Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina (Ảnh: Reuters).
Trả lời phỏng vấn trang tin RBK ngày 25/12, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết, Moscow đã đánh giá rủi ro của các lệnh trừng phạt kể từ năm 2014 và chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với nhiều lệnh trừng phạt trong số đó.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp dụng đợt trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 dựa trên kết quả một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
"Các ngân hàng lớn, khi bị trừng phạt, phần lớn đã chuẩn bị sẵn sàng cho điều này. Họ nhận thức được mối đe dọa bị ngắt kết nối với SWIFT từ năm 2014, do vậy họ đã xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán quốc gia. Chúng tôi đã đa dạng hóa dự trữ của mình, tăng tỷ trọng đồng nhân dân tệ và vàng", bà Nabiullina nói.
Năm ngoái, Mỹ và EU tiếp tục áp một loạt biện pháp hạn chế tài chính với Nga để đáp trả việc Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Các biện pháp này bao gồm ngắt kết nối ngân hàng Nga với hệ thống SWIFT, cấm Nga trả nợ bằng USD, đóng băng tài sản của Nga ở nước ngoài, rút Visa và MasterCard khỏi Nga.
Các lệnh trừng phạt trên khiến Moscow không thể thực hiện giao dịch quốc tế bằng USD và euro.
"Chúng tôi đã có thể ứng phó với hầu hết các thách thức liên quan đến lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề trong lĩnh vực tài chính chưa thể giải quyết triệt để, trong đó có vấn đề thanh toán xuyên biên giới. Chuỗi cung ứng đang được xây dựng, chúng liên tục thay đổi, nhưng đây vẫn là một vấn đề đối với nhiều doanh nghiệp", bà Nabiullina nói.
Theo bà Nabiullina, việc phương Tây đóng băng các tài sản của Nga có thể coi là tín hiệu "vô cùng tiêu cực" đối với các ngân hàng trung ương trên thế giới bởi vì hành động đó "vi phạm những nguyên tắc cơ bản về an ninh dự trữ".
"Hàng triệu người không liên quan đến lệnh trừng phạt đang phải chịu cảnh tài sản bị đóng băng. Đây là vấn đề rất đau đớn", lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nga nói.
Ước tính, gần 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng ở các nước G7, EU và Australia sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái. Phần lớn tài sản này nằm ở châu Âu.
Gần đây, một số lãnh đạo phương Tây đã đưa ra ý tưởng tịch thu tài sản đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine tái thiết. Mặc dù từng kiên quyết phản đối việc tịch thu bất kỳ tài sản nào thuộc Ngân hàng Trung ương Nga, Mỹ gần đây được cho là đang tích cực thúc đẩy các cuộc thảo luận với nhóm G7 về vấn đề này.
New York Times ngày 21/12 đưa tin, Mỹ đang gây áp lực lên Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada và Nhật Bản nhằm tìm hướng hợp thức hóa việc sử dụng khối tài sản bị đóng băng của Nga trước ngày 24/2/2024.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí