Theo lời của những người tố cáo, anh này luôn tìm cách tiếp cận các em sinh viên mới qua, hướng dẫn, giúp đỡ tìm nhà, tìm việc và cuối cùng là gạ “quan hệ”. Anh này cũng đã lừa được một số em… nhiều người ngậm ngùi im lặng nhưng cũng có nhiều người mạnh dạn tố cáo.
Nhừng lời tán tỉnh của anh ta đều được anh gửi qua tin nhắn Facebook mà không thể ngờ rằng sẽ có ngày nào đó các nạn nhân chỉ việc chụp màn hình và tố cáo.
Hàng nghìn người trong cộng đồng người Việt ở Canada được một phen ngỡ ngàng khi tác giả của hàng chục bài viết tư vấn cho cộng đồng, từ cách nộp hồ sơ qua Canada, cách chuẩn bị câu hỏi phỏng vấn với đại sứ quán, cách tìm nhà, cách đi lại cho đến cách xin việc… vốn rất bổ ích, cuối cùng lại bị lật tẩy thành kẻ chuyên môn đi gạ gẫm các em sinh viên trẻ.
Đáng tiếc, dù trên thực tế có rất nhiều người đi trước luôn sẵn lòng sống vì cộng đồng bằng nhiều cách, từ quyên góp ủng hộ công khai minh bạch với các trường hợp khó khăn nhưng cũng có không ít người lợi dụng việc các em mới qua chưa biết gì để lừa đảo.
Chuyện lừa những người/sinh viên mới sang không chỉ của riêng cộng đồng người Việt ở nước nào mà diễn ra vô cùng phổ biến tại nhiều nơi. Tôi từng có thời gian học tại thành phố Milan, Italy. Nơi đây dù cộng đồng người Việt còn nhỏ, chỉ khoảng 70 người Việt bao gồm ở Milan và các khu vực phụ cận nhưng cũng có quá nhiều người chỉ chờ để lừa các bạn mới sang.
Một người chị có tên M.T từng tốt nghiệp trường hàng đầu thuộc khối ngành kinh tế ở Hà Nội, sau đó sang Milan học ở một trường kinh doanh khá có tiếng tại Ý, rồi không xin được việc nhưng nhất định không chịu về nước mà ở lại trái phép. Để có tiền sống, chị ấy đã đi lừa tiền chính những em mới sang.
Trên diễn đàn của hội sinh viên tại Milan, chị luôn đi tìm những em sinh viên chuẩn bị sang, chị không bao giờ bình luận trực tiếp mà vào nhắn tin hỏi han, đề nghị giúp đỡ. Ngày các em mới sang Milan, chị sẽ ra tận sân bay đón.
Chị đưa đi ăn, chị trả tiền cho cả hai chị em, rồi chị đưa về nhà trọ chị thuê hộ cho đến khi nào các em tìm được nhà. Sau đó chị hướng dẫn đi lại, đưa ra cửa hàng đăng ký điện thoại, chị đưa đi ăn kem Ý, rồi chị giới thiệu cho rất nhiều điều về nước Ý.
Tất nhiên những ai mới qua gặp một đàn chị như vậy cũng phải cảm động “rớt nước mắt”. Chị bảo gì nghe liền, nghe hết, không thiếu một câu nào. Biết bao nhiêu em sinh viên ấn tượng với chị, gọi điện về nhà khoe với bố mẹ hết lời về việc gặp một người chị hẳn là quá tốt.
Và cũng đến một ngày đẹp trời khi mối quan hệ đã đủ thân tình, chị M.T bắt đầu vay tiền các em mới sang. Với tấm lòng của chị tử tế như vậy, chắc chắn khi chị vay tiền, không em nào dám từ chối bởi khi mình mới qua, chị tốt đến thế cơ mà. Nhưng chị rất khôn, chị luôn vay tiền theo cái cách mà các em có ít bằng chứng nhất. Chị chỉ nói vay tiền khi gặp trực tiếp và gọi điện chứ không bao giờ nhắn tin.
Số tiền vay qua từng lần cứ lớn dần lớn dần, ban đầu 200 euro, sau rồi đến 200 euro tiếp…cuối cùng có nhiều em cho chị vay đến cả hơn 1 nghìn euro… và rồi chị chặn facebook, chặn số điện thoại.
Khi ấy các em cố gắng liên lạc bằng cách này bằng cách khác nhưng mới chợt ngã ngửa ra rằng mình chẳng biết chị ấy ở đâu cũng không hề biết chị ấy làm gì mà tiền đã cho vay mất rồi. Lên diễn đàn kêu khóc cũng không ai giúp được gì vì các em hoàn toàn không có bằng chứng.
Kể cả có muốn báo cảnh sát các em cũng không hề có một chút thông tin cá nhân nào về chị ngoài mấy thông tin về trường nơi chị tốt nghiệp, nhưng tất nhiên trường không thể hợp tác vì lý do cá nhân và chính các em cũng không hề có bằng chứng chị đã vay tiền. Và ngậm ngùi cho qua… Đến lúc mất đi số tiền lớn của gia đình, các em mới hiểu rằng: Chẳng có lòng tốt nào miễn phí, đặc biệt ở nơi xứ người.
Câu chuyện về những người đàn anh/đàn chị đi lừa người khác bằng vỏ bọc tốt đẹp ban đầu như trên không hề hiếm ở các nước châu Âu. Tác giả bài viết từng chứng kiến nhiều câu chuyện tương tự ở Đức, Pháp, Hà Lan… Các em sinh viên, những người mới qua nước ngoài vì tiếng kém, vì ngại va chạm nên cuối cùng chẳng ai làm gì được họ.
Ở đất Nhật, nơi du học sinh Việt Nam đổ xô đến trong những năm gần đây, chuyện lừa đảo có lẽ đã trở nên phổ biến như cơm bữa. Tiếng Nhật rất khó, ít người Nhật chịu nói tiếng Anh, và số lượng du học sinh ở Nhật cũng nhiều hơn nhiều nước khác và đặc thù có nhiều em đến từ các tỉnh nên các kiểu lừa cũng đa dạng hơn rất nhiều.
Tối thiểu nhất, khi mới sang Nhật, em nào cũng sẽ cần đăng ký điện thoại và kiếm việc đi làm. Không giống như các nước phương Tây với thủ tục đăng ký điện thoại đa phần khá đơn giản, để đăng ký được điện thoại ở Nhật thủ tục vô cùng rắc rối và cần người phải thật giỏi tiếng đi cùng.
Kẽ hở để lừa đảo chính nằm ở đây, khi đăng ký điện thoại, các anh chị sẽ nhanh tay đăng ký thêm một cái điện thoại hoặc máy tính bảng khác cho mình, và tiền hàng tháng, tất nhiên do các em trả.
Trường hợp khác, khi hãng tặng máy, các anh chị sẽ nhanh chóng lấy máy đó cho mình và chỉ đưa cho các em máy rẻ tiền mà hãng đưa và nói rằng hãng chỉ cho dùng máy đó thôi. Các em mới qua tiếng kém làm sao biết thắc mắc, các anh chị đi cùng đã là tốt lắm rồi.
Đến khi nhận được thông báo đóng mấy triệu mỗi tháng chỉ vì cái điện thoại đang dùng, các em mới ngã ngửa ra nhưng kiếm được người đi cùng để giải quyết việc đó cũng khó vô cùng, cuối cùng nhiều em đành chấp nhận mất tiền hoặc chịu tiếng xấu quỵt tiền của nhà mạng.
Khác với du học sinh ở châu Âu, Mỹ chủ yếu đến từ các vùng đô thị, có thể sử dụng tiếng Anh tối thiểu cho việc đặt vé máy bay hay du lịch, du học sinh Nhật đa phần các em đến từ các vùng nông thôn, chưa va chạm nhiều lại không biết ở Nhật hoàn toàn có thể tự mua được vé máy bay thậm chí chỉ cần chút thao tác bằng tiếng Việt.
Các trò lừa đảo cũng phát sinh từ đây. Rất nhiều các anh chị tự quảng cáo rằng mình có khả năng đặt vé về Việt Nam cho các em, cũng xuất được vé gửi về email của các em như bình thường nhưng các em không hề biết rằng vé đó chưa được thanh toán sẽ tự động bị hủy sau 24 tiếng. Cuối cùng ra sân bay mới được biết không hề có vé tồn tại trên đời còn tiền mình đã mất từ lâu và anh chị không thể liên lạc được.
Các bậc cha mẹ ở nhà có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được con mình xa nhà lại vướng phải nhiều cạm bẫy ngọt ngào đến như vậy. Ai xa nhà cũng mong được giúp đỡ, và bởi lạ nước lạ người nên tìm được đồng hương mới quý biết bao, nhưng sẽ thật khó để các em có thể nhận biết được người nào có lòng tốt thật sự, ai đang lừa các em bằng cái vẻ đạo đức bề ngoài.
Cách tốt nhất cho mỗi bạn du học sinh, đó là trước khi qua hãy học tiếng bản địa cho thật kỹ để tự mình có thể trao đổi được với người bản xứ, tìm hiểu thật kỹ về các thông tin nơi mình đang đến thông qua các nguồn đáng tin cậy…
Trên các diễn đàn của du học sinh ở nước ngoài đểu đã có rất nhiều bài đăng đầy đủ và chi tiết về cuộc sống của nơi đến do các admin uy tín viết nên, du học sinh hoàn toàn có thể tự tìm hiểu cho mình. Tuyệt đối không nên cho biết nơi ở của mình, không nên cho biết các thông tin cá nhân trước khi đã có quá trình tìm hiểu đủ lâu dài.
Khi bản thân ta trở nên mạnh mẽ và hiểu biết hơn chính là lúc ta tự bảo vệ được chính mình khỏi những hiểm nguy bị lừa gạt về thể xác, tinh thần và tài chính.
NGUYỄN THUỲ DƯƠNG chia sẻ