Mọi dịch vụ đều miễn phí, khuyến khích các biện pháp tự nhiên, đề cao nuôi con bằng sữa mẹ… là số ít trong những điều tuyệt vời khi sinh con ở Canada.

 

Chị Nguyễn Hồng Vân (Thạc sĩ Xã hội học, hiện đang sinh sống tại Canada) vừa lên chức mẹ cách đây không lâu. Và khi sinh con trai đầu lòng (tên ở nhà là bé Cơm) trên xứ người, chị đã được trải nghiệm một hệ thống y tế hiện đại, dịch vụ tận tâm vô cùng, đáng giá đến mức chị tự hứa với lòng sau này “dù phải nộp thuế nhiều thế nào cũng nhất định không kêu ca”.

Khoản tiền duy nhất phải trả là tiền gửi xe

Tất cả mọi dịch vụ y tế đều miễn phí, từ những lần đi khám thai định kì, siêu âm, xét nghiệm máu, cho đến lúc đi sinh con, những lần khám cho mẹ và con sau khi sinh hay việc gặp bác sĩ chuyên về nuôi con bằng sữa mẹ. Khoản tiền duy nhất chị Vân phải trả sau hai ngày một đêm trong bệnh viện là… tiền gửi xe.

Lúc vào viện, chị được vào một phòng riêng rộng thênh thang và có một y tá riêng chăm sóc trong quá trình sinh nở. Sau khi sinh xong, chị được chuyển sang phòng hậu sản một phòng hai người, một y tá chăm sóc bốn người. Mỗi lần đến bữa ăn, có người đưa thực đơn đến để chọn món, rồi phục vụ đồ ăn vào tận giường (khẩu phần đủ để hai vợ chồng chị chia nhau ăn no).

425 1 Me Viet Ke Lai Trai Nghiem An Tuong Khi Sinh Con O Canada Thu Tien Duy Nhat Phai Tra La Tien Gui Xe

Lúc vào viện, chị được vào một phòng riêng rộng thênh thang và có một y tá riêng chăm sóc trong quá trình sinh nở (Ảnh minh họa).

Sau sinh, khi chưa có đủ sữa cho con, chị Vân còn được cho mượn miễn phí một bộ các dụng cụ như núm vú để ti bình, bình đựng, các bộ phận đi kèm với máy vắt sữa, chậu nhựa để rửa, xi lanh, kem bôi cho mẹ…

Rất nhiều dụng cụ hỗ trợ chuyển dạ

Việc sử dụng thuốc hay can thiệp y tế đều được đặt sau các biện pháp tự nhiên. Bệnh nhân luôn được hỏi ý kiến và tự đưa ra quyết định sau khi nghe thông tin từ bác sĩ và y tá.

Lần đầu tiên vào viện, mặc dù đã vỡ ối và tử cung mở 3cm, nhưng bác sĩ vẫn bảo chị Vân có hai lựa chọn: hoặc là dùng thuốc để kích đẻ, hai là đợi thêm, phải đủ 4cm mới được nhập viện. Chị quyết định đi về. Hai tiếng sau chị quay lại, sau khi kiểm tra, chị chính thức được nhập viện, được đưa vào phòng riêng và phân cho một y tá chăm sóc từ đầu đến lúc sinh xong. Chồng cũng được ở bên cạnh từ đầu đến cuối bên cạnh vợ.

Trong phòng sinh có rất nhiều dụng cụ để hỗ trợ quá trình chuyển dạ. Có ghế bập bênh (rocking chair), bóng (giống như quả bóng dùng để tập thể dục), phòng tắm vòi sen, ngay cả giường cũng có thể nâng lên hạ xuống, tháo ra lắp vào các phần khác nhau để sản phụ thay đổi tư thế trong quá trình chuyển dạ. Trên thực tế, tư thế nằm ngửa sẽ khiến cho việc sinh nở diễn ra chậm chạp và khó khăn nhất.

425 2 Me Viet Ke Lai Trai Nghiem An Tuong Khi Sinh Con O Canada Thu Tien Duy Nhat Phai Tra La Tien Gui Xe

Trong phòng sinh có rất nhiều dụng cụ để hỗ trợ quá trình chuyển dạ (Ảnh minh họa).

Trong quá trình chị Vân vật vã thấy ớn lạnh từng cơn thì y tá liên tục mang chăn đã được ủ nóng để đắp cho chị. Chị còn được một doula (người giúp sản phụ thư giãn và hỗ trợ về mặt tinh thần trong khi đẻ) tên là cô Lynn giúp đỡ miễn phí trong suốt quá trình này. Đến khi rặn, bác sĩ và y tá thay nhau lấy khăn dấp nước nóng để chườm lên khu vực tầng sinh môn cho chị, để phần da và cơ chỗ đó giãn nở tốt và không rạch, chỉ để co giãn và rách tự nhiên. Các biện pháp giảm đau rất sẵn, trong đó có khí cười (laughing gas), thuốc giảm đau truyền vào mạch máu, gây tê màng cứng và sẵn sàng đáp ứng khi bệnh nhân yêu cầu.

Tuy nhiên, khi còn chịu được thì y tá chỉ theo dõi nhịp tim của thai nhi và của mẹ. Còn việc can thiệp y tế chỉ dùng khi thực sự cần thiết. Vì có phòng riêng, sản phụ có thể yêu cầu tắt đèn cho tối bớt, bật nhạc, dùng bao nhiêu nước nóng nước lạnh và đồ ăn nhẹ có sẵn trong bếp của bệnh viện tùy thích.

Những sự hỗ trợ tuyệt vời cho quá trình nuôi con bằng sữa mẹ

Việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng rất được khuyến khích tại Canada. Trong vòng 24 giờ đầu tiên sau sinh, bé Cơm ngủ mê mệt, hầu như không ăn gì. Chị Vân ra sức vắt sữa nhưng không được đến 1ml sữa non cho con. Khi chị lo lắng hỏi y tá có cần cho con ăn sữa bột không, thì nhận được câu trả lời là vì em bé sinh ra khá bụ bẫm nên chưa phải cho ăn ngay. Đến cuối ngày thứ nhất, cô y tá lấy máu ở gót chân bé để xét nghiệm đường huyết, xem có bị đói quá không, thì vẫn trong chỉ số bình thường. Sang ngày thứ hai tình hình không tiến triển hơn thì mới bắt buộc phải cho bé ăn thêm sữa công thức.

425 3 Me Viet Ke Lai Trai Nghiem An Tuong Khi Sinh Con O Canada Thu Tien Duy Nhat Phai Tra La Tien Gui Xe

Việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng rất được khuyến khích tại Canada (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, một ngày có ba y tá (mỗi cô làm 8 tiếng) túc trực thì cả ba đều hướng dẫn chị Vân cách cho con bú. Y tá nào cũng miệng vừa nói, tay vừa làm (một tay đỡ đầu con, một tay cầm tay chị để hướng dẫn chị cách điều chỉnh tư thế và giúp con ngậm sâu). Đến khi cho bé Cơm dùng sữa ngoài thì các y tá vẫn nhắc chị Vân phải dùng máy vắt (vì con không chịu bú) để kích thích sữa, và luôn ưu tiên cho con ăn sữa mẹ trước rồi mới dùng sữa ngoài.

Sau khi xuất viện, chị còn đến gặp bác sĩ chuyên về nuôi con sữa mẹ hai lần. Các bác sỹ kiểm tra xem con có bị dính lưỡi không, phản xạ mút có tốt không, cân em bé trước và sau khi bú để xem bú được bao nhiêu, rồi quan sát chị cho con bú và lại rất kiên nhẫn ngồi cạnh để hướng dẫn chị.

Ở Canada ngoài có đường dây y tá tư vấn miễn phí mà tất cả người dân có thể sử dụng, còn có một đường dây riêng hoạt động 24/7 cho các em bé dưới hai tháng tuổi. Chị Vân đã gọi đến hai lần, mỗi lần 30 phút để được nghe tư vấn về các vấn đề của mình. Chị chia sẻ: “Thật ra tất cả những điều họ gợi ý mình đều biết, nhưng nhiều khi, để được nghe một sự khẳng định rằng những biểu hiện của con mình là bình thường và những gì mình đang làm là đúng, còn quan trọng hơn tất cả những lời khuyên khác.”

425 4 Me Viet Ke Lai Trai Nghiem An Tuong Khi Sinh Con O Canada Thu Tien Duy Nhat Phai Tra La Tien Gui Xe

Trong thời gian ở viện, các y tá yêu cầu chị Vân ghi chép chi tiết cho con bú lúc mấy giờ, bú mấy phút, hay nếu ăn sữa mẹ vắt ra hoặc sữa công thức thì được bao nhiêu (Ảnh minh họa).

Sau khi chào đời, em bé liên tục được theo dõi sát sao, kể cả khi đã ra viện

Ở Canada, tất cả các quyết định của bác sỹ, y tá đều phải có chứng cứ, chứ không dựa vào cảm tính. Trong thời gian ở viện, các y tá yêu cầu chị Vân ghi chép chi tiết cho con bú lúc mấy giờ, bú mấy phút, hay nếu ăn sữa mẹ vắt ra hoặc sữa công thức thì được bao nhiêu, khi nào đi tè, đi ị… Ví dụ như bé Cơm chỉ được quyết định phải bổ sung sữa công thức trong bệnh viện sau khi: đã xét nghiệm đường huyết của con; hướng dẫn mẹ vắt sữa, trữ sữa mà lượng vắt ra không đủ lượng cần thiết cho bé; và theo dõi lượng bỉm đi tè, đi ị không thấy đủ.

Ngoài các chỉ số cơ bản như huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ, bé Cơm còn được theo dõi cả chỉ số vàng da. Sau khi ra viện, ngay ngày hôm sau có một y tá đến nhà thăm khám cho hai mẹ con, kiểm tra tình trạng ra máu của mẹ và tình trạng vàng da của con. Đến lúc đó bé Cơm vẫn chưa đi ị, nên chỉ số vàng da ở trong mức cần phải theo dõi tiếp (da không hề vàng, chỉ là khi đo bằng máy thì chỉ số ở trong mức cần theo dõi). Ngay lập tức, y tá gọi đến cơ sở y tế dành riêng cho trẻ sơ sinh để đặt hẹn cho chị Vân.

Sáng hôm sau, khi chị Vân đưa con đến, lần này tiếp tục đo và thấy chỉ số vẫn tăng, thì bé phải lấy máu chân để xét nghiệm. Chỉ khoảng hơn một tiếng sau đã có kết quả, không đến nỗi báo động, nhưng sáng hôm sau chị vẫn phải đưa con đến xét nghiệm lần nữa.

Rất may, ngày hôm đó bé Cơm đã bắt đầu đi ngoài được, nên đến khi quay lại ngày hôm sau thì chỉ số đã giảm và không cần tiếp tục theo dõi nữa. Y tá cho biết nếu chỉ số vàng da thực sự lên cao đến mức phải điều trị, sẽ có xe đưa thẳng đến bệnh viện để con được chiếu đèn.

VNEXPRESS.NET


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài