Dư luận đang bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với sự cố liên quan đến 9 cá nhân người Việt đã “đi nhờ” chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang Hàn Quốc, sau đó trốn ở lại bất hợp pháp tại nước này.

425 1 Lao Dong Viet Nam Sang Lam Viec Tai Han Quoc Di 3 Tron 1

Ảnh minh họa

Trả lời báo chí, các cơ quan chức năng cho biết đây là hành động cố ý của các cá nhân này, và sự việc đang được điều tra, làm rõ.

Tuy nhiên, một thực tế là lâu nay, người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc khá đông và rất nhiều người đã bỏ trốn ra ngoài lao động bất hợp pháp vì nhiều lý do khác nhau, chủ yếu là để kéo dài thời gian làm việc và có cơ hội có được thu nhập cao hơn.

Mới đây, sáng 15/8/2019, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã công bố những con số giật mình về vấn đề này.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) về tình trạng người lao động bỏ trốn gây ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu lao động, Bộ trưởng cho hay trong thời gian vừa qua, số lượng người Việt Nam đi xuất khẩu lao động đã tăng nhanh. Nếu như năm 2007 có khoảng 100.000 người đi xuất khẩu lao động thì đến năm 2017 con số này là 127.000 người và đến năm 2018 đã tăng lên mức 143.000 người.

Về tình trạng lao động bỏ trốn, ở lại làm việc bất hợp pháp tại nước sở tại, Bộ trưởng cho biết, thực trạng này chủ yếu xảy ra ở Hàn Quốc. Thời điểm cao nhất là vào năm 2016, với tỷ lệ khoảng 55% lao động ở lại. Phía Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp như yêu cầu đóng quỹ ở Việt Nam và phối hợp với phía Hàn Quốc siết chặt quản lý lao động.

“Đây là lỗi của cả hai bên. Lỗi về phía chúng ta cũng có, nhưng lỗi từ phía doanh nghiệp nước bạn cũng có. Thậm chí, có doanh nghiệp nước bạn còn đào hầm cho người lao động bỏ trốn và ở lại. Tuy nhiên, qua 3 năm quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, tỷ lệ này đã giảm mạnh từ 55% xuống còn 33%”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Tỷ lệ “đi 3 trốn 1” này là một thực trạng buồn đối với công tác xuất khẩu lao động hiện nay. Theo tìm hiểu của VietnamFinance, cá biệt có những lao động trốn ra ngoài và sinh sống, làm việc hàng chục năm tại Hàn Quốc. Nhờ ở lại lâu, có kinh nghiệm công việc nên thường được chủ sử dụng trả lương cao hơn, do đó đã trở thành “động lực” cho những người đi sau trốn tiếp.

Đầu tháng 5/2019, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ra thông báo tới các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương danh sách các địa phương bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS). Theo đó, Hàn Quốc quyết định tạm dừng tuyển lao động trong năm 2019 đối với 40 quận, huyện tại 10 địa phương của Việt Nam.

Thông báo này được đưa ra sau khi bộ này đã thống nhất với phía Hàn Quốc về việc tạm dừng một số địa phương có tỷ lệ lao động ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao.

Trong năm 2019, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã lên danh sách 100 quận/huyện thuộc diện xem xét tạm dừng tuyển chọn lao động. Đây là những địa phương có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước từ 30% trở lên.

Từ danh sách này, phía Hàn Quốc đã thống nhất sẽ dừng tuyển chọn lao động với 40 quận, huyện của 10 tỉnh là: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Quảng Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên.

Các quận, huyện, thị xã có tên trong danh sách nêu trên gồm:

Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Nam Đàn, thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương (Nghệ An); Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa); Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Đức Thọ, Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Cẩm Giàng, Chí Linh, Gia Lộc, thành phố Hải Dương, Tứ Kỳ; Xuân Trường, thành phố Nam Định, Nam Trực, Giao Thủy, Hải Hậu (Nam Định); Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương, Đông Hưng (Thái Bình); Bố Trạch, Ba Đồn (Quảng Bình); Lương Tài, Gia Bình (Thái Bình); Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng (Bắc Giang); Ân Thi, Kim Động, Khoái Châu (Hưng Yên).

Theo ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), đây là những địa bàn có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên.

“Căn cứ vào thông báo của phía Hàn Quốc về tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cuối năm 2019, năm 2020 sẽ tiếp tục dừng tuyển lao động tại các địa phương không giảm được tỷ lệ và số lao động cư trú bất hợp pháp. Đồng thời, việc tạm dừng sẽ được dỡ bỏ đối với các địa phương giảm được tỷ lệ và số lượng này”, ông Nam nói.

Theo: vietnamfinance.vn


© 2025 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài