Dịp Tết là dịp sum vầy hạnh phúc, người người nhà nhà phương xa về quê để đoàn tụ cùng gia đình, thăm họ hàng, bố mẹ, người thân. Nhưng những người lao động ở nước ngoài, những cô cậu du học sinh thường ít có cơ hội được về Việt Nam ăn Tết. Lý do chính và phổ biến nhất là do trùng lịch học, lịch thi và tiền mua vé về nước quá đắt, bằng cả tiền ăn mấy tháng, số tiền ấy để gửi về mua quà cho bố mẹ còn hơn.
Tuy nhiên, cũng có vài người chọn không về nước vì ngại. Ngại những câu hỏi, câu tra khảo kém duyên từ bạn bè, từ họ hàng, từ người thân, từ hàng xóm. Đi du học thực sự vác trên mình trọng trách rất lớn. Người ta cũng xem việc đi du học là một cái gì đó “khang khác” so với người ở nhà. Về nước bị người ta tò mò thì ít mà xoi mói thì nhiều, nên khá đông du học sinh chọn cách ở lại bên đấy, đi du lịch, đi chơi. Có ý kiến tranh cãi cho rằng tại sao lại vì những lời lẽ, câu hỏi kém sang không liên quan đó mà bỏ qua việc về nước ăn Tết sum vầy cùng gia đình, phải chăng đây là sự nguỵ biện? Nhưng thực ra, nếu là một du học sinh, bị hỏi những câu hỏi đó, bạn sẽ hiểu tại sao du học sinh bị ám ảnh vì những điều vô lý như vậy.
Quà, quà, quà và quà. Tại sao mọi người cứ có tâm lý người đi xa về là phải có quà, không có quà là giận, là dỗi, chê người ta keo kiệt, bủn xỉn. Lúc người ta đi sao không tặng quà tiễn biệt, rồi ngày thường sao chẳng hỏi thăm lấy một câu mà nghe tin sắp về là đòi quà nhỉ?
Thực sự về nước ăn Tết chỉ muốn trốn tiệt trong nhà không cho ai thấy, vì thấy mặt là người ta lôi ra hỏi đủ thứ chuyện nào là yêu đương, tiền lương, sau này làm gì, về nước hay không?
Phép so sánh kém sang tồn tại ở bất cứ đâu trong dịp Tết. Các bác hàng xóm cứ cho con mình giỏi hơn con người khác rồi nói cạnh, nói khoé!
Mọi người hình như chẳng phân biệt được là mình đi du học hay đi xuất khẩu lao động. Thời gian học còn không có, lấy đâu ra thời gian đi làm mà hỏi đem về cho bố mẹ bao nhiêu tiền. Mà dù có mang quà cho bố mẹ cũng là chuyện của nhà cháu mà.
Người ta FA, ế chỏng chơ mà cứ hỏi hoài người yêu ở đâu, kỳ lắm. Có người yêu là cháu tự mang về làm 50 cỗ ra mắt, nhưng các bác ơi, cháu cô đơn lâu lắm rồi.
Đã cố tình bỏ tiền vào trong bao lì xì thế mà còn bị lột ra ngay trước mặt và chê: Sao du học về mà mừng tuổi ít vậy?
Mua hàng xách tay về cho tao với. Vali còn chỗ không tao gửi ít đồ. Hàng này bên kia giảm giá đúng không, mua về cho tao với nhé.
Du học về đi họp lớp cũng khổ cơ, bị gọi là Việt kiều, người ta cứ tránh mình ra chẳng chịu chơi cùng.
Cứ bảo du học sinh trốn không về nước ăn Tết nhưng nghĩ xem, đang cắn dở miếng bánh chưng bị hỏi những câu này có vui nổi không cơ chứ.
Tóm lại là áp lực du học sinh về nước cực kỳ lớn, chẳng ai hỏi thôi họ cũng ngại lắm rồi, đằng này cứ hết người này đến người nọ hỏi lên hỏi xuống những câu kém sang cực kỳ. Không về nước ăn Tết được một phần do sợ bị hỏi, sợ bị dò xét, xoi mói.