Sau cuộc đột kích của Hamas vào Israel hôm 7/10, Qatar bị các quan chức Israel, chính trị gia Mỹ và truyền thông chỉ trích vì đã chuyển hàng trăm triệu USD viện trợ tài chính cho Gaza, nơi Hamas nắm quyền quản lý.
Qatar tuyên bố sẽ không ngừng các khoản hỗ trợ tài chính này. Ngoại trưởng Mohammed bin Abdulaziz al-Khulaifi hôm 11/12 nói với kênh CNN rằng chính phủ Qatar sẽ tiếp tục chuyển tiền cho Gaza nhằm hỗ trợ vùng đất, như những gì họ đã làm suốt nhiều năm qua.
Một tay súng Hamas tại trung tâm Dải Gaza hồi tháng 7. Ảnh: Reuters
"Chúng tôi sẽ không thay đổi lập trường. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp đỡ và hỗ trợ liên tục cho anh chị em Palestine. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện một cách có hệ thống như chúng tôi đã làm trước đây", ông cho hay.
Năm 2018, Qatar bắt đầu chuyển tiền hàng tháng cho Dải Gaza. Khoảng 15 triệu USD tiền mặt đựng trong những chiếc vali được Qatar chuyển qua lãnh thổ Israel vào Gaza sau nhiều tháng đàm phán.
Các khoản hỗ trợ này bắt đầu được Qatar chi cho Gaza sau khi Chính quyền Palestine, hiện quản lý khu vực Bờ Tây, đối thủ của Hamas, quyết định cắt giảm lương nhân viên chính quyền ở Gaza vào năm 2017, một nguồn tin chính quyền Israel am hiểu vấn đề cho biết.
Hamas thời điểm đó cho hay khoản tài trợ này được dùng để trả lương nhân viên chính phủ cũng như phục vụ các mục đích y tế tại Gaza. Israel phê chuẩn thỏa thuận trên trong một cuộc họp nội các an ninh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu vào tháng 8/2018. Lúc bấy giờ, ông Netanyahu cũng bị đối tác trong liên minh cầm quyền chỉ trích vì tỏ ra quá mềm mỏng với Hamas.
Thủ tướng Israel vẫn bảo vệ sáng kiến, nói rằng thỏa thuận được thực hiện "với sự phối hợp của các chuyên gia an ninh để mang lại bình yên cho những ngôi làng Israel ở phía nam, đồng thời ngăn chặn thảm họa nhân đạo tại Gaza".
Theo truyền thông Israel và quốc tế, Thủ tướng Netanyahu phê chuẩn kế hoạch cho phép Qatar viện trợ tài chính cho Gaza với hy vọng nó có thể khiến Hamas trở thành đối trọng với Chính quyền Palestine và ngăn chặn việc thành lập một nhà nước Palestine.
Các quan chức Chính quyền Palestine phản đối thỏa thuận, cho rằng những khoản hỗ trợ tiền mặt như vậy đã thổi bùng chia rẽ giữa những phe phái Palestine tại Gaza.
Thiếu tướng Amos Gilad, cựu quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Israel, cho hay Thủ tướng Netanyahu ủng hộ kế hoạch này, nhưng nó lại không được cộng đồng tình báo hậu thuẫn.
Nhiều người tin rằng nó "sẽ làm suy yếu chủ quyền của người Palestine", ông Gilad thêm. "Cũng có những ảo tưởng rằng nếu bạn cho Hamas nhiều tiền, họ sẽ chịu khuất phục".
Shlomo Brom, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Israel, cho hay việc Hamas được bơm tiền đều đặn hàng tháng từ Qatar đã giúp Thủ tướng Netanyahu tránh phải đàm phán về phương án một nhà nước Palestine. Những chia rẽ bên trong cộng đồng Palestine khiến lập luận của Thủ tướng Israel rằng ông không có đối tác đủ tin cậy để thảo luận càng trở nên thuyết phục.
Cựu thủ tướng Israel Naftali Bennett hôm 10/12 cho hay khi còn làm bộ trưởng giáo dục, ông đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc cho phép Qatar chuyển tiền tới Gaza. Khi lên nắm quyền thủ tướng vào năm 2021, ông đã chấm dứt chính sách này.
"Tôi ngừng cho phép chuyển các vali tiền vào biên giới Gaza vì tin rằng đó là sai lầm khủng khiếp. Với những vali tiền đó, Hamas sẽ dùng chúng chống lại Israel. Tại sao chúng ta lại phải cấp tiền để họ tấn công chúng ta?", ông đặt câu hỏi.
Các khoản thanh toán bằng tiền mặt đã dừng lại, nhưng việc chuyển tiền tới Gaza vẫn diễn ra, kể cả dưới thời chính quyền Bennett, và nối lại sau khi ông Netanyahu tiếp tục lên nắm quyền.
Một quan chức chính phủ Israel bảo vệ quan điểm của Thủ tướng Netanyahu, cho rằng chuyển tiền tới Gaza là nhằm "ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo bằng cách hỗ trợ những cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó có hệ thống nước và xử lý nước thải để ngăn dịch bệnh lây lan và đảm bảo cuộc sống hàng ngày" cho người dân.
Nhưng thỏa thuận chuyển tiền tới Gaza là một phần lý do khiến nhiều người Israel đổ lỗi cho ông về vụ đột kích hôm 7/10 của Hamas. Họ tin rằng khoản tiền đó là "nguồn dưỡng khí" giúp Hamas mạnh hơn và khiến cuộc tấn công trở nên chết chóc hơn.
"Chính sách của Thủ tướng coi Hamas như một đối tác... đã tạo ra những vết thương mà Israel sẽ phải mất nhiều năm mới có thể hàn gắn", bình luận viên Tal Schneider viết trên báo Times of Israel hôm 8/10, một ngày sau cuộc tấn công.
Gilad, cựu quan chức quốc phòng Israel, cho biết ông nằm trong số những người phản đối kịch liệt thỏa thuận chuyển tiền tới Hamas, khẳng định đây là một "sai lầm bi thảm".
Với số tiền đó, "họ có thể chăm sóc cho người dân, tăng cường khả năng quân sự và nâng cao năng lực của mình", ông nói hồi tuần trước.
Qatar vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với cả Hamas và các nước phương Tây, trong đó có Mỹ. Họ đã bị chỉ trích gay gắt vì cho phép Hamas thành lập văn phòng chính trị ở Doha, hoạt động từ năm 2012.
Nhưng Qatar cũng tỏ ra hữu ích đối với Israel, khi đóng vai trò dẫn đầu trong nỗ lực đàm phán trao trả con tin với Hamas.
Dù vậy, một số quan chức Israel, trong đó có Ngoại trưởng Eli Cohen, cáo buộc Qatar nằm trong số những nước phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công hồi tháng 10 và rằng quốc gia Arab ở Vùng Vịnh này đang hỗ trợ Hamas.
Gilad nói rằng Qatar "trao cho Hamas 30 triệu USD mỗi tháng và họ đã sử dụng số tiền đó để tăng cường, củng cố quyền kiểm soát đối với Dải Gaza". "Nó giống như oxy vậy", ông nhấn mạnh.
Qatar bác bỏ cáo buộc của các quan chức Israel, cảnh báo rằng "những tuyên bố khiêu khích này" có thể làm suy yếu nỗ lực hòa giải và thậm chí "gây nguy hiểm đến tính mạng con người".
Qatar phủ nhận những khoản tiền họ chuyển tới Gaza là dành cho Hamas, khẳng định chúng nhằm mục đích viện trợ để trả lương nhân viên chính quyền tại khu vực bị bao vây.
Nhóm lưỡng đảng gồm 113 nghị sĩ Mỹ hôm 16/10 gửi thư tới Tổng thống Joe Biden, yêu cầu ông gây áp lực lên các nước ủng hộ Hamas, trong đó có Qatar.
Bộ trưởng Qatar Al-Khulaifi, người dẫn đầu nỗ lực hòa giải Israel - Hamas, nói rằng đất nước ông "sẽ tiếp tục tham gia với các đối tác khu vực và quốc tế để đảm bảo rằng những khoản tiền đó có thể tiếp cận được những người dễ bị tổn thương nhất và các cơ sở hạ tầng quan trọng nhất".
Vũ Hoàng (Theo CNN)
Nguồn: VNEXPRESS.NET