Chị Lý Trí Anh, mẹ của em Andrew Việt Nguyễn, một học sinh lớp 12 đã tự kết thúc cuộc đời mình chỉ hai ngày trước lễ Giáng Sinh, tâm sự.
Hơn một tháng tròn đã trôi qua kể từ ngày định mệnh ấy, nhưng nỗi bàng hoàng, thảng thốt của gia đình, người thân, bạn bè quen biết cậu học trò 17 tuổi ấy dường như vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, vượt lên nỗi đau đớn đến tận cùng của một người mẹ phải tiễn kẻ đầu xanh, chị Trí Anh muốn chia sẻ những cảm nhận, những suy nghĩ của mình liên quan đến vấn đề trầm cảm, bế tắc trước cuộc sống của những em ở tuổi vị thành niên, với hy vọng có thể gióng lên lời kêu gọi sự quan tâm khẩn thiết của cha mẹ, nhà trường và cộng đồng về vấn nạn tự tử trong lứa tuổi học trò nói chung, và trong giới trẻ gốc Việt hải ngoại nói riêng.
Giọt nước tràn ly hay kế hoạch cho một “chuyến đi không trở về”
Trong gian nhà chưng đầy hình ảnh của đứa con trai 17 tuổi vừa qua đời, cùng chiếc bàn thờ nghi ngút khói nhang, người mẹ xấp xỉ tuổi 50 kể chuyện bằng giọng nói nghèn nghẹn và đôi mắt đã gần như khô lệ.
“Thực ra, cháu đã tính chết từ ba ngày trước đó. Cháu đã đến nơi cao nhất của tòa nhà để xe, nhắn tin báo cho bạn bè biết. Nhưng rồi khi nhìn xuống dưới đường thấy có bà mẹ dẫn theo mấy đứa con nhỏ, cháu đã không thực hiện ý định của mình vì sợ những đứa bé đó nhìn thấy,” chị bắt đầu câu chuyện.
Dĩ nhiên, chị Trí Anh biết tất cả điều này sau khi cầm trên tay chiếc điện thoại của con trai mình do nhà thương đưa lại, khi mọi chuyện đã xảy ra. Từ chiếc điện thoại đó, chị đã đọc được những dòng tin nhắn của con trai chị với một người bạn, trong đó có đoạn “Mình xin lỗi. Nếu bạn có gặp mẹ mình, hãy nói giùm là mình thương mẹ. Nhưng xin lỗi, tình thương không đủ sức ngăn mình làm điều này.”
Những dòng tin nhắn của Andrew Việt Nguyễn với một người bạn thân vài ngày trước khi em thực sự kết liễu cuộc đời mình ở tuổi 17. (Hình: Lý Trí Anh cung cấp)
Theo lời chị Trí Anh, hai ngày tiếp sau đó, con trai chị vẫn đi học để hoàn thành các bài thi ở trường, dù chị biết con đang rất buồn vì chia tay với người bạn gái.
Chị kể, “Đến ngày Thứ Sáu cháu xin nghỉ học với lý do đã thi xong và thấy trong người không khỏe.”
“Trước khi đi làm, tôi có vào phòng hỏi thăm cháu, an ủi cháu chuyện chia tay bạn gái, nhưng cháu không muốn nói chuyện. Chiều đó cháu đi ăn sinh nhật bạn. Tôi có nhắc cháu sáng Thứ Bảy là giỗ đầu của ông ngoại. Cháu nhắn với tôi rằng cháu sẽ đến đúng giờ. Tôi hỏi cháu định đi suốt đêm không về hay sao, thì cháu không trả lời,” chị nhớ lại.
Vẫn bằng giọng đều đều, chị kể tiếp, “Tối Thứ Sáu đó, trước khi rời buổi tiệc, cháu ôm từng bạn, rồi tự kêu Lyft đến nơi cháu đã chọn sẵn. Tại đây, cháu gửi dòng tin nhắn cuối cùng cho bạn bè trên Instagram. Rồi gọi 9-1-1 trước khi thả mình xuống như một chú chim bay đi trong một đoạn phim hoạt hình mà tôi nhìn thấy khi vào xem Instagram của cháu.”
Dòng tin nhắn cuối cùng của Andrew viết, “Mình chưa bao giờ nói dối bạn. Mình chưa bao giờ thất hứa với bạn. Đây là lần duy nhất. Mình xin lỗi. Mình vẫn thương bạn nhưng mình thà chọn được tự do hơn là đau khổ. Mình xin lỗi, mình không thể chịu đựng sự đau khổ nữa. Với những bạn bè khác, mình xin lỗi đã làm các bạn đau buồn vì sự ra đi của mình. Mình tham lam và ích kỷ quá, dù đó không phải là tính cách mà mình tự hào…”
Khuya Thứ Sáu, rạng sáng Thứ Bảy, chị Trí Anh được một trong các người bạn của con trai chị gọi báo tin “Andew muốn nhảy lầu” khi đọc được lời “trăng trối” của Andrew ghi lại trên Instagram có nickname “Andrewhasdied” (tức “Andrew chết rồi”).
“Tôi hoàn toàn không tin. Khi bạn cháu gọi tôi vẫn không tin, trong thâm tâm tôi tự nói là không thể có chuyện gì xấu xảy ra cho con mình. Nhưng cháu đã đi…” chị kể.
Dòng tin nhắn cuối cùng mà Andrew Việt Nguyễn đưa lên Instagram trước khi chọn cách nhảy từ lầu cao xuống đất để chấm dứt cuộc đời mình. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Muốn quan tâm nhưng con cho rằng “mẹ không thể hiểu đâu”
Mang tâm tình của một người mẹ đau đớn khi có đứa con tự chọn kết thúc cuộc đời mình ở tuổi 17, chị Trí Anh giãi bày, “Tôi biết cha mẹ nào cũng thương con, nhưng cho đến khi lấy phone của cháu về, xem những gì cháu ghi lại trên các trang mạng xã hội hay nói chuyện qua tin nhắn với bạn bè, tôi mới hiểu là thế giới của tụi nó khác lắm và tụi nó không muốn để cho mình hiểu thế giới của tụi nó, chứ không phải là mình không muốn tìm hiểu.”
Theo lời chị, con trai chị đã có những biểu hiện buồn rầu, mất lòng tin vào con người từ cuối năm học lớp 9, sau khi từ bỏ không tham gia vào bất cứ sinh hoạt của các câu lạc bộ đội nhóm nào ở trường.
“Lúc mới vào high school, tham gia vào một club của trường, nó vui lắm. Nhưng rồi không hiểu vì lý do gì, gần cuối năm lớp 9 nó bỏ hết, không đi sinh hoạt nữa. Tôi hiểu là phải có chuyện gì đó, nhưng vấn đề là cháu không bao giờ nói thật hết cho mình nghe, chỉ nói đơn giản là ‘không thích,’ hay vì các cháu nghĩ có nói mẹ cũng không hiểu, vì có lần các cháu nói ‘mẹ không có đi học bên này nên mẹ không thể hiểu đâu,’” chị chia sẻ.
Phải chăng có những đứa trẻ luôn suy nghĩ rất khác về đời sống này?
Bằng cảm nhận của một người mẹ, chị Trí Anh cho rằng con trai chị là một người sống quá tình cảm, nên thường suy nghĩ nhiều. “Cháu là một người rất thích giúp bạn bè bằng cách này hay cách khác. Nhưng cũng có lẽ do cháu giúp bạn nhiều quá nên đôi khi cháu cũng bị đau khi bạn bè không đối xử với cháu theo cách cháu đã làm với bạn. Có những điều với người lớn như mình thì xem đó là chuyện bình thường, nhưng với cháu lại là tổn thương nặng. Những điều đó tích tụ khiến cháu cảm thấy con người không đáng tin.”
Sau khi chuyện xảy ra, vào xem trang Instagram của con, chị Trí Anh thấy quả thực “cháu có nhiều tâm tư. Trằn trọc khổ ải trần gian và ước ao được thoát những thứ đó. Chuyện hằng ngày như học hành, tình cảm, chia tay… chỉ là tình cờ, mà trầm cảm bên trong là chính.”
Hơn hai năm trước, Andrew từng viết những dòng tin có nội dung đầy bi quan về cuộc sống, “…Mình là kẻ quan sát một thế giới không hề tồn tại. Thế giới tồn tại là thế giới sau khi chết. Mà cái thế giới sau thế giới đó cũng không hề tồn tại. Tất cả chúng ta là những đám mây bị xoay vòng trong vòng xoáy cuộc đời mà tồn tại nhưng không tồn tại. Tồn tại chẳng là gì và chẳng có gì là tồn tại.”
Bạn bè làm lễ tưởng niệm Andrew Việt Nguyễn. (Hình: Lý Trí Anh cung cấp)
Chị Trí Anh cho rằng trước đây con chị cũng đã từng đề nghị đi gặp “counselor” khi em gặp phải chuyện không vui. Tuy nhiên, sau đó cũng chính em đề nghị không cần đi nữa, vì em đã thấy bình thường trở lại.
“Tôi không thể nào tin được chuyện này lại xảy ra. Tôi nghĩ là chuyện này không thể chấp nhận được, vì cháu ở nhà rất ngoan, chưa bao giờ cãi cha mẹ. Cả nhà rất thân với nhau, đi chơi với nhau. Tôi cũng phải học trượt tuyết để đi chơi chung với các con, rồi dẫn các con đi leo núi, dành nhiều thời gian cho các con…” chị cho biết.
Bằng tâm trạng của người mẹ đang hoang mang trước những gì xảy ra cho con mình, chị Trí Anh tiếp tục thổ lộ, “Tôi thấy thế giới của các cháu khác hẳn với những gì mình nghĩ. Tôi muốn làm sao phải có sự phối hợp giữa cha mẹ, giữa các cháu, và trường học, cũng như xã hội, tất cả phải ngồi lại với nhau tìm cách giúp đỡ các cháu, chứ nếu không thì hôm nay là gia đình tôi, ngày mai sẽ là gia đình người này, ngày mốt là gia đình người kia, và chúng ta không biết được gia đình người nào kế tiếp.”
“Khi nhìn các cháu có biểu hiện ủ rũ, buồn chán thì mình còn có thể nhận ra để theo dõi, hỏi han, đưa cháu đi bác sĩ nếu cần, còn đằng này, với những cháu như con tôi, hoàn toàn bình thường, cũng đi chơi, bạn bè nhiều, học cũng giỏi, thì mình không thể biết nó nghĩ gì, muốn gì,” người mẹ tự vấn.
Và, người mẹ đau khổ này không chỉ nói bằng lời, rằng, sẽ cố gắng biến sự mất mát của mình thành một hành động gì đó cụ thể, thiết thực với hy vọng có thể giúp được cho nhiều đứa trẻ khác không bị rơi vào hoàn cảnh như con chị đã từng, mà thực sự chị đang đóng vai trò của một người hiểu chuyện, một chỗ dựa vững chắc khi đi nói chuyện, an ủi chính bạn bè của con trai mình, bởi “nhiều đứa bạn của Andrew không chấp nhận được sự thật này, tụi nó rơi vào khủng hoảng, có đứa đòi chết theo Andrew. Mình sợ lắm, mình không muốn một đứa trẻ nào phải rơi vào hoàn cảnh như vậy nữa hết!” (Ngọc Lan)