Dữ liệu cho thấy đằng sau 1.020 bằng sáng chế của các nhà phát minh tại Trung Quốc là nguồn tài trợ từ... Mỹ.

1 My Vo Tinh Tai Tro Cho Hon 1000 Bang Sang Che Trung Quoc Du Luan Buc Xuc

Cờ Mỹ và Trung Quốc tung bay trên một cột đèn tại khu phố người Hoa ở Boston, bang Massachusetts, Mỹ vào tháng 11-2021 - Ảnh: REUTERS

Ngày 29-8, Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu từ cơ quan cấp bằng sáng chế Mỹ cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và các cơ quan chính phủ khác đã tài trợ cho các nghiên cứu mang lại hơn 1.000 bằng sáng chế cho các nhà phát minh ở Trung Quốc kể từ năm 2010. Trong đó có cả các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ sinh học và chất bán dẫn.

Dữ liệu bằng sáng chế nói trên - chưa từng được công bố trước đây - càng làm dấy lên nhiều lời kêu gọi tại Mỹ về việc hủy bỏ hoặc đàm phán lại Thỏa thuận Khoa học và công nghệ Mỹ - Trung. Đây là thỏa thuận hợp tác mà giới chỉ trích cho rằng mang lại nhiều lợi ích cho đối thủ địa chính trị hàng đầu của Washington.

Văn phòng Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ - cơ quan cấp bằng sáng chế cho các nhà phát minh và doanh nghiệp đối với các sáng chế của họ - đã cung cấp dữ liệu nói trên cho một ủy ban đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ trong tháng này.

Hồi tháng 6, cơ quan này nhận được câu hỏi "liệu việc Mỹ tài trợ có dẫn đến những đột phá của Trung Quốc hay không?", nhằm mục đích nêu bật những rủi ro khi gia hạn thỏa thuận trên.

Theo Văn phòng Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ, cơ quan này đã cấp 1.020 bằng sáng chế từ năm 2010 đến quý đầu tiên của năm 2024, đều được tài trợ ít nhất một phần bởi Chính phủ Mỹ và liên quan đến ít nhất một nhà phát minh sống tại Trung Quốc. Dữ liệu không nêu chi tiết liệu các thực thể hoặc cá nhân Mỹ có cùng tham gia liên quan các bằng sáng chế này hay không.

Các bằng sáng chế bao gồm 197 bằng trong lĩnh vực dược phẩm và 154 bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cả hai đều là các lĩnh vực chiến lược của Trung Quốc và Mỹ.

Nguồn tài trợ từ nhiều cơ quan Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ cho các nghiên cứu, dẫn đến 92 bằng sáng chế thông qua nguồn tài trợ của Lầu Năm Góc, 175 bằng sáng chế từ tiền của Bộ Năng lượng Mỹ và 4 bằng sáng chế từ nguồn hỗ trợ tài chính của NASA. NASA vốn đối diện với lệnh cấm theo luật pháp Mỹ về việc hợp tác với Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp Trung Quốc.

Nguồn tài trợ từ Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ đã mang lại 356 bằng sáng chế, nhiều nhất trong số các cơ quan.

"Thật đáng báo động khi người nộp thuế Mỹ đã vô tình tài trợ cho hơn 1.000 bằng sáng chế của các thực thể Trung Quốc. Trong đó Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ cho gần 100 bằng sáng chế" - dân biểu Cộng hòa John Moolenaar bình luận.

Theo Hãng tin Reuters, Văn phòng Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ, NASA và các bộ quốc phòng, năng lượng và y tế Mỹ chưa phản hồi khi được đề nghị bình luận.

Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm đàm phán lại thỏa thuận trên với Trung Quốc, cho biết họ vẫn liên lạc với Bắc Kinh về thỏa thuận này. Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Washington vẫn cam kết thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của Mỹ về khoa học và công nghệ".

THANH BÌNH

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài