Nếu thất thủ, Mone sẽ là thị trấn đầu tiên nằm giữa hai trung tâm chính trị của chính quyền quân sự Myanmar bị lực lượng nổi dậy chiếm giữ.

1 Myanmar Luc Luong Noi Day Danh Chiem Thi Tran Nam Giua Naypyidaw Va Yangon

Lực lượng phòng vệ nhân dân ở vùng Bago - Ảnh: THE IRRAWADDY/NUG

Theo trang tin The Irrawaddy hôm 4-12, nhóm nổi dậy "Quân giải phóng dân tộc Karen" (KNLA) và các đồng minh "kháng chiến" của họ tiếp tục tấn công các vị trí của chính quyền quân sự Myanmar ở thị trấn Mone thuộc vùng Bago, phía nam Myanmar.

Các lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ 599 và 590 cùng đồn cảnh sát ở thị trấn Mone đã bị tấn công kể từ hôm 2-12.

Một thành viên thuộc Lực lượng phòng vệ nhân dân Bago (cũng chống lại chính quyền quân sự Myanmar) cho biết chính quyền quân sự Myanmar đã tiến hành các cuộc không kích và pháo kích nhằm vào thị trấn này, đồng thời gửi quân tiếp viện tới đây.

Mone nằm cách thủ đô Naypyidaw khoảng 172km về phía nam và nằm cách Yangon (thành phố lớn nhất Myanmar) khoảng 241km về phía tây bắc.

Theo The Irrawaddy, nếu thất thủ, đây sẽ là thị trấn đầu tiên nằm giữa hai trung tâm chính trị của chính quyền quân sự Myanmar bị lực lượng nổi dậy chiếm giữ.

Đây cũng là lần đầu tiên KNLA nỗ lực chiếm một thị trấn của vùng Bago.

KNLA nói rằng kể từ hôm 2-12, đã có 32 cuộc tấn công bằng máy bay chiến đấu và trực thăng nhằm vào thị trấn Mone. Chính quyền quân sự Myanmar cũng đã cắt đứt các liên lạc của Mone, trong khi người dân bị kẹt lại bên trong thị trấn này.

Dân địa phương thuật lại chính quyền quân sự Myanmar cũng không kích và pháo kích nhằm vào các làng ở khu vực Waw và Kyaukkyi, đều thuộc vùng Bago.

Ngày 5-12, báo Global New Light of Myanmar tường thuật lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing đã cảnh báo rằng nếu các nhóm vũ trang tiếp tục hành động không khôn ngoan thì người dân các khu vực liên quan sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Theo Đài CNN, cuộc tấn công mang tên Chiến dịch 1027 - do "Liên minh 3 anh em" ở đông bắc Myanmar phát động vào cuối tháng 10-2023 - đã phát triển thành một chiến dịch toàn quốc để giành quyền kiểm soát đối với các thị trấn và khu vực ở phía bắc, tây và đông nam Myanmar.

"Liên minh 3 anh em" bao gồm Đội quân Dân tộc Arakan (AA), Đội quân Liên minh Dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA), và Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta'ang (TNLA).

Cuộc nổi dậy đã đặt ra thách thức chiến trường lớn nhất cho chính quyền quân sự Myanmar kể từ khi họ lên nắm quyền trong cuộc đảo chính vào năm 2021. Giao tranh cũng khiến Trung Quốc ngày càng lo ngại về tình trạng bất ổn và làn sóng người tị nạn ở Myanmar.

Liên Hiệp Quốc cho biết gần 200 thường dân đã thiệt mạng và 335.000 người phải sơ tán vì giao tranh ở quốc gia Đông Nam Á này kể từ ngày 27-10.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài