Từ việc đang đi làm và có chỗ đứng trong xã hội nay chỉ quanh quẩn trong nhà và làm người nội trợ, trong đầu tôi bắt đầu xuất hiện những suy nghĩ “than thân trách phận”.

Khi rời Việt Nam để lập nghiệp ở một đất nước mới, rất ít người có một công việc chờ sẵn mà hầu hết phải sang bên kia mới bắt đầu tìm việc. Điều đó có nghĩa là nhiều người từ chỗ có công ăn việc làm ổn định, thậm chí vị trí tốt, lương cao, rơi vào cảnh thất nghiệp, từ chỗ có bố mẹ hay người giúp việc phụ việc nhà thì chính mình phải quán xuyến tất cả công việc nấu nướng, dọn dẹp.

Tôi đã vượt qua cảnh thất nghiệp ở nước ngoài như thế nào? - 0

Khoảng thời gian thất nghiệp mang lại cảm giác nặng nề với nhiều người mới sang sinh sống ở nước ngoài. Ảnh minh họa

Bản thân tôi cũng đã trải nghiệm điều này khi bỏ một công việc tốt để sang Australia theo chồng và chịu đựng cảnh thất nghiệp.

Cảm giác của những người thất nghiệp trong tình huống như vậy có thể là:

– Mất tự chủ về kinh tế: Đang từ chỗ có một công việc và thu nhập đều đặn rơi vào cảnh không có việc làm và không có thu nhập, có người phải dựa vào thu nhập của vợ hay chồng, người dùng tiền tiết kiệm, có người lại cậy nhờ gia đình hoặc bạn bè.

Dù trong trường hợp nào thì sự tự do về kinh tế bị giảm đi và nhiều người từ chỗ chi tiêu thoải mái phải chuyển sang “thắt lưng buộc bụng” và tính toán trước sau. Có người mang theo cảm giác “ăn bám” và vì vậy lúc nào cũng cảm thấy bí bách, khó chịu.

– Thiếu tự tin: Khi bị thất nghiệp ở nước ngoài, một trong những điều đầu tiên phải làm là đi xin việc. Khi xin việc ở nước ngoài, do vô vàn lý do như bằng cấp không phù hợp, bằng cấp ở Việt Nam không được công nhận, trình độ ngôn ngữ chưa tốt, chưa biết cách viết đơn xin việc… mà các nhà tuyển dụng sẽ từ chối. Khi nhận được hết lá thư từ chối này đến lá thư từ chối khác thì cảm giác chán nản, tự ti là điều không tránh khỏi.

– Hụt hẫng: Từ việc đang đi làm và có chỗ đứng trong xã hội trở thành một người quanh quẩn trong nhà và làm người nội trợ, sự hoán đổi vị trí này quả là không dễ dàng. Trong đầu nhiều người xuất hiện những suy nghĩ “than thân trách phận”, băn khoăn xem liệu mình có quyết định sai lầm. Tôi cũng từng tự hỏi mình rằng “sao ở nhà công việc bận rộn mà sang đây suốt ngày chỉ quanh quẩn xó bếp?”, “sao mình lại trở thành người vô dụng thế này?”.

– Cô đơn: Từ chỗ có các mối quan hệ xã hội dày đặc thành không có nhiều người quen biết hoặc gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ ở một đất nước mới do rào cản ngôn ngữ hay văn hóa thì cảm giác cô đơn là tất yếu.

Tôi và những người cùng hoàn cảnh thất nghiệp đều có thể có chung những cảm xúc trên nhưng cách mỗi người đương đầu với hoàn cảnh đó có thể khác nhau.

Lúc đầu mới sang Australia, tôi cảm thấy rất buồn vì suốt ngày chỉ quanh quẩn ở trong nhà, mỗi buổi sáng thức dậy lại thấy rất nhớ cảm giác được đi làm. Tuy nhiên, chỉ mất khoảng hai tuần để buồn chán, tôi quyết định ra khỏi nhà để khám phá môi trường xung quanh mình.

Tôi bắt xe buýt đi khắp thành phố, tìm hiểu địa hình và địa lý của vùng mình đang ở, tìm các cửa hàng bán đồ ăn Việt Nam, tìm hiểu các dịch vụ công cộng như thư viện, trường học.

Thư viện là khám phá tuyệt vời nhất đối với tôi vì ngoài việc mượn sách để đọc thì tôi còn mượn được các quyển tiểu thuyết audio – book (sách nói) mà tôi có thể nghe lúc đi trên xe buýt hoặc lúc làm việc nhà, khiến cho những công việc như lau dọn hay là quần áo trở nên đỡ nhàm chán hơn. Tôi cũng mượn những cuốn sách để tìm hiểu về văn hóa của đất nước tôi đang ở và những cuốn sách văn học kinh điển của họ.

Tôi đã vượt qua cảnh thất nghiệp ở nước ngoài như thế nào? - 1

Tôi hiểu rằng giai đoạn thất nghiệp cũng là một khoảng lặng cần thiết để giúp tôi khám phá chính bản thân mình. Ảnh minh họa

Một điều nữa mà mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn luôn cảm ơn thời gian thất nghiệp đó là khám phá ra những sở thích của mình. Nhờ có nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi học cách chế biến các món ăn cầu kỳ hơn bình thường từ những nguyên liệu cơ bản, khiến chúng trở nên đẹp mắt và ngon miệng hơn.

Tôi bắt đầu thử sức trong việc làm bánh, một thứ vô cùng xa lạ với bản thân lúc đó nhưng khi nhìn ngắm thành quả là những chiếc bánh nho nhỏ, thơm ngon, lòng tôi tràn ngập cảm giác vui sướng.

Tôi cũng bắt đầu học đan và móc quần áo, tất, giày trẻ con rồi mang tặng những người bạn mới sinh con, vừa ý nghĩa vừa tiết kiệm tiền. Tôi còn tranh thủ đi học học tiếng Trung và học vẽ, những điều mà tôi mơ ước trước kia nhưng chưa có điều kiện thực hiện.

Cũng vì có nhiều thời gian mà tôi quyết định tham gia vào các tổ chức từ thiện của địa phương để vừa có cơ hội làm việc tốt lại vừa được gặp gỡ và giao lưu với những người bạn mới có cùng chí hướng với mình. Công việc từ thiện còn giúp tôi cải thiện kỹ năng giao tiếp, tăng cường khả năng ngôn ngữ và cũng là một điểm cộng cho đơn xin việc sau này của tôi.

Tôi cũng mạnh dạn nhờ những người có kinh nghiệm đọc và hướng dẫn tôi cách viết đơn xin việc sao cho rõ ràng, cụ thể và ấn tượng với người tuyển dụng. Mỗi lần thất bại tôi lại coi đó là một bài học, rút kinh nghiệm dần trong cách viết đơn xin việc hay trả lời phỏng vấn.

Có một điều quan trọng là cá nhân tôi không bao giờ coi mình là “kẻ ăn bám” chồng vì tôi ở nhà lo toan nội trợ, đảm bảo bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng, chăm chút nhà cửa gọn gàng. Tôi cũng đang “làm việc”, chỉ không phải là làm ở văn phòng mà thôi.

Rồi giai đoạn thất nghiệp cũng qua đi. Tôi có thể làm công việc lao động chân tay hay công việc văn phòng để có thu nhập nhưng công việc nào cũng đáng trân trọng và đem lại cho tôi những trải nghiệm của cuộc sống.

Sau tất cả, tôi biết trân trọng đồng tiền mình làm ra và hiểu rằng giai đoạn thất nghiệp cũng là một khoảng lặng cần thiết để giúp tôi khám phá chính bản thân mình.


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài


Deprecated: htmlspecialchars(): Passing null to parameter #1 ($string) of type string is deprecated in /var/www/vhosts/tapchicanada.com/httpdocs/modules/mod_search/mod_search.php on line 44