Chốt kiểm tra bên ngoài một kho lạnh chứa thịt bò và các thực phẩm đông lạnh nhập khẩu ở Vũ Hán, Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình GB
Các trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái. Gần 1 năm kể từ lúc đại dịch bùng phát, hơn 1,5 triệu người đã chết vì COVID-19, nền kinh tế của nhiều nước bị thiệt hại nặng vì các biện pháp đóng cửa chống dịch.
Trong bài viết ngày 6-12, Thời Báo Hoàn Cầu - tờ báo của chính quyền Bắc Kinh - bắt đầu bằng việc chỉ ra các ca bệnh gần đây ở Trung Quốc đều liên quan tới những khu chợ có bán đồ đông lạnh nhập khẩu.
Tờ này dẫn ra số liệu kể từ tháng 7 đến nay Trung Quốc đã có 41 vụ virus corona được tìm thấy trên bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.
Cụ thể 7 vụ liên quan tôm đông lạnh từ Ecuador, 8 vụ liên quan cá đông lạnh... Virus corona cũng được tìm thấy trên bao bì thịt heo, thịt gà, thịt bò đông lạnh nhập khẩu.
Điểm đáng chú ý là Thời Báo Hoàn Cầu không nói rõ đây là virus corona chủng mới gây ra COVID-19 (virus SARS-CoV-2) hay họ virus corona nói chung. Bất chấp điều đó, tờ này vẫn nêu ra giả thuyết ổ dịch ở khu chợ Hoa Nam của Vũ Hán có thể do thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.
Chợ Hoa Nam được xem là một chợ lớn, chuyên bán sỉ của Vũ Hán. Đây cũng là nơi ghi nhận các ca mắc COVID-19 đầu tiên trên thế giới.
Bài báo dẫn số liệu hải quan cho thấy trong năm 2019, trước khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, số thực phẩm đông lạnh ngoại nhập tới thành phố này đã tăng 174%.
"Các sản phẩm đông lạnh ở Trung Quốc rất sạch. Đồ đông lạnh nhập từ nước ngoài thì tôi không biết", một tiểu thương ở chợ Hoa Nam nói với phóng viên Hoàn Cầu Thời Báo. "Không có gì bậy bạ cả. Chính quyền kiểm tra đồ tôi bán hai lần mỗi tháng", một người khác bán đồ tươi sống khẳng định.
Một người dân địa phương cho biết phần lớn thực phẩm bán ở chợ Hoa Nam là đồ đông lạnh nhập khẩu, động vật hoang dã như dơi "không phải lúc nào cũng có". Người này làm nghề buôn vải và đã sống gần chợ khoảng 20 năm.
Chợ Hoa Nam ở Vũ Hán bị phong tỏa sau khi bùng phát dịch hồi đầu năm 2020 - Ảnh: AFP
Có một điểm đặc biệt mà Hoàn Cầu Thời Báo thừa nhận trong bài viết là phần lớn những người được phỏng vấn cho rằng Mỹ đã phát tán SARS-CoV-2. Người Vũ Hán tin các binh sĩ Mỹ đã đem theo virus khi tham gia Thế vận hội quân sự ở Trung Quốc tháng 10-2019.
Bài báo cũng dẫn lời một chuyên gia cho rằng "về mặt lý thuyết, virus corona đến từ các quốc gia khác đã gây ra đợt bùng phát ở Vũ Hán". Tuy nhiên, ông này lại khẳng định đến giờ vẫn chưa có đủ bằng chứng chứng minh.
Thời Báo Hoàn Cầu vẫn đưa vào bài ý kiến của chuyên gia trên, nhưng tiếp tục thúc đẩy giả thuyết COVID-19 là ngoại nhập và dẫn thêm ý kiến các chuyên gia khác.
Tờ này trích dẫn một báo cáo hồi tháng 10-2020, trong đó Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho biết các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã xác nhận virus corona có thể tồn tại trong một thời gian dài trên bao bì thực phẩm đông lạnh.
Yang Zhanqiu, chuyên gia về bệnh lý học tại Đại học Vũ Hán, khẳng định phát hiện này cho thấy có khả năng virus corona đã được "nhập khẩu" vào Trung Quốc.
"Suy nghĩ này chưa bao giờ thoát khỏi tâm trí của tôi từ trước đến nay. Trong bối cảnh hiện nay, giả thuyết virus đến Vũ Hán thông qua các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu đã trở nên hợp lý hơn trước", ông Yang nêu quan điểm.
Đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh thúc đẩy giả thuyết dịch bệnh được đưa vào Trung Quốc thông qua bao bì thực phẩm đông lạnh. Bài viết ngày 6-12 trên Hoàn Cầu Thời Báo là bài thứ hai trong loạt bài đẩy mạnh giả thuyết trên.
Hôm 25-11, Nhân Dân Nhật Báo của chính quyền Trung Quốc đã đăng một bài viết khẳng định "COVID-19 không bắt đầu ở Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, mà có thể đến từ thực phẩm đông lạnh nhập khẩu".
Song song với các nỗ lực bác bỏ SARS-CoV-2 có nguồn gốc ở Vũ Hán, truyền thông Nhà nước Trung Quốc cũng đẩy mạnh những thông tin virus đã xuất hiện ở các nơi khác trên thế giới. Một đồ họa của Hoàn Cầu Thời Báo cho thấy virus corona đã được tìm thấy ở Tây Ban Nha, Ý từ tận tháng 3-2019.
Các bài viết của Hoàn Cầu Thời Báo và Nhân Dân Nhật Báo đều bằng tiếng Anh, cho thấy đối tượng mà Trung Quốc nhắm tới là người nước ngoài, một nỗ lực định hướng dư luận theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online