Sức mạnh của người dân trong một xã hội dân chủ
"Quyền lực chính trị hợp pháp phải xuất phát từ sự đồng ý của người bị trị" - John Locke (1632-1704)
Tháng Bảy, cả trăm ngàn người Pháp xuống đường vui mừng chào đón "Les Bleus" vô địch thế giới! Bao khủng hoảng về xã hội và kinh tế phút chốc rơi vào quên lãng, nhường chỗ cho sự thăng hoa và hãnh diện.
Chính phủ Macron "ăn theo" và tận dụng mỗi chiến thắng để đánh bóng cho hình ảnh của họ. Bốn tháng sau, hàng chục ngàn người Pháp, chính gốc, chứ chẳng phải là dân nhập cư hay Hồi giáo, bất mãn trước các chính sách tăng thuế, tăng giá xăng dầu, lương tối thiểu thấp, lương hưu ít ỏi, đã cùng nhau xuống đường, trong một phong trào tự phát "Gilets Jaunes" làm tắc nghẽn sinh hoạt và gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng trên toàn nước Pháp.
Bạo động đã xảy ra và sự chán chường của người dân đã lên cực điểm! Các phần tử quá khích đã trà trộn vào phong trào để đập phá, tấn công cảnh sát, đốt cháy xe hơi, trộm cắp,...
Trong số các thành phần du côn ấy có cả những tổ chức cực đoan cánh tả lẫn cánh hữu. Họ được chuẩn bị đầy đủ và huấn luyện kỹ càng để thâm nhập các đoàn biểu tình và ra tay phá rối một cách có hệ thống. Và cũng có rất nhiều, rất nhiều băng nhóm thanh niên đến từ các vùng ngoại ô Paris, đã lợi dụng mọi cơ hội để khiêu khích và đối đầu với lực lượng cảnh sát.
Đó cũng là một vấn nạn mà bao chính phủ, từ tả sang hữu, đã không thể hay không muốn giải quyết dứt điểm, để mỗi khi có một sự bất bình trong xã hội, các tầng lớp thanh niên người Pháp, gốc Bắc Phi, thế hệ thứ hai, thứ ba, của các khu ổ chuột - ngoại ô, của những "vùng không luật pháp" (zone de non-droit) lại có dịp trút mọi cơn phẫn nộ, uất ức từ bấy lâu qua những cuộc bạo loạn đáng lên án như những ngày qua tại Pháp!
Hôm nay, Tổng thống Pháp, thông qua ông Thủ tướng Édouard Philippe, đã tuyên bố tạm dừng những chính sách gây bất mãn cho người dân (tạm ngưng tăng thuế xăng dầu, tạm ngưng đánh thuế carbone, không tăng giá điện...) nhằm tái lập lại một bầu không khí an bình và trật tự trong xã hội.
Trước áp lực của người dân, chính phủ Pháp đã phải tạm lùi bước, tham khảo ý kiến của các đảng đối lập và nhất là lắng nghe sự tức giận của người dân.
Phong trào tự phát "Gilets Jaunes" làm nên lịch sử - Ảnh: Lucas Barioulet (AFP)
Đất nước Pháp là thế. Đa văn hóa, đa chủng tộc, đa tôn giáo. Xấu tốt, kỷ cương, lỏng lẻo, trộm cắp, ăn xin, lười biếng hay thất nghiệp... đó chính là những yếu tố đặc thù của một xã hội Pháp cởi mở, rộng lượng và nhân bản của hôm nay. Trong tiềm thức của người Việt, họ hình dung Phương Tây phải là của người da trắng, tiến bộ.
Họ không chấp nhận sự hiện diện của những sắc dân khác, những tôn giáo khác, ngoại trừ của họ, của người Việt, từ thời boat-people cho đến làn sóng người Việt tỵ nạn kinh tế!
Thế giới ngày nay biến đổi và con người không ngừng di chuyển. Trào lưu di dân và trao đổi văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng là việc không tránh khỏi. "Bế quan, tỏa cảng" hay "nội bất xuất, ngoại bất nhập" là điều không tưởng trong xu thế toàn cầu hóa. Nó chỉ mang lại những bất lợi và sức cạnh tranh kém cho một quốc gia trên mọi lĩnh vực.
Một quốc gia như Pháp, vốn còn tồn đọng nhiều vấn đề nhức nhối trong lòng xã hội (kỷ cương, hội nhập, thất nghiệp, sức mua bán...) nhưng lại là một ví dụ sống động cho một nền dân chủ tối thượng.
Khi người dân bất mãn, họ được quyền lên tiếng (trong khuôn khổ luật pháp) và không một chính phủ nào có thể xem họ như những con bò sữa, tìm mọi cách để trục lợi trên đầu của họ. Sức mạnh của người dân trong một xã hội dân chủ là thế!
Lâm Bình Duy Nhiên, từ Lausanne (Thụy Sĩ)
Nguồn: nhipcauthegioi.hu