Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội gần đây cho thấy một xe tải dân dụng của Nga được gắn hệ thống rocket chống ngầm RBU-6000 (Smerch-2) tại địa điểm gần làng Krynky ở bờ đông sông Dnieper, tiền tuyến mới tại mặt trận Kherson trong xung đột Nga - Ukraine.
Bệ phóng rocket này được gá lên khung thân xe tải bằng hai thanh gỗ, phần cabin xe dường như được lắp các tấm thép tự chế để tăng khả năng chống đạn.
Đây không phải lần đầu tiên Nga gắn bệ phóng rocket RBU-6000 lên phương tiện trên bộ trong xung đột ở Ukraine. Tổ hợp này trước đó từng được gắn lên thiết giáp đa dụng MT-LB của Nga, theo hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội hồi tháng 9.
Hệ thống rocket chống ngầm RBU-6000 gắn trên xe tải trong bức ảnh đăng hôm 26/11. Ảnh: X/Raging 545
Được quân đội Nga biên chế năm 1961, hệ thống rocket RBU-6000 gồm 12 ống phóng cỡ nòng 213 mm, khai hỏa rocket RGB-60 nặng hơn 110 kg và có đầu nổ chạm 25 kg, tầm bắn gần 6 km. Tổ hợp được điều khiển từ xa, có thể phóng từng quả hoặc theo loạt. Đạn rocket được nạp tự động vào ống phóng nhờ hệ thống đặt bên dưới thân tàu.
RBU-6000 có góc bắn từ -15 đến 60 độ theo chiều dọc, có thể xoay 180 độ theo chiều ngang, tốc độ quay tối đa 30 độ một giây. Tổ hợp sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực Burya, nhắm mục tiêu dựa vào tham số do hệ thống định vị thủy âm của tàu chiến cung cấp, chuyên đối phó với tàu ngầm đối phương.
Hệ thống 60 năm tuổi này có thể được lắp đặt trên nhiều loại tàu chiến như tàu hộ vệ, tàu khu trục, tuần dương hạm, hiện vẫn được sử dụng rộng rãi trong hải quân Nga và một số quốc gia khác.
Bệ rocket chống ngầm RUB-6000 được lắp đặt trên chiến hạm Nga. Ảnh: TASS
Chuyên gia Axe cho biết khi được gắn lên phương tiện trên bộ, RBU-6000 có thể đóng vai trò như súng cối cỡ lớn với khả năng khai hỏa theo loạt. Học thuyết quân sự của Nga cũng đề cập tới việc sử dụng RBU-6000 gắn trên tàu chiến trong nhiệm vụ bắn phá bờ biển.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự David Axe của Forbes cho rằng RBU-6000 sẽ không thể phát huy hết hiệu quả khi được sử dụng để tác chiến trên bộ, bởi nó sẽ không thể sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực Burya và phải nhắm bắn thủ công, rất khó có thể khai hỏa chính xác mục tiêu.
"Thiết giáp MT-LB ít nhất vẫn là một phương tiện tương đối vững chãi để gắn bệ phóng rocket", Axe nhận định. "Còn việc gá giàn phóng RBU-6000 lên xe tải dân dụng là phương án tồi tệ nhất có thể". Tổ hợp này cũng rất dễ tổn thương bởi các đòn đánh từ trên không, đặc biệt là máy bay không người lái (UAV).
Giao tranh quanh sông Dnieper gần đây gia tăng sau khi lực lượng Ukraine vượt sông thành công và thiết lập được đầu cầu ở bờ đông vào giữa tháng 11.
Cả hai bên đều hứng chịu thiệt hại nặng và cần được bổ sung nhân lực, khí tài, nên các biện pháp tình thế như lắp giàn phóng rocket lên xe tải vẫn có thể mang lại hiệu quả nhất định, dù không phải là phương án thật sự hợp lý về mặt kỹ thuật.
Vị trí sông Dnieper. Ảnh: RYV
Phạm Giang (Theo Forbes)
Nguồn: VNEXPRESS.NET