Nhiều hội nhóm người Việt trên toàn nước Nhật huy động nước sạch, nhu yếu phẩm, vận chuyển tới vùng tâm chấn động đất để giúp đỡ đồng bào.

6 ngày sau trận động đất 7,6 độ tàn phá tỉnh Ishikawa, miền tây Nhật Bản, Nguyễn Chí Thành Được dẫn đầu nhóm 5 người vượt hành trình 100 km tới Wajima, thị trấn có 7 nữ thực tập sinh Việt Nam mất liên lạc.

Tỉnh Ishikawa có hơn 5.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc, trong đó có khoảng 600 người ở bán đảo Noto, nơi hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thảm họa.

Người thân của các cô gái ở Việt Nam đã đăng tin tìm kiếm liên tục trên mạng xã hội, nhưng chưa thể biết điều gì đang xảy ra với con em mình. 7 người đều là những thực tập sinh ngành may mới sang Nhật và chưa kịp đăng ký sim điện thoại để liên lạc.

Nhận định các cô gái vẫn kẹt trong thị trấn Wajima, nhóm của Được xuất phát từ Komatsu lúc 5h sáng. Wajima được xác định vẫn là khu vực nguy hiểm và khó tiếp cận, bởi hàng loạt rung chấn vẫn xuất hiện sau trận động đất.

"Trên đường đi không có sóng điện thoại, càng tới gần tâm chấn càng nguy hiểm, bởi đường sá hỏng hóc, sụt lún. Rất nhiều xe bị tai nạn rải rác bên đường, không thể gọi cứu hộ", Minh Hải, 23 tuổi, thành viên nhóm, nói với VnExpress.

1 Nguoi Viet Ho Tro Dong Bao Giua Tam Chan Dong Dat Nhat  Hành trình vượt đổ nát tìm kiều bào tại tâm chấn động đất Nhật

Nhóm của Thành Được dùng bản đồ hướng dẫn cách di chuyển an toàn từ Nanao tới Wajima sau động đất. Video nhân vật cung cấp

Mỗi khi có sóng điện thoại, nhóm lại gọi tới từng trung tâm tập kết lánh nạn tại Wajima để hỏi về tung tích của 7 cô gái Việt Nam. Đến khi được quản lý một nhà cộng đồng xác nhận có 7 lao động Việt tạm lánh ở đây, nhóm mới thở phào và tiếp tục hành trình tới Wajima.

Nhóm có những lúc lạc vào đường cấm, phải quay đầu, hoặc qua những đoạn sạt lở phải tuân theo chỉ dẫn của quân đội Nhật. Họ cuối cùng tới được thị trấn Wajima vào lúc chập tối, sau hành trình 12 tiếng liên tục.

Khi nhóm đến khu nhà cộng đồng ở Wajima, các cô gái vỡ òa, bởi đó là lần đầu họ được nghe tiếng Việt thân thương sau trải nghiệm kinh hoàng. Đây cũng là nhóm đồng bào đầu tiên mang được nước và lương thực tới hỗ trợ họ.

"Các cô gái òa khóc, chúng tôi cũng nghẹn ngào, không giấu được nỗi xúc động", Hải kể. Các cô gái sau đó xin nhóm phát Internet, báo tin bình an về quê nhà. Khi động đất xảy ra, họ chỉ kịp nhắn vội với gia đình: "Con phải đi trốn".

Các cô kể rằng sau khi động đất xảy ra, họ chạy đến nhà cộng đồng của thị trấn và lánh nạn ở đó trong hai ngày đầu tiên mà không có thức ăn, nước uống. Một số phải về căn nhà đã sập để tìm đồ ăn, cũng như lấy chăn gối để chống lại giá rét. Chính quyền địa phương bắt đầu hỗ trợ bánh mì và thức uống cho người lánh nạn từ ngày thứ ba.

2 Nguoi Viet Ho Tro Dong Bao Giua Tam Chan Dong Dat Nhat

Các nữ thực tập sinh Việt Nam ngồi quanh lò sưởi trong nhà cộng đồng ở Wajima, Nhật Bản, ngày 6/1. Ảnh: TTXVN

Kể từ khi động đất xảy ra, hàng chục hội nhóm người Việt cùng các công ty, nghiệp đoàn trên khắp nước Nhật đã quyên góp nước sạch, thực phẩm, nhu yếu phẩm để đưa tới tay kiều bào ở vùng tâm chấn.

Nhưng hành trình tới nơi bị động đất tàn phá rất nguy hiểm, các vùng thiệt hại nặng gần như bị cô lập và mất liên lạc, các tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao. Các nhà hảo tâm người Việt đã tập kết nhu yếu phẩm tại vùng Nanao, sau đó chia ra hàng chục mũi tìm đường tới vùng tâm chấn.

Nhóm của Được, Hải là một trong những nhóm tiên phong thực hiện hành trình đầu tiên tới những khu vực nơi có đồng bào gặp khó khăn nhất. Chuyến đi hỗ trợ 7 cô gái ở Wajima là hành trình thứ hai và anh Được đang chuẩn bị thực hiện chuyến thứ ba.

Sư thầy Thích Đức Trí, trụ trì chùa Hòa Lạc ở Kobe, đã dẫn đầu đoàn hảo tâm đến Nanao ngày 6/1 để chuyển giao nhu yếu phẩm cho các tình nguyện viên. Ông cho biết nước sạch là vấn đề cấp bách nhất hiện nay, do các đường ống cấp nước ở vùng động đất đều đã bị hư hại.

"Điện bắt đầu được khôi phục, song gần như toàn bộ các thành phố ở bán đảo Noto đã bị mất nước. Nhiều người không dám tắm rửa, vệ sinh để tiết kiệm", sư thầy Đức Trí nói. "Chúng tôi gửi nước đóng chai, miếng dán giữ nhiệt cùng bánh chưng, giò cho các bạn tình nguyện viên đầu mối để chuyển tới nơi khó khăn nhất".

3 Nguoi Viet Ho Tro Dong Bao Giua Tam Chan Dong Dat Nhat

Người Việt lấy nước ở suối, nấu ăn ngoài trời ở các vùng tâm chấn do nước, gas bị cắt. Ảnh: Facebook/Hội người Việt ở Ishikawa

Phạm Luân, tu nghiệp sinh 24 tuổi, những ngày qua dẫn đầu một mũi gồm 5 ôtô gầm cao tiến vào vùng tâm chấn và đã đón được gần hết kiều bào về vùng đệm an toàn.

Một ngày trước, nhóm của Luân đã phải đi vòng qua đường đèo để tiếp tế cho nhóm 11 Việt kiều gặp khó khăn tại vùng tâm chấn ở Noto, do tuyến đường chính sạt lở quá nhiều. Một số mũi khác trước đó cố gắng tiếp cận Noto, song phải quay đầu vì không tìm được đường vào.

"Chúng tôi đọc được những lời cầu cứu trên mạng xã hội, báo cho nhau và dần dần hình thành nhóm tập kết nhu yếu phẩm rồi chia nhau hướng về nơi đồng bào gặp nạn", Luân nói.

Giới chức Nhật Bản hôm nay cho biết 161 người thiệt mạng, 323 người mất tích trong trận động đất, sóng thần tại Ishikawa chiều 1/1, đánh dấu thảm họa động đất chết chóc nhất nước này trong 8 năm qua.

Hơn một tuần sau thảm họa, cuộc sống ở Ishikawa đang dần khôi phục, các siêu thị, cửa hàng bắt đầu hoạt động lại, dù nhiều nơi vẫn còn đổ nát.

"Người Việt cũng rất linh hoạt, sau 1-2 ngày đầu tiên, họ tỏa ra về nhà người quen trong công ty, nghiệp đoàn, hoặc bạn bè ở nhờ", sư thầy Đức Trí nói, cho hay đang sắp xếp để đón 60 người Việt ở Nanao tá túc tại chùa, bởi một số công ty sử dụng lao động đã bị hư hại và không biết sẽ dừng sản xuất đến bao giờ.

4 Nguoi Viet Ho Tro Dong Bao Giua Tam Chan Dong Dat Nhat

Một đoạn đường bị phá hủy do động đất trên đường Luân tiếp cận Noto. Ảnh nhân vật cung cấp

Đức Trung

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài