Khi cảnh sát Anh phá cửa một ngôi nhà hai tầng ở Chesterfield rạng sáng 25/10/2013, họ thấy một trang trại cần sa và một thiếu niên Việt sợ hãi.

425 1 Thieu Nien Viet Trong Can Sa O Anh Cay Quy Hon Mang Toi

Minh tại Anh hồi tháng 7. Ảnh: Guardian.

Minh (tên đã được thay đổi) đang ngủ trên nệm ở phòng khách khi cảnh sát đột kích. Cậu lùi vào một góc khi bị những người đàn ông mặc cảnh phục bao vây, đặt những câu hỏi bằng tiếng Anh mà cậu không hiểu. "Khi đó tôi rất sợ. Nhưng sau đó tôi cho rằng có lẽ họ đến giải cứu tôi", Minh kể.

Minh là một trong số hàng trăm trẻ em bị bán từ Việt Nam sang Anh mỗi năm và bị buộc phải làm việc trong các trang trại cần sa - những mắt xích cung cấp hàng cho thị trường chợ đen cần sa trị giá 2,6 tỷ bảng Anh. Những đứa trẻ như Minh là tài sản có giá trị của những kẻ điều hành: giá rẻ, dễ kiểm soát và dễ đe dọa. Họ là nạn nhân bị mắc kẹt trong một hình thức nô lệ hiện đại đang lan rộng khắp nước Anh.

Ước tính 13.000 cá nhân bị mắc kẹt trong một số hình thức nô lệ ở Anh và người Việt là nhóm nạn nhân lớn thứ ba, hơn một nửa dưới 18 tuổi. Trong ba năm qua, chính phủ Anh xác định 491 trẻ vị thành niên Việt Nam có thể là nạn nhân buôn bán trẻ em, phần lớn bị bắt trồng cần sa.

Đây chỉ là số người đã được phát hiện. Ước tính còn hàng nghìn người khác đang làm việc trong các trang trại cần sa ở các ngôi nhà ngoại ô, căn hộ trống, nhà kho bỏ hoang và khu công nghiệp vô chủ. Nhiều người khác làm việc trong các tiệm nail (làm móng), nhà thổ hay nhà hàng.

Minh sinh ra trong một gia đình nghèo tại một ngôi làng nhỏ ở miền nam Việt Nam vào giữa những năm 1990. Cha mẹ cậu là nông dân có thu nhập chỉ đủ ăn. Năm 16 tuổi, Minh khao khát tìm một cuộc sống mới. Cậu bỏ nhà theo bạn đến TP HCM và không gặp cha mẹ kể từ đó.

Tại TP HCM, Minh gặp bạn bè và đi chơi xung quanh thành phố trong vài ngày. Họ đưa Minh đến một ngôi nhà có nhiều người đàn ông lớn tuổi mà cậu không quen. Những người này nói với Minh họ biết cậu nghèo và cần việc làm, hỏi cậu có muốn đi Anh không. Họ nhấn mạnh Minh không cần đưa họ tiền. Cậu có thể trả nợ khi bắt đầu làm việc.

Minh không tin tưởng những người đàn ông này, cậu nói với họ cậu muốn về nhà. Minh xin bạn bè giúp đỡ nhưng họ đều lảng tránh. Những người đàn ông kéo Minh vào một căn phòng khác, đấm đá túi bụi và đánh cậu bằng gậy. Trong vài ngày tiếp theo, cậu bị nhốt trong nhà và bị lạm dụng tình dục. Họ ép Minh ký vào giấy nói rằng cậu nợ họ 20.000 bảng Anh (hơn 25.000 USD) cho chuyến đi châu Âu. Những người này còn đe dọa họ biết bố mẹ Minh ở đâu. Nếu Minh không trả lại tiền, họ sẽ không để gia đình cậu được yên.

Minh được đưa qua Nga, Đông Âu để đến Pháp và vào Anh bằng cách trốn trong một xe container - giống như hàng trăm, hay có thể là hàng nghìn trẻ em Việt mỗi năm. Nhiều người thực hiện hành trình này đã chọn lựa xa gia đình, trả cho những kẻ buôn người tới 30.000 bảng Anh sau khi được hứa hẹn về việc làm tốt trong một cộng đồng người Việt phát triển mạnh ở Anh.

Các chuyên gia bảo vệ trẻ em cho biết có ranh giới mỏng manh giữa nhập cư bất hợp pháp và buôn người. Mimi Vu, chuyên gia tư vấn chống buôn người, cho biết đã phỏng vấn khoảng 40 thiếu niên Việt nhập cư bằng tuyến đường này và tất cả đều bị tổn thương và lạm dụng. "Các em quan niệm hiếu thảo là phải gửi tiền cho gia đình và nợ nần của gia đình là gánh nặng phải gánh vác. Điều đó đem lại đòn bẩy cho những kẻ muốn lợi dụng và kiếm lợi nhuận từ các em".

Trên hành trình đến Anh, Minh bị trao tay qua nhiều băng đảng, ngủ trong những căn hộ bẩn thỉu thường chật cứng những chàng trai cô gái Việt. Minh bị đánh đập, bỏ đói và tấn công tình dục. Khi Minh cuối cùng đặt chân đến Anh vào tháng 6/2013, cậu không quen ai, không biết tiếng Anh, sợ hãi và mắc khoản nợ lớn. "Những đứa trẻ chỉ quen những kẻ buôn người và bị họ kiểm soát hoàn toàn cuộc sống. Vài giờ sau khi đến nơi, lũ trẻ ngay lập tức phải dấn thân vào thế giới ngầm phi pháp", Vu nói.

Trong ba tháng, Minh bị nhốt tại căn nhà được cải tạo thành trang trại cần sa. Khách viếng thăm duy nhất là những người đàn ông Việt cứ vài tuần lại xuất hiện một lần để kiểm tra xem Minh có chăm sóc cây đúng cách không. Họ hầu như không nói chuyện mà chỉ để lại những hộp thịt đông lạnh. Minh hâm nóng chúng bằng lò vi sóng cũ trong bếp. Họ luôn khóa cửa khi rời đi.

Hầu hết thời gian, Minh ở một mình. Cậu còn không biết khi nào là ngày khi nào là đêm vì cửa sổ đã bị bịt. Minh lúc nào cũng đói và sợ thức ăn sẽ hết. Mùi tỏa ra từ nụ cần sa khiến Minh bị đau đầu và buồn nôn. Nhưng Minh biết mình sẽ gặp rắc rối khủng khiếp nếu để cây chết, vì vậy, mỗi ngày cậu đều mang những xô nước lên lầu tưới cây và trộn hóa chất vào đất để chăm sóc trang trại.

Minh từng cố gắng chạy trốn nhưng bị bắt lại. Những người đàn ông dọa giết Minh nếu cậu định trốn một lần nữa. "Giống như một thế giới khác vậy", cậu nói. "Tôi cảm thấy mình chẳng phải là con người. Những cái cây này còn quý hơn mạng của tôi".

"Nhiều trẻ em Việt là nạn nhân buôn người bị ép làm những công việc bất hợp pháp. Cần sa là ngành công nghiệp hoàn hảo để họ bị bóc lột", Vu nói. "Nếu cảnh sát đột kích, những đứa trẻ thường quá kinh hoàng và không thể khai bất cứ điều gì có giá trị. Các em đã vi phạm luật pháp nên có thể bị coi là tội phạm thay vì nạn nhân".

425 2 Thieu Nien Viet Trong Can Sa O Anh Cay Quy Hon Mang Toi

Trang trại cần sa ở đông London bị đột kích hồi tháng 6. Ảnh: PA.

Sau khi trang trại cần sa bị đột kích, Minh bị thẩm vấn tại đồn cảnh sát Chesterfield tháng 10/2013. Cậu không kể mình bị đưa đến trang trại cần sa như thế nào. "Họ không hỏi nên tôi đã không nói bất cứ điều gì", Minh cho biết. "Tôi không biết tôi được phép làm vậy".

Vì Minh khi đó 16 tuổi, cậu được bàn giao cho chính quyền địa phương và sẽ phải xuất hiện trước mặt một thẩm phán để trả lời các cáo buộc hình sự. Do không nhà tình thương nào còn chỗ, một nhân viên xã hội lái xe đưa Minh đến một nhà nghỉ ở ngoại ô Chesterfield và dặn Minh chờ ở đây. Nhưng Minh nghĩ đến lời hăm dọa của những kẻ buôn người rằng cảnh sát sẽ tống cậu vào tù vĩnh viễn, Minh quyết định bỏ trốn.

Cậu rời nhà nghỉ, cầm theo 30 bảng mà nhân viên xã hội đã đưa cho và bắt xe buýt đến Sheffield. Minh đi lang thang ở Sheffield trong hai ngày, ngồi trong công viên, nhặt thức ăn thừa trong thùng rác và ngủ ở ga tàu. Vào ngày thứ ba, một người đàn ông Việt hỏi chuyện Minh khi cậu đang ngồi trên ghế đá công viên. Người này đề nghị cưu mang cậu và Minh đến sống với gia đình ông ở Sheffield và sau đó ở Liverpool trong hơn hai năm.

Tất cả thay đổi vào tháng 2/2016 khi Minh bị cảnh sát bắt trong cuộc truy quét người nhập cư bất hợp pháp ở Liverpool. Họ kiểm tra hồ sơ và phát hiện hành vi trồng cần sa trước đây của Minh.

Lần này, Minh nói với cảnh sát những gì đã xảy ra với cậu trong trang trại cần sa ở Chesterfield. Họ gọi cho Bộ Nội vụ Anh và bộ cử một quan chức nhập cư đến thẩm vấn Minh. Họ ngay lập tức chuyển thông tin chi tiết về Minh cho Cơ chế Giới thiệu Quốc gia (NRM), nơi xác định và bảo vệ các nạn nhân buôn người. Vài ngày sau, Bộ Nội vụ Anh đánh giá có cơ sở hợp lý để cho rằng Minh là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại.

Tại thời điểm này, cáo buộc hình sự chống lại Minh lẽ ra phải bị đình chỉ, nhưng cơ quan công tố không được thông báo về quyết định của Bộ Nội vụ. Luật sư của Minh không có kinh nghiệm về các vụ buôn người nên đã khuyên cậu nhận tội. Một tháng sau, Minh hầu tòa, bị kết tội sản xuất cần sa và bị kết án 8 tháng tù tại trại giam thanh thiếu niên Glen Parva ở Leicestershire.

Glen Parva khét tiếng là một trong những trại giam tồi tệ nhất ở Anh trước khi nó bị đóng cửa năm 2017. Minh, người lúc đó vẫn không nói được tiếng Anh, bị nhốt trong phòng giam tới 21 giờ mỗi ngày. Cậu bị cả bạn tù và nhân viên trại giam bắt nạt, bị giảm đồ ăn và phân biệt chủng tộc.

Sau khi thi hành án 4 tháng, Minh được công nhận là tù nhân cải tạo tốt và nhận tin cậu sắp được thả. "Tôi nghĩ tôi sẽ quay trở lại Liverpool", Minh nói. Nhưng hai ngày trước khi Minh được phóng thích, Bộ Nội vụ Anh quyết định giữ cậu vô thời hạn vì vấn đề nhập cư.

Tháng 6/2016, Minh bị còng tay, đưa ra khỏi phòng giam và bị giữ trong một loạt trung tâm di trú trong 13 tháng sau đó. Theo quy định của Bộ Nội vụ Anh, việc giam nạn nhân buôn người là không phù hợp do hành động đó làm sống lại trải nghiệm đau thương họ đã hứng chịu. Dù vậy, một báo cáo được công bố hồi tháng 7 ước tính ít nhất 507 nạn nhân buôn người vẫn bị giữ trong các nhà tù và trung tâm di trú vào năm 2018.

Tháng 3/2017, Kate Macpherson, luật sư thực tập của công ty luật Duncan Lewis đến trung tâm di trú Brook House gần sân bay Gatwick để gặp Minh, trò chuyện với cậu qua một phiên dịch. Cô nhận thấy cậu đã trải qua tổn thương thể chất và tâm lý rất lớn.

Macpherson và đồng nghiệp là Ahmed Aydeed gặp Minh nhiều lần sau đó và thuyết phục được cậu kể cho họ nghe về trải nghiệm kinh hoàng khi bị giam tại trung tâm di trú Morton Hall tháng 10/2016: Minh đã bị một tù nhân khác tấn công và định cưỡng hiếp. Minh báo với nhân viên trung tâm nhưng thay vì điều tra và báo cho cảnh sát, họ không làm gì.

Khi các luật sư của Minh yêu cầu lời giải thích từ Morton Hall, ban quản lý trung tâm nói họ không coi vụ tấn công là sự cố nghiêm trọng. Tuy nhiên, Minh đã nhiều lần nói với nhân viên y tế cậu là nạn nhân bị tấn công thể chất và tình dục. Minh bị mất ngủ và kể cả khi có thể ngủ, cậu thường gặp ác mộng mình bị săn đuổi.

Các luật sư đe dọa có hành động pháp lý nếu Bộ Nội vụ Anh không xem xét lại vụ án của Minh. Ngày 12/5/2017, Bộ Nội vụ Anh xác định Minh là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại. Ngày 14/6/2017, Minh được rời khỏi trung tâm di trú và vào nhà tình thương do tổ chức từ thiện Salvation Army sắp xếp.

Tháng 6/2018, chính quyền Anh thừa nhận họ đã giữ Minh bất hợp pháp trong nhà tù và các trung tâm di trú. Khi nghe tin, Minh cảm thấy nhẹ nhõm. "Khi họ thừa nhận những gì đã xảy ra với tôi là sai và tôi đã bị đối xử bất công, đó là lần đầu tiên tôi thực sự hiểu đây không phải là lỗi của tôi".

Tháng 11/2018, Minh tiếp tục nhận được tin vui: tòa phúc thẩm hủy bản án của Minh về hành vi trồng cần sa. Cậu không còn là tội phạm trong mắt chính quyền Anh. Minh cảm thấy như được tái sinh. Tháng 6 năm nay, Minh nhận được 85.000 bảng bồi thường từ Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp Anh vì đã giữ Minh bất hợp pháp và không bảo vệ Minh trong trung tâm di trú.

Hiện giờ, 6 năm sau khi Minh được giải thoát khỏi trang trại cần sa ở Chesterfield, cảnh sát Derbyshire thừa nhận họ đã mắc lỗi nghiêm trọng khiến Minh bị giữ như một tội phạm. Khi các cảnh sát phát hiện Minh trong cuộc đột kích, họ lẽ ra phải tuân theo các quy tắc xác định xem liệu Minh có phải nạn nhân buôn người hay không.

Trên khắp nước Anh, trẻ em được tìm thấy trong các trang trại cần sa vẫn đang bị xử lý theo biện pháp hình sự. Lynne Chitty, từ tổ chức từ thiện chống buôn người Love 146, nói rằng cảnh sát ở nhiều nơi vẫn không biết cách nhận ra nạn nhân buôn người. "Những đứa trẻ lẽ ra phải được bảo vệ vẫn đang bị đối xử tồi tệ".

Minh đang chờ đợi quyết định của chính phủ Anh về việc cậu có được tiếp tục ở nước này hay không. Minh không muốn trở về Việt Nam vì lo sợ bị băng đảng đã đưa cậu sang Anh tìm đến trả thù. Anh chỉ cho 12% số nạn nhân buôn người ở lại nước này.

Minh muốn ở lại và cố gắng làm lại cuộc đời tại Anh, bất chấp mọi điều đã xảy ra với cậu. Lần đầu tiên, Minh cho phép bản thân suy nghĩ về những gì cậu muốn làm trong phần đời còn lại. Minh chỉ mới 22 tuổi.

"Tất cả những gì tôi có thể làm là hy vọng", cậu nói. "Cuộc đời của tôi đã không có khởi đầu tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ tiếp tục như vậy".

Nguồn vnexpress


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài