Khi còi báo động vang lên vào sáng 7/10 ở miền nam Israel, lao động nông trại người Thái Lan Manee Jirachart bò ra khỏi giường, chạy vào hầm trú ẩn.

Anh chui ra khỏi hầm ngay sau đó vì nghĩ rằng tình hình đã an toàn. Nhưng khi loạt còi báo động thứ hai vang lên, anh lại lao về phía boongke. Lần này, Manee bị các tay súng Hamas bắt.

"Họ đưa chúng tôi lên xe. Chúng tôi có 6 người Thái, 4 người ở trên xe, hai người còn lại dã bị giết", Manee, 29 tuổi, nói với CNA hôm 7/12.

1 Con Tin Thai Lan Ke Ve 50 Ngay Bi Hamas Bat

Manee Jirachart tại quê nhà ở tỉnh Udon Thani, đông bắc Thái Lan. Ảnh: CNA

Anh và các con tin khác bị đưa qua biên giới vào Gaza, nơi họ bị giam trong các nhà tù dưới hệ thống đường hầm của Hamas suốt 50 ngày. Manee cho hay mới đầu anh bị đánh đập. Các tay súng Hamas cho anh thức ăn nhưng không nói chuyện nhiều với anh.

"Khi tôi nói tôi muốn về nhà, họ bảo rằng khi các cuộc bắn phá của quân đội Israel ngừng lại thì tôi có thể về", anh nhớ lại.

Manee là một trong 23 con tin người Thái Lan được thả theo thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một tuần giữa Israel và Hamas. Đây là tin tức mà cha anh, Chumporn Jirachart, người từng là công nhân nhập cư ở Israel cách đây một thập kỷ, mong chờ nhất kể từ khi con trai ông bị bắt.

"Sáng hôm đó, một người bạn ở Israel gọi tôi và thông báo rằng họ đang thả con tin và con trai tôi là một trong số đó", ông kể. "Tôi không tin nên bảo anh ta gửi bằng chứng. Anh ấy gửi cho tôi ảnh chụp màn hình tin tức và đúng là con trai tôi thật! Tôi cảm thấy vỡ òa hạnh phúc".

Vào thời điểm bị bắt cóc, Manee đang trong những tháng cuối cùng của hợp đồng lao động 5 năm tại Israel, nơi anh làm việc tại một trang trại gần Dải Gaza.

Anh cùng nhóm con tin được thả đầu tiên trở về Thái Lan vào đầu tháng 12. Manee sau đó đoàn tụ với gia đình ở quê hương Ban Dung, thuộc tỉnh đông bắc Udon Thani.

Udon Thani cách Israel khoảng 7.000 km nhưng lại có mối gắn kết đặc biệt với quốc gia Trung Đông. Hơn 4.000 người dân địa phương đang làm việc ở Israel với tư cách lao động nhập cư.

Khoảng 30.000 lao động Thái Lan đã đến Israel trước khi xung đột nổ ra, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Công dân Thái Lan là nhóm lao động nhập cư lớn nhất của Israel.

Họ bị hấp dẫn bởi mức lương cao, lên tới 1.800 USD một tháng, gấp khoảng 50 lần thu nhập tối thiểu ở quê nhà. Tuy nhiên, công việc này cũng tiềm ẩn rủi ro khi xung đột trong khu vực đã có từ nhiều thập kỷ trước.

Hôm 7/10, ít nhất 240 người đã bị bắt làm con tin khi Hamas đột kích miền nam Israel và khiến 1.200 người thiệt mạng. Trong số đó, Hamas đã giết chết 29 công dân Thái Lan và bắt cóc 32 người.

Để đáp trả, Israel mở một chiến dịch tấn công quy mô lớn vào Dải Gaza, khiến hơn 15.000 người thiệt mạng, theo cơ quan y tế khu vực do Hamas kiểm soát.

Lệnh ngừng bắn từ ngày 24 đến 30/11 đã mang đến một khoảng thời gian bình ổn, tạo điều kiện để hai bên tiến hành trao đổi con tin và tù nhân.

2 Con Tin Thai Lan Ke Ve 50 Ngay Bi Hamas Bat

Những công dân Thái Lan đầu tiên được Hamas thả có mặt tại sân bay Suvarnabhumi, thủ đô Bangkok, Thái Lan, hôm 30/11. Ảnh: Reuters

Thái Lan đã hy vọng rằng với 23 công dân được thả trong thời gian ngừng bắn, những người còn lại sẽ sớm tự do. Nhưng khi giao tranh tiếp tục nổ ra và xung đột chưa có hồi kết, mối lo ngại về số phận 9 người Thái còn lại ngày càng lớn hơn.

Tại ngôi làng của Manee, bà Kanmee Lamnau theo dõi chuyến trở về quê hương của anh bằng cả niềm hy vọng lẫn tuyệt vọng.

Con trai cả của bà, Surasak Lamnau, cũng đang làm việc ở Israel khi giao tranh nổ ra và bà không thể liên lạc được với anh kể từ đó.

"Tôi đã hỏi đồng nghiệp của con trai ở Israel xem họ có nhìn thấy nó không. Họ bảo rằng họ không thấy con tôi", bà cho hay. "Sau đó, tôi đăng thông tin lên mạng. Có người nhận ra nó và nói rằng con trai tôi đã bị bắt cóc".

Cơ quan phụ trách lao động tỉnh Udon Thani đã chuyển cuộc tìm kiếm con trai của người góa phụ 51 tuổi tới tận Bộ Ngoại giao ở Bangkok. Tuy nhiên, tất cả đều không mang lại kết quả.

Chính quyền Thái Lan cho biết Surasak không nằm trong số các con tin Thái Lan còn bị giam ở Gaza, nhưng cũng không thuộc danh sách 39 người thiệt mạng đã được xác nhận. Anh vẫn nằm trong nhóm "mất tích".

Kanmee khẳng định bà sẽ không bỏ cuộc. "Tôi vẫn còn hy vọng", bà nói. "Bởi vì trong nhóm bị bắt cùng Surasak), hai người đã được thả".

Kể từ sau xung đột, hơn 9.000 công dân Thái Lan tại Israel đã trở về nhà. Để khuyến khích thêm nhiều người làm như vậy, chính phủ Thái Lan đã hứa bồi thường và cung cấp các ưu đãi khác, nhưng chúng chỉ bằng một phần nhỏ so với số tiền người lao động có thể kiếm được ở Israel.

Mỗi người trở về có thể nhận khoản hỗ trợ 1.400 USD từ chính quyền và cũng được hưởng khoản vay ưu đãi trị giá 4.200 USD.

Các quan chức lao động cho biết họ đang giúp những người trở về thích nghi với cuộc sống, nhưng sẽ mất thời gian.

"Tỉnh, thông qua Bộ nông nghiệp hoặc Bộ Thương mại, sẽ giúp thúc đẩy các lựa chọn nghề nghiệp cho người trở về để họ có việc làm và thu nhập phù hợp với kỹ năng nông nghiệp của mình", giám đốc văn phòng việc làm tỉnh Udon Thani Anuthep Sridawruang nói.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều lao động Thái Lan chọn ở lại Israel do bị thu hút bởi mức lương cao.

Nhưng đối với Manee, những gì vừa trải qua đã khiến anh từ bỏ ý định quay lại Israel làm việc mặc dù đã được đề nghị gia hạn hợp đồng.

"Họ nói rằng tôi có thể trở lại bất cứ khi nào tình hình lắng dịu và họ sẽ gia hạn hợp đồng của tôi thêm một hoặc hai năm nữa", anh cho hay. "Nhưng tôi không nghĩ mình sẽ quay lại sau tất cả mọi chuyện. Nếu tôi muốn làm việc ở nước ngoài thì đó sẽ là một quốc gia khác".

Vũ Hoàng (Theo CNA)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài