Donald Trump gây chấn động khi đề xuất các nước NATO tăng gấp đôi mục tiêu chi tiêu quốc phòng và để ngỏ khả năng sử dụng biện pháp quân sự để giành quyền kiểm soát Kênh đào Panama và Greenland.

Ai sở hữu Greenland?

Năm 1979, Đan Mạch trao quyền tự chủ cho Greenland, cho phép hòn đảo lớn nhất thế giới này tự quản trong các lĩnh vực như kinh tế, thuế, giáo dục, văn hóa và phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, Đan Mạch vẫn kiểm soát hiến pháp, quan hệ đối ngoại và quốc phòng. Greenland là một phần của Đan Mạch, người dân ở đây là công dân Đan Mạch với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ.

Đan Mạch và chính quyền Greenland quản lý chung tài nguyên khoáng sản. Theo trang Bách khoa toàn thư Britannica, có lẽ chính điểm này đã thúc đẩy người dân Greenland bỏ phiếu áp đảo vào năm 2008 để tăng quyền tự chủ, dẫn đến thỏa thuận mở rộng năm 2009 với Đan Mạch.

Theo thỏa thuận tự chủ mở rộng, Greenland trở thành một đơn vị tự quản hành chính, được giữ lại phần lớn doanh thu từ dầu mỏ và khoáng sản, đồng thời tự quyết gần như toàn bộ các vấn đề nội bộ. Tiếng Greenland cũng trở thành ngôn ngữ chính thức.

Cho đến hiện tại, Đan Mạch vẫn hợp tác với các chính quyền Greenland, tiếp tục quản lý quan hệ đối ngoại và quốc phòng của hòn đảo. Không quốc gia nào có thể tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Greenland mà không có sự đồng ý của cả chính quyền Đan Mạch và hòn đảo này.

1 Trump Doi Tang Chi Tieu Quoc Phong Nato Len 5 Khong Loai Tru Hanh Dong Quan Su O Greenland

Donald Trump (78 tuổi) trong bài phát biểu tại Mar-a-Lago (Palm Beach/Florida) - Ảnh: Carlos Barria/REUTERS

Donald Trump đang vạch ra một kịch bản mới cho phương Tây: các quốc gia thành viên NATO trong tương lai phải chi tới 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.

Trước đây, NATO đã thống nhất mức chi tiêu mục tiêu là 2% GDP. Tuy nhiên, nhiều quốc gia - trong đó có Đức - đã không thực hiện cam kết này trong nhiều thập kỷ qua.

Trump từng chỉ trích: "Đức chỉ chi dưới 1%" trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông (thực tế con số này cao hơn 1% một chút). Mãi đến năm ngoái, chính phủ Đức mới lần đầu tiên đạt được mục tiêu 2% sau ba thập kỷ.

Không chỉ vậy, Trump còn nhiều lần đe dọa sẽ không bảo vệ các nước NATO trước Nga trong trường hợp khẩn cấp.

Đáng chú ý, ứng cử viên lãnh đạo Đảng Xanh Robert Habeck mới đây cho rằng cần phải chi 3,5% GDP cho quốc phòng. Ông nói với tạp chí "Spiegel": "Chúng ta cần chi gần gấp đôi cho quốc phòng để Putin không dám tấn công. Chúng ta phải đảm bảo hòa bình và ngăn chặn chiến tranh lan rộng".

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (SPD) đã chỉ trích đề xuất của chính trị gia Đảng Xanh là "nửa vời".

Tuy nhiên, yêu cầu của Trump còn cao hơn nhiều so với Habeck, tương đương khoảng 210 tỷ euro.

Gây tranh cãi hơn nữa, trong bài phát biểu hôm thứ Ba, Trump không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự để giành quyền kiểm soát Kênh đào Panama hoặc Greenland.

Khi được hỏi liệu có thể đảm bảo không sử dụng các biện pháp cưỡng chế quân sự hoặc kinh tế hay không, Trump đáp: "Không." Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, người có thể quay lại Nhà Trắng vào ngày 20/1, nói thêm rằng "có thể phải làm điều gì đó".

Kênh đào Panama - một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất thế giới - được Mỹ xây dựng vào đầu thế kỷ 20 và từng nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ trước khi quyền quản lý được chuyển giao dần cho Panama.

Tại Mar-a-Lago, Trump than phiền: "Kênh đào Panama rất quan trọng đối với đất nước chúng tôi. Hiện nó đang được điều hành bởi Trung Quốc."

Thu Phương


© 2025 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài