Đang ở với vợ, với con trong căn nhà của chính mình, trên quê hương mình, ấm êm, hạnh phúc, đùng một cái phải vác va li sang một đất nước xa xôi, thuê phòng ở Canada nhỏ xíu, sống chung nhà với nhiều người khác, sử dụng chung bếp với người lạ, dùng chung nhà vệ sinh, nhà tắm với người không quen,…

Đang ở nhà với cha mẹ, anh, chị, em, có phòng riêng, sáng ngủ dậy có mẹ dọn phòng, xếp chăn, mùng, chiếu, gối cho, ăn có người nấu, còn chê ngon chê dở, nhà có người ở lau chùi đâu vào đó, sướng như tiên, đùng một cái phải xa hết những thứ thân quen, cuộc sống sung túc để đến một nơi chỉ có bạn bè, người lạ, khác tính khác nết, sống chung một mái nhà thuê, bắt đầu thân phận ở trọ.

Du học sinh, dù già dù trẻ, phần lớn phải sống những ngày như vậy.

425 1 dieu bat ngo o australia qua loi ke du khach viet

Sống chung thì dễ đụng, nên mới gọi là chung đụng hay chung chạ. Xích mích nhau là chuyện rất thường gặp. Ban đầu bạn bạn mình mình, chị chị em em, vài hôm sau lại trở mặt lạnh lùng, kể tội nhau, nói xấu nhau…rồi hát bài “Chúng ta không thuộc về nhau” của Sơn Tùng nghe thấy nản .

Khi thuê chung một nhà để ở nghĩa là chúng ta bắt đầu cuộc sống tập thể, nhận người lạ thành người quen, bỏ dần thói quen ích kỷ, biết sống tôn trọng nhau hơn,…là trải nghiệm đáng quý của cuộc sống du học sinh.

Nói dễ nhưng làm không dễ, bởi vì cái tôi của mỗi người rất lớn, thói quen ích kỷ (chỉ biết mình) hình thành quá lâu khi ở nhà, kỹ năng hòa nhập tập thể không dễ luyện tập, nên mâu thuẫn xảy ra khi ở chung là chuyện thường thấy. Lắm khi, ở nhà là bạn thân, qua xứ người du học thành người xa lạ, tệ hơn có thể thành kẻ thù. Khi có chuyện, tất cả các bên đều không vui, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, phiền não vô cùng, tác động xấu đến việc học.

Nói tóm lại, tập sống chung hòa đồng là một kỹ năng. Muốn có kỹ năng phải cố gắng ý thức, phải bỏ bớt cái tôi, tiếp nhận cái ta (cái chung), trách nhiệm hơn với tập thể là điều cần thiết. Việc nhà nên chia đều ra, đừng để bạn cùng nhà làm hết, còn mình ngồi chơi; bạn đi đổ rác thì mình chùi nhà; bạn ở dơ thì nhắc nhở thân tình, khéo léo; mình hay ồn mà bạn không thích thì tập nói nhỏ lại,…

Nhà Anh Tôn ở, dưới basement có gia đình người Ấn, có vài lần ở trên làm ồn quá, dưới ngủ không được mà họ phải đi làm ca sớm, rồi họ nhắn Anh Tôn (như đại huynh của nhóm người Việt sống các tầng trên) nhờ nhắc các bạn hạn chế gây ồn. Họ lịch sự trong lời nói vì sợ phật lòng nhau. Anh Tôn nhắn các bạn bớt làm ồn lại, đồng thời nhắn với gia đình người Ấn rằng “Mutual respect is important” (Sống chung, tôn trọng nhau là điều quan trọng).

Trên 18 tuổi, chúng ta đủ trưởng thành để tự chịu trách nhiệm với chính mình và với những người chung quanh, với tất cả các mối quan hệ xã hội. Trên 18 tuổi là đã trưởng thành, nghĩa là nên biết việc gì cần làm, nên làm, không cần làm, không nên làm, đúng không?

Vậy nhe. Chúc các anh, chị, em du học sinh sống chung vui vẻ, hòa đồng, tương thân, tương ái.

Hết! Khi nào rảnh viết tiếp, chứ làm việc nhiều đuối quá đuối .

 

 

Chia sẻ của Tôn Thất Hòa


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài