Với những gì diễn ra xung quanh một phụ nữ “sống ở Việt Nam, chỉ về Mỹ làm dâu vào dịp tết” như tôi thì cũng có đôi điều để kể. Bạn bè tôi, em họ tôi định cư ở Mỹ đã lâu và trải qua nhiều “hoàn cảnh” làm dâu… không ai giống ai.
Nhiều người cứ nghĩ làm dâu ở Mỹ chắc “khỏe” hơn ở Việt Nam. Vì đa phần con dâu đi làm từ sáng đến chiều mới về và nếu có chỉ phục vụ gia đình, ba mẹ chồng vào buổi tối hoặc cuối tuần. Cũng có người nói với tôi rằng nếu bố mẹ bên Mỹ còn khỏe thì họ sẽ tự lo cho bản thân mà không cần sự trợ giúp nào từ phía con dâu hay con ruột. Ngay cả tài chính khi về già họ cũng đều có lương hưu (ba chồng tôi khoảng 800 USD/tháng) nên chẳng “cần” con cháu.
Nhiều gia đình người Việt ở Mỹ vẫn giữ được truyền thống ngày Tết
Không bị la nhưng ba chồng cứ… im im
Nhắc đến tết, tôi nhớ cô em họ đang sống tại Texas từng kể: “Chị ơi dạo này em căng thẳng quá khi dọn về sống chung với mẹ chồng. Dù mẹ không nói gì nhưng em cứ lo lắng kể từ ngày qua Mỹ sống chung. Nhất là mỗi khi tết đến là cả nhà hay bày ra làm những món truyền thống như gói bánh tét, bánh chưng, làm mứt…
Em vốn không quen làm những món ấy khi còn ở Việt Nam. Nhưng vì muốn là một con dâu đảm đang nơi xứ người nên em cố gắng. Em làm vụng về nhưng mẹ không la, mẹ chỉ đem… phát hết cho các cháu ngay sau khi làm xong mà không đợi đến tết. Có lẽ do em làm chưa đẹp hay không được đẹp nên mẹ mới cho tụi nhỏ ăn trước như thế”.
Chuẩn bị nếp trắng, đậu xanh, thịt heo…. gói bánh chưng. Khung cảnh chẳng phải hiếm hoi ở Mỹ
Có một thực tế tôi từng chứng kiến, không chỉ mẹ chồng em tôi mà các ba mẹ chồng khác sống ở xứ lạ thì họ rất ít la con, la cháu. Nhất là ở Mỹ thì trẻ con hay con dâu lại càng ít bị la.
Nói như cô bạn thân của tôi mới làm dâu tại California (Mỹ) được 6 tháng thì: “Dù không la nhưng cứ nhìn ba chồng im im khi thấy tui làm sai hay không vừa ý thì lại tủi thân, nhớ nhà. Có lần ba chồng hỏi tui là sao hồi đêm để con khóc quá vậy. Nhớ dỗ con không được khóc nhiều chứ không hàng xóm báo cảnh sát. Nghe vậy thôi tui đã thất kinh hồn vía. Năm rồi, tết đầu tiên tui làm dâu, dù đã cố gắng tỏ ra là cô dâu chăm chỉ nhưng vì con còn nhỏ và vì mọi thứ quá mới mẻ khi lần đầu đón tết nơi xứ người nên không ít lần làm nhà chồng chưa hài lòng”.
Riêng câu chuyện của chị gái tôi sống tại San Francisco có hơi “bối rối” một chút. Đã 5 mùa tết trôi qua ngày chị lấy chồng nơi xa và lần nào cũng vậy, chị bảo cứ đến tết là mẹ chồng làm bao nhiêu món ngon truyền thống có, hiện đại có và… bắt ăn.
“Có những món tôi không hợp, ví như mẹ làm chả bò và nem rồi nói cả nhà con ăn đi. Đầu năm tôi cử ăn bò, ăn vịt vì theo thói quen từ nhỏ sợ xui xẻo, nhưng ba mẹ chồng cứ càm ràm suốt nói sống bên này rồi còn mê tín dị đoan. Mẹ còn bảo với bạn thân bà rằng không vui khi làm vất vả mà không chịu ăn. Nếu bản thân không đụng đến thì cho chồng và con dùng, đằng này… Đôi lúc tôi khổ tâm vô cùng,” chị kể.
Gói bánh chưng, bánh tét, làm bánh mứt… vẫn là truyền thống của nhiều gia đình Việt kiều ở nước ngoài
Một hoàn cảnh khác mà tôi từng chứng kiến vào dịp tết năm rồi. Khi lang thang ở một ngôi chùa Việt Nam tại Los Angeles tôi tình cờ gặp lại chị bạn đã gần 10 năm qua Mỹ sống nhưng chưa lần nào hội ngộ. Gặp chị, bao nhiêu chuyện vui buồn cứ thế tuông trào. Cuối cùng tôi hỏi chị đi chùa cùng ai, chị nói đi với mẹ chồng nên không thể cùng tôi tâm sự lâu.
Chị kể: “Mẹ chị tốt lắm, cái gì cũng được nhưng mà đi làm xong nên về nhà. Mẹ không thích tụ tập bạn bè trò chuyện hay được đi cà phê tâm sự như hồi còn ở Việt Nam. Cái khổ nhất nữa là mẹ rất thích đại gia đình mặc áo dài mỗi dịp lễ tết và chụp ảnh. Nhưng em thấy đó, chị giờ… gần 70 kg nên mặc áo dài như cực hình. Nhưng mà vì để mẹ vui nên chị chiều theo”, vừa nói chị vừa chỉ vào bộ áo dài mà mình cố gắng mặc cho mẹ vui thấy thật sự thông cảm cho nỗi lòng của chị.
Chị cười buồn nói thêm: “Ngay cả áo dài mẹ cũng muốn đại gia đình đồng phục vào ngày tết. Em thấy vui không. Nhưng điều chị sợ nhất là khâu rửa một núi chén và nấu ăn dịp tết. Vì cả năm ai cũng bận đi làm nên tết là mẹ “gom” quân về. Thực tế tết cổ truyền Việt Nam ở Mỹ ít khi được nghỉ (ngoại trừ gặp cuối tuần) nên phần lớn đều lấy ngày phép. Rồi cứ thế từ mùng 1 đến mùng 4 chị cứ quần quật đến rã rời nhưng nào dám than”. Câu chuyện của chúng tôi cắt ngang vì mẹ chồng chị gọi chở về.
Ba chồng sợ con cháu… béo phì
Riêng bản thân tôi làm dâu nơi xứ người có lẽ… nhẹ nhàng hơn nhưng thi thoảng cũng rất căng thẳng. Tôi vốn chỉ về vào mỗi dịp lễ tết nên muốn tỏ ra đảm đang, chăm chỉ. Tôi làm tất cả những gì có thể từ giò thủ, thịt kho trứng, nem chua, khổ qua dồn thịt… đến bánh trái các loại. Tất nhiên trong mỗi lần làm đều có các chị dâu tôi hướng dẫn để… vừa ý ba chồng và cả vừa miệng gia đình.
Góc bếp ngày Tết trong một gia đình người Việt ở Mỹ
Ba chồng tôi rất thẳng tính, mỗi khi ăn gì không ngon là ông sẽ nói ngay đồ ăn hôm nay không ngon. Chị dâu tôi trước đây khi mới sang Mỹ từng trốn vào phòng khóc ấm ức khi bị ba chồng chê thẳng thừng. Được cái ba chồng tôi không bao giờ để bụng. Ông bảo rằng nói vậy để con dâu nghiên cứu nấu ngon hơn lần sau thôi. Bản thân tôi cũng từng mém khóc khi những ngày đầu mới sang Mỹ dọn cơm cho ba chồng ăn. Ba tôi có thói quen ăn uống đúng giờ. Ví như đúng 12 giờ ông sẽ có mặt tại bàn ăn và lập tức chị dâu tôi hay em chồng tôi mang cơm đến. Hay buổi chiều cũng thế, đúng 5 giờ ba sẽ có mặt và cứ thế đã trở thành thông lệ. Tôi nhớ tết năm rồi, khi 2 chị dâu và cả nhà vì bận đi mua sắm đồ tết nên còn mỗi tôi ở nhà. Các chị lại quên dặn mỗi khi ba ăn thì chỉ cần hâm nóng những món đã có sẵn trong tủ lạnh.
Khi đồng hồ vừa gõ ken…12 giờ ba chồng tôi xuất hiện tôi mới mang đồ ăn ra hâm. Bởi không làm “chuyên nghiệp” nên tôi cứ luýnh qua luýnh quýnh để lấy cho đầy đủ các món trong tủ lạnh. Lúc ấy nhìn ba ngồi đợi ngay bàn ăn tôi càng thấy bối rối hơn. Thế là ba không nói gì chỉ thở dài và vô phòng. Sau khi mọi việc xong xuôi tôi mới… lọ mọ mời ba ăn cơm.
Thêm một điều nữa ba tôi chỉ thường ăn nước tương khi chấm rau, không ăn nước mắm và đi kèm nước tương sẽ có 1 quả ớt để ông… tự xử lý. Có lần tôi lấy nước mắm và tự dằm ớt vào thế là ba không đụng đến và tự đứng lên tới bếp lấy nước tương. Tôi nhìn theo mà thật lòng thấy… lo lắng.
Điều đặc biệt, ba chồng tôi vốn rất sợ con cháu béo phì. Vậy là cứ tết đến, khi 2 con tôi về đến Mỹ ba cho nghỉ ngơi vài ngày là đến phần cân đo đong đếm kiểu như chấm thi hoa hậu. Ba sẽ cộng các chỉ số lại rồi chia chia, tính tính sau đó kêu tôi ra… thuyết trình một trận lên bờ xuống ruộng vì để con dư ký. Từ ngày đó, cứ lễ tết về Mỹ là y như rằng các con tôi tự vô chế độ giảm cân cấp tốc. Tôi nhớ tết năm rồi, trong một tháng mà hai con tôi cực giỏi, giảm đến 2 kg bởi nói theo lời ông nội thì nếu đạt chuẩn là ông sẽ lì xì và thưởng nhiều. Vậy là cứ mỗi khi “cân đo đong đếm” đủ chuẩn ông sẽ lì xì cho cháu “thật đậm”.
Ba chồng tôi không có nhiều cháu nên đó cũng là “nỗi khổ” tâm cho vợ chồng tôi. Ông rất muốn 2 cháu về quây quần bên mình bởi ông đã ngoài 80. Ngày trước ông còn đi làm nên ông rất vui, chỉ ở nhà vào cuối tuần nên việc không có con cháu kế bên không vấn đề. Nhưng giờ ông không đi làm nữa. Ông ở nhà cứ ra, vô phòng và luôn tỏ ra buồn lòng. Ông cứ thở dài bảo ba buồn quá, nghe thật thương.
Bếp núc là chuyện của phụ nữ, đàn ông không can thiệp
Mẹ chồng tôi mất đã hơn 15 năm, ông một mình thui thủi nên cả đại gia đình tôi rất cưng ba. Ba không đụng tới bất kỳ việc gì trong nhà. Hai chị dâu tôi thì khỏi phải nói. Cũng vì “cưng” nên tôi rất áp lực mỗi khi chăm cho ba. Bởi tôi vốn không sống cùng ba nên tất nhiên sẽ không hiểu ba bằng các chị. Vậy nên riêng phần bếp núc, chăm ba chồng là tôi tôn 2 chị làm “sư phụ”.
Có lần chị dâu thứ hai của tôi căn dặn, nếu có bị ba la hay nói gì cứ… làm lơ đi nha em, đừng có buồn. Ba nói vậy thôi chứ quên ngay. Nhưng thật lòng tôi đã rất buồn khi có lần vì tôi chuẩn bị bữa ăn lâu quá nên chồng mới vào phụ. Thấy thế ba không đồng ý và nói đó là chuyện của phụ nữ, đàn ông không nên can thiệp. Đó cũng là lần duy nhất sau 15 năm lấy chồng tôi buồn thật sự.
Với những người đã già dặn đời, từng trải qua cuộc sống cùng gia đình chồng quá lâu như các chị dâu tôi thì quá đỗi bình thường. Ba tôi từ trẻ đến khi về già được mẹ chồng tôi chăm sóc từng chút một. Đến cả việc đi tắm bà cũng mang đồ để sẵn nên ba tôi không đụng đến bất kỳ điều gì. Tôi là người nghe kể lại nhưng ngưỡng mộ mẹ chồng tôi quá đỗi. Ngày mẹ chồng tôi ra đi và thời gian sau đó, ba chồng tôi đã sốc thật sự. Tóc ông bạc trắng và mỗi đêm cứ nhìn vào vách tường trò chuyện cùng mẹ chồng tôi. Đó cũng là lý do mà các chị dâu tôi thương ba chồng tôi nhiều đến thế.
Tôi chợt nghĩ, nếu sau này tôi về Mỹ sống hẳn cùng ba chồng thì điều duy nhất tôi phải hoàn thành chính là nấu ăn ngon (điều này tôi không lo), nhưng lo nhất là làm sao hiểu và nắm được tất cả “thời khóa biểu” mà ba chồng tôi đã đang và sẽ làm trong ngày. Có như thế tôi mới có thể trở thành một cô con dâu tốt trong mắt ba.