Để chống lại cái buốt giá ấy, người ta thường ăn nhiều chocolate và uống rượu. Anh cũng hay uống một vài ly nhỏ hằng ngày vào mùa đông và vì thế mà những loại rượu có nồng độ cao không xa lạ gì với anh. Ấy thế mà mới đây trong lần về quê vợ sau nhiều năm, anh như kẻ mới biết say lần đầu.
Trước khi lấy vợ là người miền Tây, anh cũng “nghe người ta đồn” rằng dân miền Tây uống rượu như uống nước lã, hay thanh niên miền Tây thích nhàn tản say sưa cả ngày, còn những ông già thì khoái khề khà bên ly rượu và nhất định “không gả con gái cho thằng nào không biết uống rượu”.
Một người bạn của anh là dân kinh doanh còn kể với anh, nếu không biết nhậu thì đừng hòng bán được hàng cho người dân ở đó, vì hợp đồng chỉ được ký sau chầu nhậu thôi. Ngày xưa tôi phải mất gần cả tiếng đồng hồ để giải thích với anh rằng những điều đó không phải hoàn toàn đúng, cũng như không phải cứ dân miền Tây là thích rượu chè.
Những người xung quanh tôi phần lớn lo làm ăn, học hành chứ không có mấy người như thế. Chỉ khi nào tiệc tùng, họp mặt thì mới có tiết mục nhậu nhẹt, chứ bình thường nhà ai có việc nấy, không ai rảnh để mà cứ “ngồi xếp bằng” bên ly rượu.
Khi em rể tôi, là anh em bạn rể với anh; kể rằng cậu ấy bị mấy bác, chú và anh em nhà vợ “bắt sống” đi nhậu; chồng tôi cười khì như nghe kể chuyện tiếu lâm. Đã có lần cậu em rể gọi về cho em gái tôi, bảo chạy xe đến nhà bác để chở cậu ấy về vì đã bị mấy ông anh đem xe đi giấu mất tiêu, phải xin phép đi toi -lét để gọi cho vợ nhưng bị tình nghi là trốn về nên có một ông anh đi theo canh giữ, phải nấp vào cây cột nhà để thì thầm gọi điện cho vợ cứu bồ.
Anh em nhậu với nhau mà cứ như ăn “cơm tù”, hễ tụ tập đông đủ là chủ nhà khóa cửa lại, không cho ai “thoát thân”. Quý nhau quá rồi thành ra như trẻ con thế đấy, nên vừa ghét lại vừa thương, vừa bực lại vừa buồn cười!
Hôm rồi về thăm nhà vợ, chồng tôi cũng “bị” hai ông anh họ đến tận nhà “bắt sống”. Nghe anh kể lại là vừa điểm danh xem anh em đã tề tựu đủ mặt chưa là ông anh con bác đóng kín cửa rào lại, bóp ổ khóa cái rụp.
Chồng tôi bảo, về làm rể nơi đây rồi mới thấy cái tình quê ấm áp lạ. Anh thích không khí thanh bình nơi miền sông nước với cơ man nào là cầu, là tàu ghe tấp nập.
Ban đầu anh còn thấy ngạc nhiên khi đi đâu người ta cũng xởi lởi mời ăn uống như người nhà, cứ gặp nhau là hỏi han đủ điều... giờ thì anh đã quen với việc bị một người nào đó lạ hoắc vỗ vai cái bộp, hỏi “mày có phải rể nhà đó không?” hay đi chợ được chị bán hàng cho hẳn một món rau củ ngon mà không tính tiền, hay những người hàng xóm vịn tay lưu luyến tiễn đưa với lời dặn dò như là người thân ruột thịt.
Xa quê, sống nơi xứ lạ quê người... còn gì ấm hơn khi người ta về lại nơi có tiếng nói thân thuộc của những con người cùng tiếng nói màu da, được nói đúng thứ ngôn ngữ biết từ thuở lọt lòng, được ru êm trong chiếc nôi hiền hòa của quê hương.
Những ngày mới cưới về thăm nhà vợ, anh mất ngủ vì tiếng tàu ghe cứ vang vọng cả ngày đêm trên con sông sau nhà, vậy mà giờ anh lại nghiện thứ âm thanh ấy. Chiều chiều cứ ra đứng nhà sau, nghe gió thổi mát rượi mà chẳng còn muốn đi xa nữa.
Anh bảo về già anh sẽ về sống hẳn nơi đây, và muốn được gửi nắm đất cuối cùng tại đây. Có lẽ trong cuộc đời, người ta có thể sinh ra ở một nơi, kiếm sống ở một nơi khác và chết ở một nơi khác nữa... nhưng suy cho cùng nơi cuối cùng trên hành trình ấy vẫn chỉ là quê hương.
Nguồn: Thanhnien.vn