Dù đã được tăng cường bảo vệ sau hai vụ ám sát hụt, nỗi lo âu và tâm lý cảnh giác vẫn đè nặng Trump cùng chiến dịch tranh cử của ông.

Donald Trump xuất hiện trên sân khấu một cuộc mít tinh ở Long Island hồi tháng trước để nói về thuế. Cựu tổng thống có vẻ lo lắng trong giây lát vì thứ gì đó ông nhìn thấy khi ngoái lại đằng sau.

"Tôi tưởng đó là một 'kẻ khôn ngoan' nào đó đang định bước tới", ông giải thích, đùa rằng bản thân đã chuẩn bị tung cùi chỏ để đánh trả.

"Các bạn biết tôi có chút vấn đề với hội chứng yip chứ?", Trump nói thêm, đề cập đến một thuật ngữ quen thuộc với những người đam mê golf nhằm mô tả hiện tượng người chơi đột nhiên mất khả năng thực hiện những cú đánh dễ dàng như gạt bóng vì lo lắng. "Nhưng tôi đã sẵn sàng chiến đấu".

1 Noi Lo An Ninh Phu Bong Chien Dich Trump Sau Hai Vu Am Sat Hut

Ông Trump phát biểu sau tấm kính chống đạn tại thành phố Asheboro, bang Bắc Carolina ngày 21/8. Ảnh: AFP

Đó là một khoảnh khắc được coi như trò đùa. Nhưng khi cựu tổng thống quay lại hạt Butler, Pennsylvania, vào cuối tuần này để tổ chức mít tinh tại địa điểm ông từng bị ám sát hụt hồi cuối tháng 7, nỗi lo âu này là bằng chứng cho thấy những hệ lụy lâu dài mà ứng viên đảng Cộng hòa cũng như chiến dịch của ông đối mặt, ngay cả khi phần lớn công chúng đã chuyển mối quan tâm sang những cuộc khủng hoảng khác.

Ngoài hai lần bị ám sát hụt trong vòng hai tháng, Trump còn phải chịu những mối đe dọa liên tục từ Iran, theo thông tin do giới chức Mỹ cung cấp cho chiến dịch của ông. Tehran đã tuyên bố sẽ trả đũa Trump vì ông đã ra lệnh cho quân đội Mỹ hạ sát tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Qassem Soleimani hồi năm 2020.

Hồi tháng 8, một người đàn ông Pakistan được cho là có mối liên hệ với Iran đã bị cáo buộc âm mưu thực hiện các vụ ám sát chính trị trên đất Mỹ. Cơ quan hành pháp không nêu tên các mục tiêu, nhưng hồ sơ pháp lý cho thấy Trump là mục tiêu dễ bị nhắm đến.

Tin tặc Iran cũng bị cáo buộc đánh cắp thông tin từ chiến dịch tranh cử của Trump và cố gắng chuyển chúng cho truyền thông. Các công tố viên cho biết hồi tháng 5, một nhóm tin tặc đột nhập thành công tài khoản email các quan chức chiến dịch và những đồng minh khác của cựu tổng thống. Sau đó, họ tìm cách "vũ khí hóa" tài liệu chiến dịch bị đánh cắp bằng cách gửi email cho những người có liên quan đến chiến dịch của Tổng thống Biden.

Các cuộc tấn công mạng đã buộc một số nhân viên chiến dịch tranh cử của Trump phải thay đổi địa chỉ email. Nhiều người lo lắng khi giao tiếp trực tuyến.

Điều đó làm trầm trọng thêm nỗi lo lắng vốn đã dâng cao, bất chấp việc bộ máy an ninh đã được tăng cường. Các nhân viên của Trump đang ở trong tình trạng căng thẳng hơn bao giờ hết. Đã có những lời dọa giết nhắm vào những trợ lý bên cạnh Trump và họ chưa thể nhanh chóng tổ chức các cuộc mít tinh quy mô lớn vốn luôn là nét đặc trưng trong các chiến dịch vận động tranh cử của cựu tổng thống.

Các nhân viên an ninh vũ trang giờ đây canh gác tại trụ sở chiến dịch của Trump ở Florida suốt ngày đêm. Đội ngũ nhân viên thường xuyên được yêu cầu phải cảnh giác và chú ý xung quanh.

Nhiều sự kiện đã bị hủy và chuyển địa điểm vì Sở Mật vụ Mỹ không có đủ nguồn lực để bảo vệ an toàn cho chúng. Ngay cả khi sử dụng rào chắn bằng kính chống đạn để bảo vệ Trump trên sân khấu, người ta vẫn lo ngại những kẻ tấn công có thể nhắm đến cựu tổng thống bằng máy bay không người lái.

Ông Trump cáo buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden cố tình từ chối cung cấp nguồn lực an ninh nhằm ngăn ông phát biểu trước đám đông, qua đó tạo lợi thế cho Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên đảng Dân chủ.

"Họ không giúp tôi được gì. Tôi rất tức giận vì những gì họ đang làm là can thiệp bầu cử", ông nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Fox News.

Trong khi đó, người phát ngôn Sở Mật vụ Mỹ Anthony Guglielmi cho biết Trump "đang nhận được mức độ bảo vệ tăng cường", khẳng định ưu tiên hàng đầu của họ là "giảm thiểu rủi ro để đảm bảo an toàn cho cựu tổng thống mọi lúc, mọi nơi".

Trump hiện di chuyển với lực lượng an ninh lớn hơn. Lệnh hạn chế giao thông mới đã được áp dụng bên ngoài dinh thự Mar-a-Lago của ông ở Florida, và một hàng xe bảo vệ cùng những nhân viên an ninh mang theo súng luôn túc trực bên ngoài Tháp Trump ở New York khi ông lưu trú tại đây.

2 Noi Lo An Ninh Phu Bong Chien Dich Trump Sau Hai Vu Am Sat Hut

Cựu tổng thống Donald Trump giơ nắm tay sau khi bị ám sát hụt tại Butler, bang Pennsylvania, ngày 13/7. Ảnh: AP

Các đồng minh của cựu tổng thống khẳng định ông không thay đổi sau lần bị bắn sượt qua tai hồi tháng 7 hay vụ ông suýt bị ám sát tại sân golf West Palm Beach hồi tháng 9.

Theo họ, hình ảnh Trump đứng hiên ngang với khuôn mặt dính máu, giơ nắm đấm lên và hét lớn "Chiến đấu!" đã trở thành biểu tượng không thể phai mờ của chiến dịch tranh cử.

"Khi bạn suýt mất mạng, cảm giác lúc đó sẽ luôn đi theo bạn và nó vẫn ở trong ông ấy", hạ nghị sĩ Cộng hòa Byron Donalds, đồng minh thân cận với cựu tổng thống, cho hay. "Nhưng nó không thể làm thay đổi quyết tâm của Trump. Ông ấy vẫn mạnh mẽ như trước đây".

Còn với Trump, ông thường đề cập đến "bàn tay can thiệp của Chúa", ngụ ý rằng Chúa đã cứu ông để cứu đất nước. Ông cũng nói rằng những kẻ tấn công chỉ nhắm vào các tổng thống có có ảnh hưởng.

Trump gần đây được hỏi liệu ông có lo lắng về an toàn của bản thân trước khi quay trở lại Butler hay không. "Có, tôi luôn lo lắng", ông trả lời.

"Tôi quay lại Butler vì tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải quay lại. Chúng tôi chưa bao giờ hoàn thành những gì chúng tôi phải làm ở đây", Trump cho hay. "Khi tôi bị bắn, tôi đã nói, chúng tôi sẽ quay lại. Tôi đang thực hiện một lời hứa. Tôi thực sự đang thực hiện một nghĩa vụ".

Những người ủng hộ trung thành cũng không ngại tham dự các cuộc mít tinh, bất chấp rủi ro an ninh.

"Tôi biết có nhiều người sợ không dám tới, nhưng tôi thì không", y tá Eileen Deighan, 63 tuổi, đến từ New York, nói, thêm rằng bà được truyền cảm hứng bởi quyết định tiếp tục vận động tranh cử của Trump bất chấp những mối đe dọa.

"Sự thật là ông ấy không bỏ cuộc, ông ấy sẵn sàng chiến đấu vì đất nước chúng ta, làm sao có thể không ủng hộ điều đó", bà cho biết.

Trump hôm 28/9 tuyên bố trước những người ủng hộ tại cuộc mít tinh ở Wisconsin rằng ông sẽ tiếp tục chiến đấu "dù có bất kỳ trở ngại hay nguy hiểm nào trên con đường của chúng ta".

Nhưng ông còn có một quan điểm khác muốn nêu ra. "Tôi đã có một cuộc sống tốt đẹp trước khi theo đuổi chính trị. Không ai bắn tôi. Tôi từng có một cuộc sống tuyệt vời".

Vũ Hoàng (Theo AP, AFP, Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài