Khi Nga, một cường quốc quân sự, “nói nhiều người nghe, đe lắm kẻ sợ” nay phải mượn tay đám “Côn đồ quốc tế” đến để giải phóng nhà mình, thì đó không chỉ là một sự sỉ nhục, mà nó phản ánh sự tuyệt vọng không thể cứu vãn.

1 Khi Cuong Quoc Phai Nho Den Tay Con Do

Cường quốc Nga?

Không phải cho đến bây giờ, không phải gần đây, mà từ xa xưa, những thông tin về một “Liên bang Xô Viết vĩ đại” là thành trì của Chủ nghĩa Xã hội, với những lời khẳng định chắc nịch về tính hơn hẳn trong cuộc “Ai thắng ai” giữa hệ thống XHCN và Tư bản.

Những điều này đã tạo ra cho các dân tộc, các đất nước bị lây nhiễm cái gọi là “Học thuyết Mác – Lenin, với những bộ máy tuyên truyền khổng lồ đã đem đến cho dân chúng niềm tin, những sự mù quáng về một đất nước, về một hệ thống xã hội. Ở đó chỉ có sự chiến thắng của văn minh tiến bộ với nghèo nàn lạc hậu, ở đó chỉ có sự hơn hẳn giữa công cụ sản xuất tiên tiến có năng suất cao với công cụ sản xuất kém cỏi để bóc lột giá trị thặng dư một cách tàn bạo nhất có thể của các tập đoàn tư bản.

Trên hết, nó tạo ra một tư duy về một thế giới có hai thế lực rõ rệt giữa Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Tư Bản, trong đó, mọi thứ xấu xa đều được dành cho Chủ nghĩa Tư bản và nó đang trong đêm đen “giãy chết” để chuẩn bị cho ngày ánh sáng XHCN bừng sáng trên khắp thế giới.

Với tư duy và cách nghĩ đó, Liên Xô được coi là một mẫu gương, một “thành trì” để các quốc gia đàn em trông cậy, hy vọng và dựa dẫm trên con đường “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa Xã hội”. Để rồi qua đó, các quốc gia ăn theo, với thân phận chư hầu sẵn sàng nhận vai trò là “Tiền đồn của Phe XHCN” ở các khu vực trên thế giới như Việt Nam tại Đông Nam Á và Cuba hay các quốc gia Mỹ Latinh…

Với nền kinh tế tập trung, duy ý chí của cả hệ thống cộng sản, kể từ khi Liên bang Xô viết được thành lập, bao gồm cả hơn chục quốc gia, dồn mọi nguồn lực cho sản xuất vũ khí, tập hợp cả trí tuệ, tài nguyên của khối cộng sản nhằm chạy đua vũ trang, hệ thống vũ khí và tiềm lực quân sự của Liên Xô và khối cộng sản đã phát triển và tích lũy đến mức đáng sợ. Đặc biệt là hệ thống vũ khí hạt nhân, Liên Xô đã đứng đầu thế giới về số lượng đầu đạn hạt nhân.

Đã có một thời Liên bang Xô Viết từng thách thức cả thế giới phương Tây trong cuộc chiến tranh lạnh kéo dài. Mọi con mắt, tâm hồn cũng như suy nghĩ của những người dân trong các quốc gia bị thâm nhập của Chủ nghĩa Cộng sản nói chung đều hướng về Liên Xô và nước Nga xa xôi ấy.

Những thông tin qua hệ thống tuyên truyền cộng sản toàn thế giới đã đến với mọi người dân ở các dân tộc khác là một Liên Xô, hiện thân của Thiên đường tại trần thế.

Vẫn còn đầy rẫy trên các trang báo chí của Việt Nam tuyên truyền cho Chủ nghĩa Cộng sản Liên Xô trước đây. Rằng: “Một số thành tựu của Liên Xô về các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội…thời gian này đã vượt xa các nước phương Tây như: Anh, Pháp, Mỹ; Đức…”.

Thế rồi như một quy luật không thể cưỡng nổi, hệ thống Cộng sản trên thế giới đua nhau đổ sụp không thể chống đỡ, Liên Bang Xô Viết bỗng chốc tan thành các quốc gia độc lập, khối cộng sản đua nhau bỏ chạy khỏi con đường quá độ tiến lên CNXH để quay về với thế giới văn minh, tiến bộ và dân chủ.

Khi đó, nước Nga được thừa hưởng hầu hết mọi tiềm năng, tài sản và đặc biệt là vị thế cũng như thành quả mấy chục năm của hệ thống Liên bang Xô Viết.

Có thể nói, nước Nga đã từng được coi là một cường quốc về nhiều mặt, không chỉ về quân sự, mà đã một thời được coi như là một quốc gia mạnh mẽ về tiềm năng khoa học, giàu có về tài nguyên và có một nền văn hóa lâu đời.

Ngày 2/3/2018, tại Kaliningrad, khi được phóng viên một tờ báo trong nước hỏi rằng: “Nếu có cơ hội, ông muốn thay đổi điều gì trong lịch sử của nước Nga?”, Tổng thống Nga Vladmir Putin trả lời: “Sẽ tìm cách ngăn Liên Xô tan rã”.

Đó là một sự tiếc nuối của kẻ thống trị muốn khôi phục lại ngai vàng bá chủ thế giới, là một khát vọng làm đại đế, sa hoàng.

Và với tư duy không thay đổi về sự bành trướng, về tham vọng cá nhân, về sự coi thường cả thế giới, đặc biệt là với tư duy độc tài vốn có trong máu huyết cộng sản, Putin đã đưa nước Nga trở lại nguyên hình là một quốc gia xâm lược.

“Cuộc chiến 3 ngày” và cái giá thực?

Ngày 24/2/2022, Putin xua đội quân đông đúc hàng trăm ngàn, (mà trước đó khi bị cảnh báo, Putin leo lẻo rằng chỉ để tập trận) với đủ loại trang thiết bị, vũ khí hiện đại qua biên giới, tổng tấn công xâm lược Ukraine.

Cuộc chiến mà Nga đã phát động tưởng chừng chỉ có một chớp ngắn về thời gian trong vòng một vài tuần lễ theo kế hoạch của Putin. Putin tự tin đến mức, người ta kể rằng trong đội quân xâm lược ấy, còn có cả đội quân nhạc và nghi lễ chuẩn bị cho cuộc diễu binh mưng chiến thắng tại Kiiv mấy ngày sau đó khi cuộc xâm lược thành công.

Thế nhưng, sự đời không như mơ.

2 Khi Cuong Quoc Phai Nho Den Tay Con Do

Đến nay, đã kéo dài sắp tròn ba năm mà vẫn chưa có hy vọng kết thúc. Trái lại, nó đang phát triển với những tình tiết và biến động mới làm thế giới lo ngại.

Người ta lo ngại, bởi những năm tháng qua, đất nước Ukraine xinh đẹp, được xây dựng từ bao đời nay bỗng chốc hàng loạt khu vực biến thành gạch vụn, sự sống bị thay thế bằng sự tàn phá, bằng đạn bom, mìn bẫy.

Người ra lo ngại, bởi sự dã man, tàn bạo mà Putin, một nguyên sĩ quan KGB của Cộng sản Xô Viết với vai trò Tổng thống Nga hiện nay, đã tiến hành một cuộc chiến hủy diệt sự sống trên một quốc gia láng giềng và hiện nguyên hình là một tội phạm chiến tranh bị truy nã.

3 Khi Cuong Quoc Phai Nho Den Tay Con Do

Trước hết, những con số về thương vong được hai phía đưa ra làm người ta giật mình về quy mô của sự tàn bạo trong cuộc chiến này.

Những thông tin từ Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết: Đến nay, số binh lính Nga chết trên chiến trường Ukraine đã gần 700.000 người, với hơn 9.000 xe tăng và hơn 600 máy bay, trực thăng bị phá hủy cũng như hàng vạn các phương tiện chiến tranh khác.

Người ta sẽ giật mình, nếu nhớ lại điều này: Trong 10 năm của cuộc chiến do Liên Xô tiến hành tại Apganixtan, số thương vong của binh lính Liên Xô là 16.000 người. Như vậy, về thương vong, con số tại cuộc chiến nay đã vượt gấp 150 lần. Đó là máu xương, là tính mạng người dân Nga được Putin đem sử dụng cho mưu đồ của mình như một trò chơi, cho thỏa mãn cái tư duy, hành vi xâm lược.

Con số thiệt hại khổng lồ về các tài nguyên, thiết bị quân sự khác đi cùng với những hậu quả khổng lồ mà cả hơn trăm triệu dân Nga đã và đang phải chịu khi bị cả thế giới văn minh, tiến bộ tẩy chay, trừng phạt đã đem lại cho xã hội Nga nhiều bước lùi ngoài dự đoán của những chiếc đầu nóng tại Moscow. Người ta cho rằng, hậu quả trước mắt là sự cô lập mọi mặt của Nga trên trường Quốc tế, và nó sẽ kéo lùi sự phát triển của đất nước Nga về phía sau hàng chục năm.

Hẳn nhiên, phía Ukraine cũng đã chịu những thiệt hại khổng lồ về mọi mặt. Đó là điều không thể tránh khỏi khi phải đối diện với một kẻ thù, một tên xâm lược tàn bạo đến đất nước mình.

Những tổn thất, những thiệt hại mà phía Ukraine phải chấp nhận, là cái giá phải trả cho sự lựa chọn không thể khác giữa tự do và nô lệ, khác hẳn với sự lựa chọn của Putin là xâm lược, cướp nước và trở lại hòa bình.

Tại cuộc chiến này, đó là một tính toán hết sức phiêu lưu và sai lầm.

Bởi ở cuộc chiến này, Putin và tập đoàn Moscow đối diện với không chỉ là một quốc gia nhỏ hơn mình về mọi mặt, nhưng ở đó, họ có những điều mà Putin không thể lường hết. Đó là tình thế lựa chọn giữa tự do và nô lệ, giữa mất nước và độc lập, giữa cơ đồ dân tộc và sự xâm lăng… Đó là phẩm giá dân tộc, là tinh thần yêu nước, sự quật cường và trí tuệ của người Ukraine không chịu khuất phục trước kẻ thù mạnh hơn mình nhiều lần.

Đặc biệt, Putin đã đối đầu với hầu hết cả thế giới văn minh, tiến bộ không thể chấp nhận hành động ăn cướp một cách trắng trợn khi chính Nga đang là một thành viên, là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc. Đó là một sự sỉ nhục, sự coi thường với mọi tiêu chuẩn, nguyên tắc xã hội mọi mặt trên thế giới.

Nhưng, với ảo tưởng về sức mạnh của mình, Putin đã tự tin xua quân xâm lược Ukraine với khí thế tưởng chừng như có thể ăn tươi, nuốt sống một đất nước, một dân tộc như Putin đã từng làm trước đó với một số quốc gia khác.

Thui ra mới biết béo, gầy

Người ta cứ tưởng rằng với cơ đồ được để lại từ thời mà cả hơn chục nước Cộng hòa thuộc Liên xô dồn mọi sức lực, trí tuệ, tài nguyên và tiền của cho nước Nga, Cộng với cả khối cộng sản khắp thế giới cung phụng và tự nguyện làm chư hầu cho Liên Xô, thì Nga, sẽ có một cơ đồ vĩ đại đủ sức đương đầu không chỉ với Mỹ mà với cả khố NATO hùng mạnh để làm bá chủ thế giới mà không ai có thể ngăn chặn như những nhà tuyên truyền Moscow thường vênh vang.

Thế nên những cuộc chiến do Putin phát động xâm lăng các quốc gia láng giềng đã trở nên suôn sẻ bởi không chỉ với tiềm lực quân sự, kinh tế, quy mô mà còn có sự góp phần bởi sự thị uy từ hệ thống tuyên truyền.

Nhưng, sự thật đã được phơi bày ba năm qua tại chiến trường Ukraine về những cái gọi là thành tựu, là sức mạnh và những điều bị che giấu, nước Nga đã bị lột truồng trước thiên hạ về mọi mặt.

Về mặt quân sự, nền quốc phòng được tuyên truyền, được xây dựng gần cả thế kỷ qua đã từng hăm dọa cả thế giới, nay chỉ qua 3 năm của cuộc chiến, đã cho thấy sự kiệt quệ và yếu kém của nó. Những đoàn xác xe tăng, thiết bị quân sự, máy bay cũng như các loại vũ khí khác trên mọi miền đất nước Ukraine đã chứng minh thế nào là “sức mạnh của vũ khí Nga” đã tạo nên huyền thoại ra sao.

Nhưng hình ảnh của những chiếc xe tăng T-34 đã từng tham gia thế chiến lần thứ 2 và các thiết bị cùng thời đó, nay được kéo vào trận chiến hiện tại.

Con số trăm ngàn máy bay không người lái Nga buộc phải mua của Iran, các loại vũ khí và hàng triệu quả đạn pháo Nga phải mua từ Bắc Triều Tiên dù chất lượng kém đủ cho thấy về vũ khí Nga đã kiệt quệ đến mức nào.

Không chỉ có vậy, hệ thống phòng không, không quân và đặc biệt là hải quân Nga, là niềm tự hào, là cơ sở để Nga vênh vang trên thế giới, nay đã tự lặn mất tăm với cuộc chiến này.

Hàng trăm ngàn quân số được huy động qua các chiến dịch bắt lính rầm rộ làm công dân Nga chạy tán loạn, cũng không đủ để đổ vào thay thế lượng binh lính được đem sang làm phân bón ở Ukraine. Nga đã phải huy động một lượng lớn tù nhân ra trận.

Putin ký luật miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo đang phục vụ trong quân đội. Và điều này, ngay lập tức xã hội Nga nhận hậu quả khủng khiếp khi tội phạm trở về tung hoành giữa xã hội Nga, công khai gây tội ác.

Điều đặc biệt nhất là Nga, một “Cường quốc quân sự và kinh tế”, sức mạnh Nga đủ để răn đe mọi kẻ thù đến mức chưa ai dám nghĩ đến việc tấn công lãnh thổ Liên Bang Nga.

4 Khi Cuong Quoc Phai Nho Den Tay Con Do

Nhưng, kể từ ngày 6/8/2024, lãnh thổ Nga đã bị chính quân đội Ukraine chiếm đóng mà đến nay, hết hạn lần này đến lần khác, Putin tìm mọi cách để gỡ không ra. Đấy là một vết nhơ trong lịch sử của nước Nga.

Đó là những hậu quả nhãn tiền mà Putin đã và đang mang lại cho nước Nga, chỉ bởi cái thói độc tài và chuyên quyền kết hợp tham vọng vô độ của mình.

Nga đang tuyệt vọng

Những thông tin từ cuộc chiến Ukraine với những bước phát triển mới gây nhiều lo lắng cho những người yêu chuộng hòa bình thế giới. Dù Nga và Bắc Triều Tiên vẫn leo lẻo chối, nhưng thế giới đã có nhiều thông tin rằng: Bắc Triều Tiên đã đưa hàng ngàn quân sang Nga để tham gia cuộc chiến xâm lược tại Ukraine. Như vậy, việc hợp tác giữa Nga và Bắc Triều Tiên đã nâng lên một bước mới, sau nhiều thông tin về việc Nga đã phải cầu viện đến Bắc Triều Tiên về vũ khí và đạn được.

Và nay, thì không chỉ có vũ khí, mà Nga đã chính thức vay máu của người dân Triều Tiên trong cuộc chiến xâm lược này.

Nếu như ngày trước, Trung Cộng đã đưa quân vào Bắc Triều Tiên để “đánh Mỹ viện Triều”, để cho đến bây giờ Bắc Triều Tiên vẫn mang một món nợ bằng máu không thể trả cho đàn anh Trung Quốc… Thì ngày nay, Nga, một “Cường quốc quân sự” đã không thể duy trì được cuộc xâm lược của mình, trái lại còn bị chính Ukraine, là quốc gia đầu tiên mang quân vào lãnh thổ Nga kể từ cuộc chiến thế giới thứ 2 cho đến nay và Nga buộc phải muối mặt nhờ Bắc Triều Tiên đến “giải phóng”.

Cái bóng Liên Xô một thời bao trùm cả khối Cộng sản, trở thành bá chủ của nửa thế giới, đã thôi thúc Putin phiêu lưu vào cuộc xâm lược đầy bất trắc này. Và ngày nay, giấc mộng bá quyền đó đã trở thành một hành vi của sự tuyệt vọng khi lực bất tòng tâm.

Thế nên, khi một cường quốc quân sự, “nói nhiều người nghe, đe lắm kẻ sợ” nay phải mượn tay đám “Côn đồ quốc tế” đến để giải phóng nhà mình, thì đó không chỉ là một sự sỉ nhục, mà nó phản ánh sự tuyệt vọng không thể cứu vãn.

Nguyễn Hữu Vinh


© 2025 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài