Đại dịch COVID-19 đã phơi bày những lỗ hổng trong hệ thống an sinh xã hội của châu Âu vốn thường được coi là đạt tiêu chuẩn vàng.

425 1 Lo Hong He Thong An Sinh Xa Hoi Cua Chau Au Bi Phoi Bay

MATTIAS BERG/FLICKR

Cứ đến mỗi mùa Giáng sinh, bà Ros Davie (50 tuổi) – một thợ mộc tự do – luôn bận rộn với những thiết kế sân khấu tổ chức các bữa tiệc và sự kiện. Tuy nhiên, năm nay, đại dịch COVID-19 đã tước đi công việc của bà.

Bà Ros thất nghiệp từ tháng 3 và cho đến thời điểm hiện tại, bà vẫn đang phải sống tạm trong một khu nhà từ thiện dành cho người vô gia cư.

425 2 Lo Hong He Thong An Sinh Xa Hoi Cua Chau Au Bi Phoi Bay

Các gian hàng buộc phải đóng cửa ở chợ Borough (Anh) ngày 2/12 trong bối cảnh lệnh phong tỏa toàn quốc dù đã chấm dứt nhưng vùng Kent vẫn áp đặt lệnh cấm nghiêm ngặt. Ảnh: CNN

“Tôi hy vọng mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp hơn… nhưng chúng ta lại mắc kẹt trong tình cảnh như thế này”, bà Ros chia sẻ với CNN. Kể từ khi không còn làm việc, bà Ros hoàn toàn phải phụ thuộc vào khoản trợ cấp ít ỏi, chỉ 400 bảng Anh/tháng (khoảng 12,2 triệu đồng).

Theo CNN, đại dịch COVID-19 đã phơi bày những lỗ hổng trong hệ thống an sinh xã hội của châu Âu vốn thường được coi là đạt tiêu chuẩn vàng. Trong khi nhiều quốc gia đã triển khai các chương trình hỗ trợ cho những người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch, một bộ phận người dân vẫn rơi vào tình cảnh khó khăn. Những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nhóm lao động có thu nhập thấp, những người không có việc làm ổn định, người trẻ, phụ nữ và các nhóm dân tộc thiểu số.

"Một số hệ thống an sinh xã hội ở châu Âu mở rộng hơn, tiến bộ hơn so với hệ thống ở Mỹ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các chương trình do chính phủ hỗ trợ đã giúp nhiều nước châu Âu tránh tình trạng sa thải hàng loạt. Nhưng tôi nghĩ trong nền kinh tế đại dịch, cú sốc này lớn đến mức chúng áp đảo các hệ thống”, Michael Spence - người từng đoạt giải Nobel và là cựu trưởng khoa kinh doanh của Đại học Stanford - nhận định.

Vào tháng 10/2020, tỷ lệ thất nghiệp ở Liên minh châu Âu (EU) tăng 2,18 triệu người so với cùng thời điểm năm ngoái, từ mức 6,6% lên 7,6%. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, 782.000 người đã mất việc từ tháng 3 đến tháng 10.

Theo Mike Brewer - nhà kinh tế học tại Resolution Foundation, một tổ chức tư vấn của Anh nhằm xóa bỏ sự bất bình đẳng, các hệ thống an sinh xã hội ở nhiều quốc gia đã không thể đối phó được với đợt khủng hoảng y tế năm qua.

Tại các nước, vì những người lao động tự do và lao động bán thời gian vốn dĩ đã có ít quyền lợi trong các hệ thống an sinh xã hội tiền khủng hoảng, nên khi xảy ra sự cố, nhiều chính phủ đã phải đưa ra các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, ngay cả những chương trình này cũng không hiệu quả.

Vương quốc Anh đã triển khai chương trình sa thải nhân viên tạm thời. Khi tham gia chương trình này, người lao động mặc dù tạm dừng làm việc nhưng họ vẫn giữ được công việc của mình. Tuy nhiên, nhiều người lao động tự do hoặc làm việc theo hợp đồng, theo giờ lại không đủ điều kiện để hưởng chế độ này. Nhà kinh tế Brewer lý giải: “Các chương trình được thiết kế vội vàng. Khi đại dịch kéo dài, các lỗ hổng ngày càng rõ và xuất hiện nhiều vấn đề hơn”.

Khách sạn, các chuỗi cửa hàng bán lẻ và cơ sở giải trí bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh. Và chính đây là các lĩnh vực mà phần lớn người lao động là những người trẻ với hợp đồng không chính thức hoặc làm việc bán thời gian.

Tác động bất đối xứng đối với nhóm lao động trên cùng với sự thiếu hỗ trợ của chính phủ đồng nghĩa với tình trạng khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng. Các gia đình có thu nhập thấp có nhiều khả năng mất việc làm và cạn kiệt tiền tiết kiệm, trong khi những hộ có thu nhập cao hơn thì lại được đảm bảo công việc và tiết kiệm nhiều hơn khi chi tiêu ít hơn.

425 3 Lo Hong He Thong An Sinh Xa Hoi Cua Chau Au Bi Phoi Bay

Quán cafe đóng cửa trên Quảng trường Vittorio Veneto ở Turin (Italy) tháng 11/2020. Ảnh: CNN

Các quốc gia phụ thuộc vào du lịch như Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Síp cũng phải đối mặt với tình cảnh tương tự. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, lao động tại lĩnh vực này thường là phụ nữ, thanh niên, người nhập cư và người tỉnh lẻ. Đây là nhóm lao động có tay nghề thấp, công việc không thường xuyên và tạm thời có khả năng bị mất việc làm đầu tiên trong trường hợp khủng hoảng nổ ra.

Abigail Adams-Prassl, Phó giáo sư kinh tế tại Đại học Oxford, cho hay phụ nữ, lao động da màu, châu Á và người thuộc các dân tộc thiểu số khác sẽ có nhiều khả năng bị lãng quên trong hệ thống an sinh xã hội.

Số liệu thống kê của Eurostat cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên EU tăng 404.000 người tính đến tháng 10 năm nay, trong đó tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao nhất xảy ra ở Tây Ban Nha với 41,6%, tiếp đến là Hy Lạp 39,3% và Italy là 31,3%.

Theo Liên đoàn Dịch vụ Công cộng Châu Âu, người lao động nhập cư trên khắp châu Âu phải đối mặt với các điều kiện làm việc không đảm bảo và công việc bấp bênh. Thất nghiệp có thể đồng nghĩa với việc họ mất đi thu nhập, quyền ở lại một nước và thậm chí cả gia đình không được tiếp cận với các khoản phúc lợi xã hội.

Những người di cư không có giấy tờ không đủ điều kiện để hưởng bất kỳ chương trình bảo vệ nào.

 

Bảo Hà/

Nguồn: Báo Tin tức

 


© 2025 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài