Năm 2019 đầy biến động với nhiều mảng màu xám của thế giới vừa khép lại. Thế giới năm 2020 sẽ mang màu sắc như thế nào, trước thềm năm mới, các chuyên gia đã đưa ra nhiều dự báo đáng chú ý.

Kinh tế thế giới vẫn đối mặt với tương lai bấp bênh

Theo dự báo của các tổ chức kinh tế lớn như: OECD, WTO, ECLAC, IMF, WB, ADB,… đều có nhận định chung: tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2020 tiếp tục suy giảm. Nguyên nhân thì có nhiều trong đó tác nhân lớn nhất vẫn là thương chiến Mỹ – Trung dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài và ẩn chứa nhiều nguy cơ trong năm mới 2020.

Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia kinh tế, Mỹ và Trung Quốc khó có thể tiếp tục đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện trong năm 2020 bởi Trung Quốc sẽ khó chấp nhận yêu cầu của Mỹ về cải tổ cơ cấu nước họ.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước hoàn tất sẽ có hiệu lực trong năm 2020 nhưng những bất đồng xung quanh việc diễn giải và thậm chí những tiềm ẩn căng thẳng leo thang quy mô nhỏ vẫn có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, dự báo trong năm 2020, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Âu sẽ tạm đình trệ do bất đồng xung quanh vấn đề nông sản và Mỹ sẽ áp thêm thuế quan lên hàng hóa châu Âu.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (tháng 11/2020) sẽ có những tác động tới chính sách kinh tế của Mỹ từ đó ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế lớn khác.

425 1 The Gioi Nam 2020 Qua Nhung Du Bao

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ngoài cùng bên trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (ngoài cùng bên phải) cùng các cố vấn trong bữa tối làm việc sau hội nghị G20 ở Argentina.

Chính bởi những tác nhân ấy, OECD và IMF đều dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng giảm sút trong năm 2020.

Tại Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới năm 2019, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 3%, đồng thời cảnh báo kinh tế thế giới đang phát triển với nhịp độ yếu nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 – 2009. IMF cho biết kinh tế thế giới năm 2020 có thể đạt mức tăng trưởng 3,4%.

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới xuống 2,9% trong năm 2020, mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái toàn cầu cách đây tròn 10 năm. WTO dự báo tăng trưởng thương mại năm 2020 là 2,7%, giảm so với mức 3% trước đó.

Tăng trưởng kinh tế ở Tây Âu sẽ đắm chìm trong khủng hoảng kinh tế. Brazil và Ấn Độ sẽ phải vật lộn cải cách cơ cấu hệ thống để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Năm 2020 sẽ là một trong những năm nóng nhất lịch sử

Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia Anh (Met Office), năm 2020 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ tăng không đồng đều trên toàn cầu, với việc nóng lên ở Bắc cực nhanh hơn nhiều so với mức trung bình.

Theo nghiên cứu, băng Greenland đang tan nhanh hơn bảy lần so với những năm 1990. Phát thải khí nhà kính ít có dấu hiệu suy giảm.

Nghiên cứu được công bố trong Hội nghị Liên Hiệp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP25) hồi đầu tháng này cho thấy lượng khí thải cácbon hàng năm hiện cao hơn 4% so với năm 2015 từ khi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết.

Loài người phải tìm mọi cách hạn chế lượng khí thải carbon, điều chỉnh biểu đồ khí thải diễn biến theo chiều đi xuống thì mới có thể đạt mục tiêu kìm chế tăng nhiệt ở mức 2 độ C trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

425 2 The Gioi Nam 2020 Qua Nhung Du Bao

Người biểu tình phản đối biến đổi khí hậu tập trung tại thủ đô London, Anh.

Các chính phủ cũng như doanh nghiệp sẽ ngày càng phải đối mặt với nguy cơ biến đổi khí hậu trong năm 2020. Lợi nhuận và tăng trưởng của các công ty trong tương lai cũng bị ảnh hưởng do phải giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các loại năng lượng tái tạo ngày càng được sử dụng phổ biến hơn.

Ủy ban Toàn cầu về Thích ứng (GCA) từng cảnh báo rằng các quốc gia giàu và nghèo hiện cần phải đầu tư để bảo vệ trước những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, nếu không sẽ phải trả một cái giá đắt hơn sau này.

GCA cho rằng việc các nước trên thế giới cần đầu tư 1.800 tỷ USD vào 5 lĩnh vực chủ chốt trong thập niên tới sẽ không những giúp giảm bớt tác động nghiêm trọng nhất do hiện tượng Trái đất ấm lên gây ra, mà còn có thể mang lại hơn 7.000 tỷ USD lợi ích kinh tế.

Mức lợi ích này dựa trên tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) rằng mức độ thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đang gia tăng, ở mức trung bình trên toàn cầu là khoảng 1,5%/năm.

Nguồn: congluan.vn


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài