, một phần tư di dân tới Canada trong 5 tháng đầu năm 2016 là người tị nạn.

Xu hướng di dân Canada thời kỳ 2011-2016: diện gì, từ đâu, định cư ở đâu? - 0

Tổng cộng 26,550 người tị nạn Syria định cư ở Canada từ năm 2011 tới năm 2016. Những nước hàng đầu khác là nơi sinh của người tị nạn định cư ở Canada trong thời kỳ này là: Iraq (15,505), Afghanistan (6,105), Eritrea (5,125) và Cộng hòa Dân chủ Congo (5,020). Xu hướng này tương tự với các làn sóng tị nạn trước đây, với nơi sinh phản ánh tình hình bất ổn chính trị ở mỗi thời: từ năm 2001 tới năm 2010, Colombia xếp đầu bảng; từ năm 1991 tới năm 2000 là Sri Lanka; từ năm 1980 tới năm 1990, là Việt Nam.

Từ năm 2011 tới năm 2016, đa số (61.8%) trong khoảng 1.2 triệu di dân mới tới Canada, ra đời ở Châu Á, nhiều nhất là từ Philippines (188,805). Bảy trong số 10 quốc gia là nơi sinh của di dân mới tới Canada trong năm 2016 là ở Châu Á: Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, Iran, Pakistan, Syria và Hàn Quốc.

Click to view slideshow.

Những di dân tới Canada từ năm 2011 tới năm 2016 chiếm 16.1% trong tổng dân số Canada sinh ở nước ngoài. Tổng cộng 25.7% cư dân Canada sinh ở nước ngoài tới Canada trước năm 1981, và nhóm đông thứ nhì (chiếm 19.7%) tới Canada từ năm 1991 tới năm 2000.

Trẻ em di dân (những người ra đời ở bên ngoài Canada hoặc có ít nhất một cha/mẹ sinh ở nước ngoài) sẽ chiếm 47.2% dân số dưới 15 tuổi vào năm 2036, theo dự báo của Thống kê Canada. Năm 2016, nhóm này chiếm 37.5% dân số dưới 15 tuổi. Dân số dưới 15 tuổi có hai cha mẹ sinh ở nước ngoài cũng được dự báo sẽ tăng đều đặn, lên tới 26% vào năm 2036.

Nơi định cư: giảm ở Ontario, tăng ở Alberta

Dù là phụ nữ Philippines tìm việc làm bảo mẫu hay người chăm sóc ở Regina, hay các gia đình Syria đánh đổi kiếp sống hỗn loạn tại một trại tị nạn để có cuộc sống thanh bình hơn ở Lethbridge, Alberta, ngày càng có nhiều người mới tới Canada tránh các trung tâm truyền thống dành cho di dân mới như Toronto và Vancouver, và định cư ở các tỉnh bang vùng Thảo nguyên (Alberta, Saskatchewan, và Manitoba).

Tuy số người tới định cư ở Ontario vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất (39%) trong số di dân mới tới Canada, tỉnh đông dân nhất nước hiện tiếp nhận tỷ lệ di dân thấp hơn nhiều so với năm 2011 (55.9%).

Trong 15 năm qua, số di dân tới các tỉnh bang vùng Thảo nguyên đã tăng gấp đôi, trong đó Alberta thu hút nhiều nhất. Năm 2016, 17.1% trong tất cả di dân mới tới Canada đã định cư ở tỉnh bang này, tăng 6.9% so với năm 2001. Lethbridge hiện nay có 15,365 di dân, chiếm 13.5% dân số của thành phố này.

Xu hướng di dân Canada thời kỳ 2011-2016: diện gì, từ đâu, định cư ở đâu? - 1

René Houle, phân tích viên cao cấp ở Thống kê Canada, giải thích, “Do các yếu tố kinh tế, di dân đi tìm việc làm. Chúng ta biết rằng ở Alberta, ở Saskatchewan, nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh.

Thông qua chương trình tỉnh bang và lãnh thổ đề cử của chính phủ, di dân đã được hướng tới các vùng cụ thể của Canada ngoài các trung tâm di dân tiêu biểu. Khoảng 7/10 di dân ở Manitoba, Saskatchewan và Yukon là định cư theo diện tỉnh bang và lãnh thổ đề cử. Ở Regina, di dân Philippines tăng 626% từ năm 2006 tới 2016 – tỷ lệ thậm chí còn lớn hơn ở Lethbridge.

Nhiều thế hệ ở chung nhà

Thống kê Canada nói môi trường gia đình “là công cụ chính để truyền văn hóa quê hương cho con cái”, và càng có nhiều thân nhân sống chung một mái nhà thì càng truyền tốt hơn.

Trẻ em di dân dưới 15 tuổi thuộc thế hệ thứ hai (những người sinh ra ở Canada nhưng có hai cha mẹ sinh ở nước ngoài) có thể là những người nhận được các tín hiệu văn hóa mạnh nhất từ gia đình, vì các em có xác suất cao nhất sống trong các hộ gia đình nhiều thế hệ. Tổng cộng 18.2% cho biết có kiểu sinh sống như vậy, trong khi tỷ lệ đó ở những trẻ em chỉ có một cha/mẹ sinh ở nước ngoài chỉ bằng một nửa: 9.5%. Chỉ có 6.4% trẻ em sinh ở nước ngoài (di dân thế hệ thứ nhất) có kiểu sinh sống như vậy, tương tự với tỷ lệ ở những trẻ em có cha mẹ sinh ra ở Canada.

 

Nguồn: Statistics Canada, The Globe and Mail, 25/10/2017.


© 2024 | Tạp chí CANADA



 

Related Articles

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài