Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là hai cường quốc bất đồng sâu sắc nhất, Mỹ và Trung Quốc được dự đoán tiếp tục là tác nhân định hình bức tranh quan hệ quốc tế năm 2021.

Chính quyền của ông Biden (phải) được dự đoán sẽ tiếp tục đối đầu Trung Quốc của ông Tập trong năm 2021 - Ảnh: NIKKEI ASIA

Thế giới tạm biệt năm 2020 với những trải nghiệm không vui về tình hình dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19). Truyền thông quốc tế dự đoán đại dịch sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc tới bối cảnh kinh tế, xã hội và chính trị toàn cầu. Đây sẽ là nhân tố khiến các quốc gia cân nhắc trong chính sách đối ngoại, vốn dĩ chịu tác động lớn từ cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc.

Chờ bước đi của ông Biden

Trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang với những biểu hiện công khai trong chiến tranh thương mại, vụ bắt giám đốc tài chính Công ty Huawei, hay việc Mỹ gửi thông điệp bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông lên Liên Hiệp Quốc.

Nói cách khác, cạnh tranh Mỹ - Trung xuất hiện gần như ở mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, quân sự lẫn cuộc đua công nghệ 5G. Với sức mạnh kinh tế cùng tầm ảnh hưởng, chuyển động trong chính sách của Mỹ và Trung Quốc, cũng như sự cạnh tranh của hai bên, đều sẽ là tâm điểm chú ý của quốc tế.

425 1 Cuoc Doi Dau My   Trung Se Lam Thay Doi Quan He Quoc Te Trong Nam 2021

Điểm nóng đầu tiên thu hút dư luận sẽ là chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Nhiều người cho rằng ông Biden sẽ đảo ngược những chính sách đậm màu lợi ích quốc gia của ông Trump, quay về với hình ảnh một nước Mỹ gần gũi hơn với đồng minh và cộng đồng quốc tế.

Trong một phân tích ngày 21-12, Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), một trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại New York (Mỹ), nhận định ông Biden có thể sẽ nhanh chóng quay lại các cam kết về vấn đề y tế và môi trường như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay Tổ chức Y tế thế giới. Trong khi đó, các vấn đề như thương chiến với Trung Quốc sẽ tạm bị gác lại. 

CFR cho rằng hành động cứng rắn của ông Trump đã tạo một số lợi thế cho ông Biden trước Trung Quốc, nhưng chính quyền Biden sẽ phải tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết tình hình chính trị - xã hội trong nước cũng như "chia lửa" cho các điểm nóng khác như tình hình hạt nhân ở Triều Tiên và Iran.

Tương ứng, giới quan sát cũng sẽ tập trung vào cách hành xử của Trung Quốc trong năm 2021. Thời gian qua, Bắc Kinh tỏ ra không nhân nhượng trong những bất đồng về đối ngoại khi hàng loạt tranh cãi và xung đột liên quan tới nước này: biểu tình Hong Kong, vấn đề Đài Loan, căng thẳng biên giới với Ấn Độ, tranh cãi về điều tra nguồn gốc virus với Úc, tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông và thương chiến với Mỹ. CFR cho rằng trọng tâm sẽ nằm ở cách Trung Quốc ứng xử với phần còn lại.

Trật tự mới

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc góp phần quan trọng ảnh hưởng tới chính sách của phần còn lại. Vì vậy, năm 2021 cũng được kỳ vọng sẽ chứng kiến thay đổi trong trật tự, các mối quan hệ quốc tế.

Sau khi chính thức Brexit, Anh bắn tín hiệu thúc đẩy các mối quan hệ và thị trường thay thế. Nước Anh đã xích lại gần châu Á và Đông Nam Á nói riêng, thể hiện qua ký kết thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam cũng như bày tỏ ý định gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Tương tự, nhiều nghiên cứu chỉ ra Brexit và cạnh tranh Mỹ - Trung là nhân tố thúc đẩy EU "xoay trục" về châu Á.

"Tự do thương mại sẽ tiếp diễn, chỉ là không bao gồm chính quyền Mỹ. Các đối tác lớn của Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ thương mại bằng việc tăng cường đàm phán với các quốc gia trong nỗ lực đảm bảo thị trường xuất khẩu mới, vốn đang là đối tượng hoặc bị đe dọa từ loạt thuế quan của Mỹ. Hiệp định thương mại Việt Nam - EU là một ví dụ" - ông Steven Okun, cố vấn cấp cao của Công ty tư vấn chiến lược quốc tế McLarty Associates, nói với Tuổi Trẻ.

Ngoài ra, cả Anh lẫn EU đều thúc đẩy sự hiện diện ở châu Á trong lĩnh vực chính trị và an ninh. Anh, Pháp và Đức đã công khai thể hiện lập trường phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

5 điểm nóng

1: Cuộc chiến 5G

Trung Quốc hôm 28-12 cho biết sẽ xây dựng thêm 600.000 trạm phát 5G vào năm 2021. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ đối diện thử thách lớn trong việc phát triển mạng thế hệ mới này, giữa bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xem các công ty viễn thông lớn của Trung Quốc như Huawei hay ZTE như những mối đe dọa tiềm tàng tới an ninh mạng và vận động đồng minh "tẩy chay" các hợp đồng cung cấp cơ sở hạ tầng.

2: Biển Đông

Trong năm 2020, tình hình Biển Đông thu hút sự quan tâm lớn từ các "cuộc chiến công hàm". Các nước phương Tây đã vào cuộc với những thông điệp bác yêu sách của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Trong năm 2021, đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ tiếp tục và được xem là một trong những giải pháp xử lý tranh chấp hữu hiệu.

3: Môi trường & biến đổi khí hậu

Sức ép dành cho chính phủ các nước về vấn đề môi trường đã tăng lên đáng kể trong nhiều năm gần đây. EU tỏ ra là bên quan tâm nhất tới môi trường, biến đổi khí hậu và nhiều khả năng sẽ tiếp tục "chèn" các điều khoản về môi trường vào bất kỳ thỏa thuận nào của khối này với đối tác.

4: Tình hình hạt nhân

Giới quan sát cho rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ sớm tìm cách nhắc nhở chính quyền ông Biden về thỏa thuận hạt nhân dang dở. Tương tự, chương trình hạt nhân Iran cũng như thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) cũng đứng trước thời khắc tái sinh hay sụp đổ hoàn toàn.

5: Các cuộc bầu cử

Năm 2021 có nhiều cuộc bầu cử quan trọng, điển hình tại Đức. Đó sẽ là thời điểm người Đức bước vào cuộc bầu cử đầu tiên sau 16 năm mà không có Thủ tướng Angela Merkel. Với những nhà quan sát ủng hộ chủ nghĩa đa phương, cuộc bầu cử này sẽ là lời giải cho câu hỏi liệu các đảng cực hữu và chủ nghĩa dân tộc có chiếm ưu thế hay không.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2025 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài