Nếu một ngày bạn đặt chân đến Nhật, đừng quá ngạc nhiên khi thấy những hình ảnh sau:
Tại những cầu thang máy
Hãy thử tưởng tượng một lúc nào đấy bạn đang rất vội vã còn thang máy thì chật kín người đứng lộn xộn và bạn không biết cách nào để vượt lên trên. Nhưng bạn sẽ không bao giờ rơi vào hoàn cảnh đó nếu ở Nhật, bởi con người ở đây luôn cố gắng tạo sự thuận tiện nhất có thể cho người khác.
Người Nhật thường đứng gọn sang một bên khi đi thang máy. (Ảnh dẫn qua trithucvn)
Người Nhật rất biết “nghĩ cho người khác”, vậy nên, dù không có luật phải xếp hàng đi thang máy cuốn nhưng mọi người đều tự giác xếp hàng lần lượt và sẽ đứng gọn sang một bên để dành phía trống, như vậy người khác có thể dễ dàng đi bộ lên hoặc xuống.
Thêm nữa, khi vào thang máy cũng cần theo thứ tự: khách vào trước chủ nhà vào sau, người già vào trước người trẻ vào sau. Đặc biệt nếu ở Nhật, khi đưa khách về và khách không cần tiễn xuống, chủ sẽ phải cúi đầu chào cho đến khi cửa thang máy đóng lại.
Nhân viên trực thang máy cúi chào khách ngay cả khi thang máy đã đóng ở khu thương mại Takayshimaya, Tokyo. (Ảnh: Japantoday)
Ở các nhà ga
Xếp hàng không chỉ là văn hóa mà đã trở thành thói quen không thể bỏ của người Nhật. Tại các nhà ga, người ta luôn kiên nhẫn xếp hàng và đứng ở hai bên cửa, nhường lối ở giữa cho những người đi từ trên tàu xuống. Khi tàu đến, họ sẽ chờ cho người trên tàu xuống hết rồi mới đi lên. Cách này tuy nhìn có vẻ hơi “chậm”, nhưng thực tế lại nhanh hơn nhiều so với khi phải chen lấn xô đẩy, hơn nữa còn an toàn và văn minh hơn hẳn.
Người Nhật có thói quen đứng chờ ở hai bên cửa để nhường chỗ giữa cho khách trên tàu đi xuống. (Ảnh: thewardrobedoor)
Đặc biệt, khi đi tàu điện hoặc xe buýt, bạn sẽ bắt gặp một khung cảnh tĩnh lặng tuyệt đối bởi người Nhật rất tôn trọng sự riêng tư của nhau nơi công cộng. Thông thường, mọi người sẽ đọc sách, nghe nhạc, ngủ, và tránh tối đa việc phát ra tiếng động. Điện thoại luôn đặt ở chế độ “Manner Mode” (cụm từ người Nhật dùng thay thế cho “Silent mode” – tức chế độ im lặng, bởi theo họ tôn trọng người khác là hành vi của người có cách xử sự “manner” văn minh), nếu có ai gọi đến, họ cũng sẽ nói rất nhanh và hẹn gọi lại sau chứ không buôn chuyện dài dòng.
Khi xây dựng các công trình công cộng
Người khuyết tật hay người khiếm thị luôn rất được “ưu tiên” ở Nhật. Bởi vậy, khi xây dựng các công trình công cộng, người Nhật thường tạo ra những “chỉ dẫn” nổi trên đường để giúp người khiếm thị có thể tự tin hơn khi bước đi.
Ngoài ra, ở những công trường đang thi công, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những rào chắn được cài hoa rực rỡ như thế này như một lời xin lỗi dễ thương cho việc “làm phiền” người đi đường.
Chữ nổi được khắc trên tay vịn để giúp người khiếm thị có thể tự định hướng. (Ảnh dẫn qua trithucvn)
Các em nhỏ khi qua đường
Trước đây đã có một video ghi lại cảnh một nhóm học sinh tiểu học cùng nhau băng qua đường khi những chiếc xe ô tô đã dừng lại trước vạch đi bộ vì đèn đỏ được cư dân mạng chia sẻ rất nhiều trên các diễn đàn. Sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu các em đi qua luôn, nhưng khi qua đến bên kia đường, tất cả các em đều quay lại và cúi đầu chào để cảm ơn những chiếc ô tô đã nhường đường cho mình, mặc dù đây là việc họ phải làm khi có tín hiệu đèn giao thông.
Hành động này thật sự khiến chúng ta phải suy ngẫm về cách ứng xử trong cuộc sống hằng ngày. Đây là điều rất đáng để học hỏi từ người Nhật nói chung và cách giáo dục con cái của họ nói riêng. Một cư dân mạng đã xúc động chia sẻ: Thực chất, đó đều là những lễ nghĩa Nho gia mà chúng ta đã đánh mất, người Nhật rất giỏi trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống và không ngừng hoàn thiện, lưu truyền đời này qua đời khác. Chính những giá trị truyền thống và lối tư duy luôn “nghĩ cho người khác” đã tạo nên đất nước Nhật Bản kiên cường và vĩ đại như ngày nay.