Người dân Palestine xếp hàng nhận nước ở thành phố Khan Yunis ngày 4-12 trong lúc Israel đang đánh xuống miền nam Gaza - Ảnh: REUTERS
Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ở Istanbul ngày 4-12, Tổng thống Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ dùng những lời lẽ gay gắt để nói về Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
"Còn hơn một tội phạm chiến tranh, ông Netanyahu sẽ bị xét xử với tư cách là đồ tể của Gaza", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Erdogan nói. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích các nước phương Tây "mù và điếc" trước cái chết của những người vô tội ở Gaza và ủng hộ Israel.
Không giống như hầu hết các đồng minh phương Tây và một số quốc gia vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ không coi Hamas là một nhóm khủng bố và tiếp đón một số thành viên của tổ chức này.
Ngoài ra, ông Erdogan cho biết nhóm liên lạc của các nước Hồi giáo, được OIC và Liên đoàn Ả Rập thành lập vào tháng trước để tổ chức các cuộc đàm phán về Gaza với các nước phương Tây và các nước khác, sẽ tiếp tục thảo luận cho đến khi chấm dứt giao tranh ở Gaza.
Ông Erdogan nói Liên Hiệp Quốc đã thất bại về vấn đề Gaza và kêu gọi cải cách khẩn cấp cơ quan này. Ông cho rằng năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, gồm Mỹ , Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp, không đại diện cho thế giới.
"Một cấu trúc như vậy không thể mang lại hòa bình hay hy vọng cho nhân loại", ông nói.
Ngày 4-12, Israel đã mở rộng chiến sự khắp dải Gaza, kể cả khu vực phía nam mà hàng trăm ngàn người đang trú ẩn để tránh chiến sự ở miền bắc.
Theo Hãng tin AFP, các nhân chứng cho biết hàng chục xe tăng và các xe bọc thép chở quân, xe ủi của Israel đi vào phía nam Gaza, gần thành phố Khan Yunis tập trung đông người Palestine di tản. Trước đó, quân đội của Tel Aviv khẳng định sẽ tiến đến mọi mặt trận có Hamas.
Ngày 4-12, quân đội Israel xác nhận đang hoạt động "quyết đoán" chống lại "Hamas và các tổ chức khủng bố khác" ở Khan Yunis.
Cùng ngày, cơ quan y tế ở Gaza thông báo số người Palestine thiệt mạng đến nay đã tăng lên gần 16.000 người và hơn 42.000 người bị thương. Vùng đất này rơi vào khủng hoảng từ ngày 7-10, khi phong trào Hồi giáo Hamas tấn công qua biên giới khiến hơn 1.200 người chết ở Israel và bắt hơn 240 con tin.
Trong gần 2 tháng qua, Israel đã phản công quyết liệt trước khi hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 7 ngày từ 24-11. Tuy nhiên thỏa thuận đã chấm dứt sau 7 ngày.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online