* Thổ Nhĩ Kỳ đòi xử Israel trước tòa án quốc tế vì "tội ác chiến tranh"* Máy bay Mỹ đáp xuống Ai Cập, chở hàng cứu trợ cho người Palestine* Tổng thống Biden muốn Quốc hội phê duyệt gói tài chính mới cho Israel và Ukraine
Phản ứng của người dân sau đợt thả tù nhân Palestine ở Ramallah (Bờ Tây) ngày 28-11, theo thỏa thuận trao đổi giữa Israel và Hamas - Ảnh: REUTERS
Israel và Hamas thả thêm người
Lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas đã được gia hạn thêm hai ngày, nhằm tạo điều kiện cho các nỗ lực cứu trợ nhân đạo cho Dải Gaza.
Hôm 28-11, Hamas đã thả thêm 12 con tin, trong khi Israel thả 30 tù nhân người Palestine. Đây là nhóm người được thả trong ngày thứ năm trên tổng cộng sáu ngày tạm dừng bắn giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza.
Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cho biết 12 con tin đã được thả từ Dải Gaza. Quân đội Israel xác nhận 10 công dân Israel và hai người quốc tịch khác đã được chuyển cho các lực lượng đặc biệt của Israel trong lãnh thổ nước này.
Hamas được cho đã bắt 240 người sau vụ tấn công Israel ngày 7-10. Phía Israel đã đáp trả màn tấn công ấy bằng việc không kích và vây hãm Dải Gaza do Hamas kiểm soát. Cuộc chiến Israel - Hamas đã giết chết hơn 15.000 người tại Gaza trong chưa đầy hai tháng qua.
Israel và Hamas trước đó đồng ý một lệnh ngừng bắn tạm thời kéo dài bốn ngày, nhằm tạo điều kiện cho viện trợ đến được Gaza cũng như trao đổi tù nhân và con tin.
Lệnh tạm ngưng bắn này sau đó được nới rộng thành sáu ngày. Trong cùng ngày 28-11, ICRC thông báo họ đã hoàn tất việc thả 11 người Palestine bị bắt tại các trung tâm giam giữ của Israel, và đưa họ tới Ramallah.
Mỹ đưa máy bay tới viện trợ Gaza
Hôm 28-11, Mỹ cho biết đã gửi ba chiếc máy bay quân sự đầu tiên tới Ai Cập nhằm mang viện trợ đến Dải Gaza, cam kết hỗ trợ người Palestine.
Các chuyến bay này được thực hiện giữa lúc Israel và Hamas thực thi lệnh tạm dừng giao tranh sáu ngày. Việc dừng tiếng súng là một phần trong thỏa thuận giúp đưa viện trợ nhân đạo tới Gaza cũng như trao đổi tù nhân - con tin giữa Israel và Hamas.
"Nhu cầu nhân đạo tại Gaza đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải làm nhiều hơn nưa. Mỹ cũng cam kết với nỗ lực ấy", Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói.
Lãnh đạo Ấn Độ đánh giá cao nỗ lực giải cứu 41 thợ mỏ
Ngay sau khi giải cứu thành công toàn bộ 41 thợ mỏ khỏi đường hầm Silhyara ở bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đánh giá rằng đây là “tấm gương tuyệt vời về lòng nhân đạo, tinh thần đồng đội”.
Giải cứu toàn bộ 41 thợ mỏ mắc kẹt 17 ngày dưới đường hầm ở Ấn Độ
Theo Hãng tin Reuters, toàn bộ thợ mỏ đã được giải cứu thành công sau 17 ngày phối hợp làm việc không mệt mỏi của các lực lượng, trong đó có việc phải khoan lối bằng thủ công những ngày cuối. Tất cả các công nhân đã được kéo ra khỏi đường hầm trong khoảng một giờ.
Hiện các công nhân cần phải có thời gian để thích nghi lại với điều kiện trên mặt đất, nơi có nhiệt độ khoảng 14 độ C.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Ấn Độ đã đồng loạt bày tỏ sự vui mừng trước thông tin giải cứu thành công nói trên.
Thủ hiến bang Uttarakhand Pushkar Singh Dhami - người có mặt tại địa điểm cứu hộ trong suốt những ngày qua - hỏi han nam công nhân đầu tiên được giải cứu - Ảnh: REUTERS
Mỹ xem xét viện trợ Israel và Ukraine
Hôm 28-11, lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết trong tuần tới, Thượng viện sẽ bắt đầu xem xét các dự luật, bao gồm việc viện trợ cho Israel và Ukraine. Chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ khẳng định dự luật viện trợ là rất cần thiết, kể cả khi thỏa thuận này không được nhất trí với phe Cộng hòa về các biện pháp tài trợ cho an ninh biên giới.
Hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu Quốc hội phê duyệt gói tài chính 106 tỉ USD cho an ninh quốc gia. Số tiền này bao gồm viện trợ dành cho Ukraine cũng như hỗ trợ Israel sau vụ tấn công của Hamas ngày 7-10, đồng thời tài trợ cho an ninh biên giới với Mexico.
Mặc dù vậy, gói 106 tỉ USD này chưa được thông qua. Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã chấp nhận một khoản viện trợ cho Israel nhưng không đi kèm Ukraine và biên giới. Điều này khiến Đảng Dân chủ thất vọng vì họ muốn phải đính kèm cả Ukraine, Israel lẫn vấn đề biên giới trong một dự luật chi tiêu duy nhất.
Thổ Nhĩ Kỳ: Israel phải bị tòa án quốc tế xử vì "tội ác ở Gaza"
Trao đổi với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 28-11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định Israel phải chịu trách nhiệm trước tòa án quốc tế vì "tội ác chiến tranh" tại Dải Gaza.
Theo thông báo từ Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đã nhấn mạnh việc Israel "tiếp tục chà đạp luật pháp quốc tế, luật chiến tranh, và luật nhân đạo quốc tế", và phải chịu trách nhiệm cho hành động ở Gaza.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - Ảnh: REUTERS
Vào ngày 7-10, Hamas đã thực hiện vụ tấn công trên lãnh thổ Israel và làm chết 1.200 người. Đáp lại, Israel tấn công Gaza và được cho đã khiến khoảng 15.000 người thiệt mạng tính tới nay.
Dải Gaza do Hamas kiểm soát và trở thành mục tiêu của Israel. Nhưng đây cũng là nơi sinh sống của hơn 2,3 triệu người, đa số là người Palestine. Việc này khiến Israel gặp áp lực quốc tế trong vấn đề nhân đạo.
Mỹ bác việc Hamas dùng con tin người Mỹ làm điều kiện đàm phán
Ngày 28-11, Nhà Trắng cho biết các quan chức Mỹ không tìm thấy bằng chứng nói các tay súng Hamas đang dùng công dân Mỹ bị bắt ở Gaza làm đòn bẩy.
Hamas đã bắt 240 con tin ở Gaza từ sau vụ tấn công Israel ngày 7-10. Hiện nay phía Mỹ tin rằng Hamas đang giữ khoảng 8 - 9 người Mỹ, sau khi đã thả một bé gái 4 tuổi vừa qua.
Giáo hoàng hủy chuyến đi COP28
Giáo hoàng Francis đã lên kế hoạch tới Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) để dự sự kiện về khí hậu COP28. Ông được kỳ vọng sẽ là vị giáo hoàng đầu tiên tham dự sự kiện COP kể từ lúc khuôn khổ thảo luận về khí hậu này bắt đầu năm 1995. Tuy nhiên, chuyến đi này đã bị hủy do mối lo ngại về sức khỏe của Giáo hoàng.
Thời gian qua, Giáo hoàng bị viêm phổi và có các triệu chứng giống bệnh cúm. Trong thông báo đưa ra ngày 28-11, phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni cho biết dù sức khỏe của Giáo hoàng đã cải thiện, các bác sĩ khuyên ông không nên tới Dubai.
Kinh hoàng với rác nhựa
Bức ảnh chụp bằng drone cho thấy một cây cầu tại Dhaka, Bangladesh đã bị bủa vây “nghẹt thở” trong rác nhựa. Bangladesh là một trong những nước ô nhiễm rác nhựa nghiêm trọng nhất thế giới - Ảnh: Jahid Apu/EPOTY23
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online