Lệnh trừng phạt của Mỹ, theo mô tả của Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 21/5 là “mạnh nhất trong lịch sử” sẽ gây áp lực lớn lên nền tài chính Iran. Trước đó, Washington đưa ra yêu sách 12 điểm buộc Iran phải thực thi nếu muốn không muốn bị “hứng đòn”. Trong số này bao gồm việc ngừng làm giàu uranium, rút toàn bộ lực lượng khỏi Syria, thả công dân Mỹ…
Một người đàn ông đọc tờ báo có hình Tổng thống Mỹ Donald Trump ở thủ đô Tehran, Iran
Bloomberg cho biết trước thời điểm các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực, chính quyền Iran đang phải đưa ra một loạt giải pháp để giữ vững nền kinh tế. Tác động đối với kinh tế Iran đã xảy ra ngay khi các lệnh trừng phạt của Mỹ còn chưa có hiệu lực. Biểu hiện rõ nhất là sự mất giá của đồng rial, tới hơn 2/3 so với đồng đô-la, tính từ đầu năm nay.
Hồi cuối tuần qua, chính quyền Iran đã thông qua kế hoạch của Ngân hàng trung ương Iran, siết chặt các quy định về tiền tệ, tăng cường kiểm soát thị trường chợ đen, trừng phạt nặng hơn các hành vi thao túng giá. Theo Bloomberg, do lo sợ lệnh trừng phạt, nhiều người Iran đã tích trữ tiền đô, biểu tình xảy ra ở nhiều khu vực. Hôm 3/8 mới đây, 1 người đã bị bắn chết, 20 người khác bị bắt ở thành phố Karaj, phía tây Iran. Một vụ biểu tình khác thu hút khoảng 500 người xảy ra ở Eshterhard, thị trấn phía tây thủ đô Tehran.
Các đoạn video tung lên mạng xã hội cho thấy biểu tình xảy ra ở nhiều thành phố, bao gồm cả thủ đô Tehran.
Châu Âu-kẻ thất bại
Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân ký năm 2015 với Iran, bất chấp phản đối từ phía các đồng minh châu Âu. Theo AFP, quyết định áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran của Mỹ đã gây ảnh hưởng mạnh tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu với quốc gia Hồi giáo này, trên tất cả các lĩnh vực: hàng không, ngân hàng, du lịch, ô tô…
PSA, vốn nắm các nhãn hiệu Peugeot, Citroen và Opel, đã bán sang Iran 445.000 chiếc ô tô năm 2017. Theo AFP, Iran là một trong những thị trường nước ngoài lớn nhất của PSA. Hãng Renault cho biết sẽ duy trì hoạt động kinh doanh ở Iran, nhưng hôm 16/7 thông báo doanh số bán hàng đã giảm xuống 10,3%.
Nhà sản xuất ô tô của Đức là Daimler vừa ký hợp tác với 2 hãng của Iran để xây dựng dây chuyền sản xuất Mercedes-Benz, trong khi Volkswagen vừa lên kế hoạch trở lại thị trường Iran sau 17 năm, nhưng cả 2 sẽ phải xem xét lại kế hoạch kinh doanh. Ý là đối tác thương mại chính ở châu Âu của Iran, nhưng Đức mới là nước xuất khẩu nhiều nhất vào nước này với trị giá năm 2016 là 2,6 tỉ USD, tăng lên 3 tỉ USD năm 2017.
Hãng dược Sanofi mới đây cho biết sẽ vẫn hợp tác với Iran tuân theo các quy định của luật pháp quốc tế. Phát ngôn viên Sanofi cho biết còn quá sớm để bình luận về những tác động của lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt lên Iran. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp châu Âu có thể giữ được bình tĩnh như Sanofi. Helaba và DZ Bank, các ngân hàng Đức đã rút khỏi Iran sau khi lệnh cấm vận của Mỹ được thông báo. Chuỗi khách sạn Melia của Tây Ban Nha vừa ký hợp đồng vận hành 1 khách sạn 5 sao ở Iran nhưng vừa thừa nhận kế hoạch này có thể “chết yểu”.
Lệnh trừng phạt của Mỹ khiến cho các gã khổng lồ dầu mỏ BP (Anh) hay Total (Pháp) đang đứng trước nguy cơ mất hàng tỉ USD làm ăn với Iran. Tương tự, Iran đang là khách hàng của Airbus hay ATR. Châu Âu rõ ràng có lý do để muộn phiền trước quyết định của ông Donald Trump.
Nguồn: Nongnghiep.vn