Tỷ phú Jack Ma - người sáng lập Alibaba. Ảnh: Reuters
Theo Tạp chí Phố Wall (WSJ), giá trị tài sản ròng của tỷ phú Jack Ma đã giảm từ mức đỉnh 61,7 tỷ USD đầu năm nay xuống còn 50,9 tỷ USD. Sự sựt giảm này đã khiến ông rơi xuống vị trí thứ 25 trong bảng danh sách 500 người giàu nhất thế giới, và hiện ông là người giàu thứ 4 tại Trung Quốc.
Những rắc rối của ông trùm công nghệ xuất hiện kể từ khi ông chuẩn bị đưa tập đoàn Ant Group do ông đồng sáng lập và là đơn vị phụ trách vận hành dịch vụ thanh toán điện tử Alipay lên sàn chứng khoán. Động thái IPO (phát hành lần đầu ra công chúng) đã bị các nhà chức trách Trung Quốc đình chỉ hai ngày trước thời điểm lên sàn dự kiến vào đầu tháng 11. Sự việc này đã khiến giá cổ phiếu của Alibaba lao dốc. Tập đoàn Alibaba do Jack Ma thành lập sở hữu khoảng 33% cổ phần trong Ant Group.
Không chỉ vậy, tuần trước, cơ quan quản lý chống độc quyền của Trung Quốc cũng đã mở một cuộc điều tra đối với Alibaba về các hoạt động độc quyền. Tập đoàn này bị nghi ngờ buộc các doanh nghiệp bán hàng hóa trên nền tảng thương mại của Alibaba không được sử dụng nền tảng của đối thủ.
Ngày 26/12, tập đoàn Ant Group đã bị Ngân hàng nhân dân Trung Quốc và các cơ quan quản lý khác triệu tập. Sau cuộc họp, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc thông báo họ yêu cầu nền tảng thanh toán điện tử này thay đổi một số hoạt động và cải thiện cách quản trị công ty, chấn chỉnh nghiêm ngặt các hoạt động tài chính tín dụng, bảo hiểm và quản lý tài sản bất hợp pháp.
Theo các quan chức Trung Quốc và một số cố vấn chính phủ nắm rõ vấn đề này, Bắc Kinh đang tìm cách thu hẹp đế chế tài chính và công nghệ của Jack Ma, cũng như có khả năng giành cổ phần lớn hơn trong các doanh nghiệp của ông. Trước đó, Quỹ hưu trí quốc gia của Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và China International Capital Corp - ngân hàng đầu tư quốc doanh hàng đầu của đất nước - là những nhà đầu tư tại tập đoàn Ant Group.
Tuy nhiên, một trong những thách thức mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt khi nhắm đến các nhà sáng lập công nghệ nước này là phải cân bằng trong hành động, vừa tìm cách giữ những doanh nhân như Jack Ma trong tầm kiểm soát vừa không làm tổn hại tinh thần đổi mới giúp thúc đẩy sự trỗi dậy về công nghệ và kinh tế của Trung Quốc.
Không thể phủ nhận sự đóng góp của các công ty do Jack Ma thành lập trong nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Hai công ty Ant và Alibaba đã cho phép hàng trăm triệu người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc mua hàng, gửi tiền, thực hiện đầu tư hoặc vay tiền chỉ bằng một lần chạm tay.
Được hưởng lợi từ các quy chế tương đối nhẹ nhàng của quốc gia đối với ngành công nghệ thông tin, các công ty của Jack Ma đã thách thức sự thống trị của nhà nước trong các lĩnh vực như ngân hàng và quản lý tiền tệ.
“Mục đích là để kiềm chế Mã Vân (tên Trung Quốc của Jack Ma). Việc này giống như đặt dây cương lên con ngựa vậy”, một cố vấn của ủy ban chống độc quyền thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc so sánh.
Jack Ma cùng đế chế Alibaba không phải là nạn nhân công nhệ duy nhất bị ảnh hưởng trong đợt thắt chặt kiểm soát các công ty công nghệ của Bắc Kinh. Trong một vài tháng trở lại đây, giới chức đã cam kết thắt chặt quy định đối với lĩnh vực Internet đang ngày càng phát triển về quy mô và tác động. Một số ông lớn công nghệ cũng đang bị giám sát, bao gồm Tencent - nhà điều hành ứng dụng mạng xã hội WeChat - và công ty gọi xe Didi Chuxing.
Bảo Hà
Nguồn: baotintuc.vn