Khả năng tích hợp Tên lửa không đối đất tầm xa chung AGM-158 (JASSM) vào máy bay quân sự của Ukaina có thể làm thay đổi đáng kể cán cân chiến lược trong cuộc chiến đang diễn ra với Nga. Các chuyên gia tin rằng những tên lửa này có khả năng đẩy lùi các khu vực tập kết và kho tiếp tế của Nga hàng trăm dặm, làm thay đổi động lực hoạt động của cuộc chiến.

1 Ten Lua Jassm Do Ukaina Phong Di Se Khien Cuoc Song Cua Nguoi Nga Tro Nen Rat Kho Khan

Theo báo cáo của Reuters trích lời các quan chức Hoa Kỳ, Hoa Kỳ sắp đạt được thỏa thuận cung cấp cho Ukaina Tên lửa không đối đất tầm xa AGM-158 (JASSM) có thể tăng cường đáng kể khả năng tấn công của chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon của Ukaina. 

Báo cáo cũng tiết lộ rằng một khía cạnh quan trọng của thỏa thuận tiềm năng này, là nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm cải tiến JASSM để có thể sử dụng được trên máy bay thời Liên Xô của Ukaina.

Thông báo dự kiến đưa JASSM vào gói vũ khí sắp tới vào mùa thu năm nay. 

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Nếu được chấp thuận, việc chuyển giao các tên lửa này có thể bị trì hoãn trong vài tháng vì Hoa Kỳ đang giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan đến khả năng tích hợp và khả năng tương thích hoạt động của chúng. 

Tin tức này xuất hiện sau các báo cáo từ đầu năm nay, trong đó các quan chức Ukaina tiết lộ kế hoạch trang bị một loại tên lửa hành trình phóng từ trên không có tầm bắn lên tới 480km cho máy bay F-16 của họ. 

Mặc dù thông số cụ thể của tên lửa này không được tiết lộ vào thời điểm đó, nhưng theo các chuyên gia của EurAsian Times khả năng tiên tiến của JASSM phù hợp với loại vũ khí mà Ukaina đang tìm kiếm để nâng cao hiệu quả quân sự của mình.

Hiện tại, JASSM chỉ được tích hợp trên các máy bay do Hoa Kỳ thiết kế, còn Ba Lan cũng sử dụng tên lửa này trên các biến thể F-16 hiện đại hơn. 

Máy bay F-16 của Ukaina, đạt tiêu chuẩn F-16 AM/BM và đã trải qua chương trình Cập nhật giữa vòng đời (MLU), sẽ có khả năng mang theo tối đa hai tên lửa JASSM trên mỗi máy bay. 

Mặc dù các máy bay phản lực này chưa được trang bị công nghệ JASSM, chúng có thể áp dụng các bản cập nhật phần mềm hoặc phần cứng cần thiết để sử dụng các tên lửa này.

Báo cáo trích dẫn lời một quan chức Hoa Kỳ cũng tiết lộ những nỗ lực nhằm cải tiến tên lửa JASSM để sử dụng với các máy bay chiến đấu không phải của phương Tây trong kho vũ khí của Ukaina, một diễn biến chưa từng được báo cáo trước đây. 

Mặc dù viên chức này không nêu rõ máy bay nào của Ukaina có thể được trang bị tên lửa này, nhưng người ta biết rằng Ukaina vận hành một loạt máy bay phản lực thời Liên Xô, bao gồm MiG-29, Su-24 và Su-27.

Nỗ lực cải tiến này nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của các máy bay cũ này bằng cách tích hợp công nghệ tên lửa tiên tiến.

Một bước ngoặt thay đổi cuộc chơi cho Ukaina?

Khả năng tích hợp Tên lửa không đối đất tầm xa chung AGM-158 (JASSM) vào máy bay quân sự của Ukaina có thể làm thay đổi đáng kể cán cân chiến lược trong cuộc chiến đang diễn ra với Nga. 

Các chuyên gia tin rằng việc đưa vào sử dụng JASSM – được biết đến với khả năng tàng hình và tầm bắn xa hơn so với hầu hết các loại đạn dược hiện có của Ukaina – có thể buộc số lượng lớn các tài sản quân sự của Nga phải di chuyển lùi ra xa hơn. 

Những tên lửa này có khả năng đẩy lùi các khu vực tập kết và kho tiếp tế của Nga hàng trăm dặm, làm thay đổi động lực hoạt động của cuộc chiến.

Với tầm bắn có thể đạt tới 300 km vào lãnh thổ Nga, JASSM có thể nhắm vào các cơ sở quan trọng, bao gồm ít nhất 30 căn cứ không quân, một số trong đó đóng vai trò quan trọng trong việc phát động các cuộc tấn công của Nga. 

Điều này có thể làm phức tạp thêm khả năng duy trì các hoạt động tấn công của Nga và có thể mang lại cho Ukaina lợi thế chiến lược đáng kể.

Nếu được khai triển từ các vị trí gần biên giới phía bắc của Ukaina với Nga, JASSM có thể tấn công các mục tiêu xa như các thành phố Voronezh và Bryansk của Nga. 

Ở miền Nam Ukaina, việc khai triển chúng gần tiền tuyến có thể cho phép tấn công các sân bay hoặc cơ sở hải quân quan trọng ở Crimea, qua đó mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng Ukaina và tác động đến năng lực hậu cần và hoạt động của Nga.

JASSM được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính (INS) tiên tiến giúp dẫn đường đến mục tiêu một cách chính xác. Được thiết kế để hoạt động hiệu quả trong môi trường GPS bị suy giảm, vốn là một kịch bản rất phù hợp với tình hình gây nhiễu GPS rộng rãi của Nga ở Ukaina. VÌ vậy tên lửa này mang lại lợi thế chiến thuật trong điều kiện tác chiến điện tử.

Phiên bản cũ hơn của JASSM có tầm bắn khoảng 370 km. Những tên lửa này, dài khoảng 4 mét, có mức độ tàng hình nhất định khiến chúng khó bị phát hiện trên radar. Chúng có khả năng bay ở độ cao thấp và có thể được lập trình lượn theo các đường vòng để tránh né hệ thống phòng không. 

Phiên bản AGM-158B JASSM-ER có khả năng phóng đầu đạn ở khoảng cách lên tới 925km, trong khi AGM-158B-2 có tầm bắn xa hơn có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 1.900km. 

Nicholas Drummond, cựu sĩ quan bộ binh Anh và là nhà phân tích ngành công nghiệp quốc phòng, bày tỏ sự ngạc nhiên trước tình hình hiện tại khi vẫn đang có tranh cãi về việc cung cấp cho Ukaina tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga.

Ông cho biết, “Tên lửa tàng hình AGM-158 JASSM có tầm bắn 575 dặm (tức 925km) và đầu đạn nặng 450 kg. Tên lửa tầm xa AGM-158B-2 đạt tầm bắn 1.900km và có đầu đạn nặng 900 kg”.

Ông Drummond lưu ý rằng mặc dù việc khai triển vài trăm tên lửa này từ máy bay F-16 của Ukaina có thể không làm thay đổi đáng kể tiến trình của cuộc chiến, nhưng “chúng sẽ khiến cuộc sống của bất kỳ ai ở phía đối phương phải trở nên rất khó khăn”.

Mặc dù vẫn chưa rõ Hoa Kỳ đang cân nhắc cung cấp phiên bản tên lửa nào, việc lựa chọn mẫu tên lửa tầm ngắn hơn sẽ giảm bớt áp lực cho kho dự trữ của Hoa Kỳ trong khi vẫn mang lại lợi ích hoạt động đáng kể.

Mỗi tên lửa JASSM được trang bị đầu đạn nặng 450kg. Tuy nhiên, không giống như tên lửa Storm Shadow và SCALP do Anh và Pháp cung cấp cho Kyiv, JASSM không được thiết kế riêng để xuyên thủng các boong-ke kiên cố. 

Nếu Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp tên lửa JASSM cho Ukaina, câu hỏi quan trọng sẽ là liệu những tên lửa này có được phép nhắm vào các địa điểm bên trong nội địa nước Nga hay không. 

Sự cân nhắc này càng trở nên sâu sắc hơn khi Ukaina gần đây tiến vào khu vực Kursk của Nga, nhấn mạnh những quyết định chiến lược phức tạp sắp tới.


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài