Một ngày tháng 5, nàng bỗng thức giấc sớm. Việc tỉnh dậy giữa một thành phố xa lạ, trong chăn ấm gối êm cùng chút ký ức về tách syrup lá phong âm ấm, ngòn ngọt đêm qua khiến nàng phút chốc muốn trở thành nữ suýt chánh của vài chi tiết tiểu thuyết. Nhưng chợt nhớ ra mình chỉ còn một ngày ở Ottawa, nàng vùng dậy, quyết lần dò ra chợ Byward – ngôi chợ nổi tiếng nhất thủ đô của xứ sở lá phong – xem dân tình sinh sống ra sao.
Một quán cà phê và băng ghế có thể “sống ảo” ở Ottawa. Ảnh: Diễm Trang
Đi được một cơ số bước, nàng thấy một ngọn lửa kỳ lạ. Nước có phun, táp thế nào đi nữa thì lửa cũng không hề tắt. Nàng khoái chí chạy đến xem xét thì biết đó là ngọn lửa Centennial Flame được thắp lên từ năm 1967, đánh dấu 100 năm lập quốc Canada. Ngọn lửa kiêu hãnh thu hút nàng và vô số du khách tiến vào tham quan tòa nhà Quốc hội to lớn, cổ kính tựa lâu đài với kiến trúc Gothic và rất nhiều sách vở, vật phẩm trang trí, tranh tượng… Những cánh tuplip ửng hồng, mịn màng trước cổng cho nàng ý niệm rõ rệt hơn về mùa hè trong ngần đến ngọt ngào. Trước khi đến đây, nàng ngỡ chỉ có Hà Lan mới được mệnh danh là xứ sở của hoa tulip.
Đi thêm đoạn nữa, nàng bắt gặp một người đàn ông cao lớn mặc kilt (váy ca rô kiểu Scotland) say mê chơi đàn vĩ cầm. Phong thái quá đỗi điêu luyện ấy khiến nàng mất mấy phút mới nhận ra mớ tiền lẻ trong hộp đàn. Thầm khen anh Ba đường phố biết chọn nơi biểu diễn. Anh đứng trên cây cầu bắc ngang con kênh Rideau được đào cách đây gần 200 năm, thuộc loại lâu đời nhất Bắc Mỹ. Giữa lòng kênh, người ta có thể bơi thuyền kayak vào mùa hè và trượt băng vào mùa đông. Nàng được một nhân viên bán tour địa phương đứng bên thành cầu chào mời: chỉ cần 28 đô Canada và một tiếng đồng hồ là có thể trèo lên một chiếc amphibus Lady Dive du ngoạn Ottawa. Nàng tò mò hỏi “Amphibus là gì dạ?” thì được giải thích rằng đó là phương tiện giao thông màu đỏ thắm, được ví như “động vật lưỡng cư” đáng yêu của Canada, có thể chạy trên cạn lẫn bơi xuống nước. Nàng trố mắt thán phục và lập tức ao ước có một chiếc y như vậy ngay bến Bạch Đằng quê nàng. Tưởng tượng ra đoạn tha hồ ngắm nhìn bao nhiêu công viên, vườn cây và công trình kiến trúc với nhiều góc độ khác nhau, nàng suýt đi theo cô nhân viên. Đột nhiên, mùi thơm của bánh nướng lan tỏa từ quán cà phê cạnh chân cầu khiến nàng bừng tỉnh, nhớ lại động lực quan trọng mà muốn đạt được thì phải ra chợ Byward.
Qua khỏi kênh Rideau một chút, nàng gặp một đoàn đua marathon. Nàng đã nghe nói rất nhiều về các cuộc đua marathon được tổ chức định kỳ ở khắp Ottawa, Montreal, Quebec… nhằm gây quỹ từ thiện, giờ tận mắt chứng kiến. Mấy chàng vận động viên mình đẫm mồ hôi, cởi phăng áo khoe vẻ nam tính khiến đám đông hai bên đường hò hét không ngừng, trong khi vô số chàng và nàng đủ thứ màu da, cân nặng và chiều cao vẫn “bảo tồn” trang phục có đeo số và còn kịp mỉm cười chào “khán giả”. Các cổ động viên ý tứ lùi vào lề đường để y tế viên và tiếp tế viên tiện làm việc. Nàng cũng hòa vào họ, gào thét nhiệt tình. Nàng biết mình không yêu thể thao đến mức này. Có lẽ nàng vui thích với không khí cuối tuần phơi phới xuống đường làm điều gì đó có ích cho đời. Quán cà phê cạnh chân cầu vẫn đáng yêu hết nấc không chỉ vì khung cảnh vừa thơ mộng vừa tao nhã mà còn vì… mùi bánh nướng. Nó nhắc nhở nàng mục tiêu check-in tiệm bánh gần chợ Byward mà Tổng thống Obama từng check-in. Nhìn đồng hồ, nàng hú hồn nhận ra khả năng la cà gấp ba lần cô bé quàng khăn đỏ. May mà không có con sói lầy lội nào gạ gẫm. Chụp ảnh với dòng chữ OTTAWA màu đỏ pha trắng cao hơn đầu người xong, nàng ngoan ngoãn đi thẳng hướng chợ Byward.
Tiệm bánh Le Moulin de Provence chiếm trọn một góc đường, có cả lan can bao bọc. Tấm ảnh cựu Tổng thống Mỹ Obama mặc vest đen với nụ cười tỏa sáng cả khúc kênh Rideau được phóng to, treo trang trọng trên bức vách bên trái cửa tiệm, ngay cửa ra vào. Dòng chữ “Obama’s choice, your choice!” thôi thúc nàng đứng vào dòng người đang xếp hàng rồng rắn. Chưa cần ăn, nàng đã bị hàng trăm loại bánh rực rỡ, sắc nét và phong phú hình thù chinh phục. Nàng săm soi kỹ càng tủ bánh có chứa các mẫu mà Obama đã chọn vào năm 2009. Hình dạng lá phong đỏ thắm và hạt nút đơm áo duyên duyên làm nàng xao xuyến. Nhưng sực nhớ đến những kiểu bánh ngọt mút cùng nghĩa của từ ngọt có dịp nếm dọc hành trình, nàng quyết định lỗi hẹn với Obama để mua bánh mặn. Nàng chọn ổ bánh mì nhân gà cá giá năm đô rưỡi. Để rồi, chỉ muốn rớt nước mắt vì chất lượng chỉ bằng ổ bánh mì chưa tới một đô ở quê nàng. Bánh mì mà cho nhân sẵn, bọc nylon, hễ ai mua thì nướng lại làm sao trở thành cực phẩm được! Thầm trách bản thân không đi theo định hướng vô cùng tế vi của “chàng Ô”.
Sắp trưa rồi, vào chợ thôi! Không biết từ sáng tới giờ nàng hô khẩu hiệu vô chợ mấy lần rồi. Nhưng mà có một phụ nữ hát My heart will go on ngay trước tiệm bánh kìa. Thần thái Celine Dion lắm! Nàng phải ủng hộ chị Bảy Celine một chút! Ơ kìa, sau lưng chị Bảy là một quán cà phê sơn màu cà phê và treo đầy những giỏ hoa tươi như vừa được tưới! Gần đó là một tiệm bánh “to go” có decor không khác gì một quán bar mang màu đỏ lá phong (nàng nhận ra xứ này mê màu đỏ có khi còn hơn Tây Ban Nha). Rồi cái hàng rào vàng nâu và băng ghế gỗ nên thơ có thể sống ảo, bất chấp xe cộ chạy qua vùn vụt. Hôm nay cuối tuần, người Ottawa dắt những chú chó to cao như ngựa và nũng nịu như mèo đi dạo, sẵn tiện tranh danh hiệu hoa hậu cẩu Byward Market. Danh hiệu gì chợ búa dễ sợ! Nàng cũng muốn làm giám khảo nữa. Trời ơi, không được phân tâm học Freud! Vào chợ thôi!
Ta nói thiên đàng chỉ có thật khi chưa nhìn thấy, hay vì từng xúng xính tham dự ít nhiều phiên chợ lớn nhỏ trong đời mà nàng có phần thất vọng? Ngôi chợ danh tiếng bậc nhất Ottawa khiến nàng buồn não nuột không chỉ vì tính chất “chùa Bà Đanh” mà còn vì lượng hàng hóa lèo tèo. Các ki ốt trong nhà lồng đóng cửa nhiều hơn mở, có chút sinh khí chăng là các tiệm ăn uống. Ki ốt kia thách thức nàng bằng tấm bảng “What is bubble tea?” (Trà sữa là gì?). Nàng bật cười, trong phút chốc nhận ra mình có năng lực của một giáo sư trà sữa vì được sinh ra và lớn lên ở thành phố có nhiều tiệm trà sữa đẹp lồng lộn và chiều chuộng nhu cầu của tín đồ bậc nhất thế giới. Trong khi ở Bắc Mỹ này, trà sữa trân châu là một huyền thoại mà người bản xứ muốn giải đáp hẳn phải e dè. Nàng quen thói order (gọi món) phức tạp của khách ở quê ra, bèn nhận ngay cái lắc đầu khó hiểu của em nhân viên. Dù vậy, nàng vẫn công nhận trà ở đây có những cái tên rất sang, rất lạ và được đựng trong mấy chiếc hộp “art” kinh khủng. Chớ có đùa, nàng đang đứng ở đất nước có hẳn truyền thống uống trà chiều với phong cách nữ hoàng trứ danh từ châu Âu sang!
Rời nhà lồng chợ, nàng bâng khuâng tự hỏi lẽ nào chợ truyền thống ở Canada cũng chịu tình trạng như các ngôi chợ ở quê hương nàng? Đến một ngày nào đó, người ta không còn mặn mà với việc xách giỏ, đắn đo mặc cả như một thú vui mà mải mê với các tiện ích mà siêu thị hay trung tâm thương mại mang lại. Cũng có thể do nàng bây giờ hai bàn chân mỏi nên không có dịp điều nghiên các ngõ ngách của ngôi chợ một cách đầy đủ. Chỉ biết rằng, sức sống của chợ tập trung ra hết phần mặt tiền. Khá ấn tượng với tiệm cà phê phỏng theo mô hình chiếc xe buýt kẹt cứng trong ngõ hẻm y như một cảnh của phim Mission: Impossible. Nàng cho rằng nó có khả năng cạnh tranh với tàu hủ xe lam quê nàng. Mấy tiệm hoa kiểng gọn gàng, im ắng không thể cạnh tranh với chợ hoa trải dài như một con đường ở quận 7 hay quận Gò Vấp. Nhưng nhờ hồng ân của khí trời tháng 5, chúng bung xòe tha thướt, dịu dàng và đạt tông chuẩn của màu. Gian hàng thiệp lạ mắt ngay đầu chợ khiến nàng mơ màng phiên chợ Tết xa xưa, khi người ta chưa biết gửi lời chúc mừng qua mạng. Cạnh nó, gian hàng chậu gỗ chắc nụi như mời gọi hãy mau mang chúng tôi về, cho đẫy đà đất đai và hạt giống vào, để chúng tôi được sống trọn vẹn cuộc đời vật đựng…
Vừa dạo bước vừa ngắm nhìn hàng hóa và cả những bảng hiệu, tên đường song ngữ (Anh và Pháp), nàng chợt nghĩ: ngôi chợ Byward nổi tiếng có thể không vì số lượng ki ốt hay tính độc đáo của hàng hóa, mà vì nó tiết lộ phong thái nhẹ nhàng cũng như tình yêu thầm lặng của người Ottawa về những điều vừa kịp trở thành truyền thống trên mảnh đất còn quá non trẻ tuổi đời và lịch sử này.
Diễm Trang