Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Reuters).
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 29/12 cho biết, ông đã tham vấn Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda về vụ việc tên lửa Nga nghi bay vào không phận Ba Lan rạng sáng cùng ngày.
"Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Andrzej Duda về sự cố tên lửa ở Ba Lan. NATO đoàn kết với đồng minh và đang theo dõi tình hình. Chúng tôi sẽ duy trì liên lạc trong khi xác minh vụ việc. NATO vẫn cảnh giác", ông Stoltenberg nói.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng điện đàm với người đồng cấp Ba Lan và khẳng định Washington luôn đứng về phía Warsaw, cam kết hỗ trợ kỹ thuật nếu cần.
Bình luận trên được đưa ra sau khi quân đội Ba Lan cho biết một vật thể không xác định đã đi vào không phận nước này từ hướng Ukraine và sau đó biến mất khỏi radar.
Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ba Lan Wiesław Kukuła nói: "Mọi dấu hiệu cho thấy tên lửa Nga đã vi phạm không phận Ba Lan. Chúng tôi đã theo dõi tên lửa này trên radar và rời khỏi không phận. Chúng tôi đã xác nhận điều này trên radar và từ các đồng minh".
Lực lượng phòng vệ Ba Lan cho biết thêm, vật thể được cho là tên lửa của Nga này đã đi sâu vào không phận Ba Lan khoảng 40km và biến mất sau gần 3 phút.
Ba Lan đã triệu tập Đại biện lâm thời của Nga Andrei Ordash và đề nghị đưa ra lời giải thích. Tuy nhiên, đại diện của Nga nói rằng Ba Lan không đưa ra bằng chứng nào cho cáo buộc vi phạm không phận này.
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Wladyslaw Teofil Bartoszewski tuyên bố, Ba Lan sẽ đáp trả nhanh chóng nếu sự việc tương tự lặp lại. "Tôi đã nói rõ với Đại biện lâm thời Nga rằng nếu sự việc tương tự lặp lại, chúng tôi sẽ đáp trả quyết liệt bởi vì hành động đó thách thức hệ thống phòng thủ của chúng tôi", Thứ trưởng Bartoszewski nói.
Tháng 11 năm ngoái, một tên lửa từ Ukraine cũng rơi xuống một làng biên giới của Ba Lan. Đến tháng 4 năm nay, một vật thể được cho là mảnh vỡ tên lửa Nga cũng được phát hiện gần một khu rừng ở miền bắc Ba Lan. Những vụ việc này làm dấy lên lo ngại nguy cơ chiến sự lan rộng ra ngoài biên giới Ukraine.
Theo Điều 5 về phòng thủ tập thể trong Hiến chương NATO, liên minh quân sự này có thể đáp trả nếu một thành viên trong khối bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công.
Rạng sáng 29/12, các máy bay chiến đấu của Ba Lan và Mỹ đồn trú tại các căn cứ ở Ba Lan đã xuất kích để theo dõi các động thái của Nga sau khi phát hiện hoạt động của máy bay ném bom chiến lược Nga.
Giới chức Ukraine cho biết, đêm 28/12, rạng sáng 29/12, ít nhất 18 máy bay ném bom chiến lược Tu-95S của Nga đã xuất kích, phóng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo vào các mục tiêu trên khắp Ukraine.
Tổng cộng hệ thống phòng không Ukraine phát hiện hơn 150 mục tiêu trên không bao gồm cả tên lửa và máy bay không người lái của Moscow. Đây là vụ không kích lớn nhất của Nga nhằm vào Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra cách đây gần hai năm.
Vụ tấn công khiến ít nhất 31 người thiệt mạng, nhiều cơ sở hạ tầng của Ukraine hư hại.
Theo Reuters, AFP
Nguồn: Báo điện tử Dân trí