Theo các chuyên gia, nỗ lực phát triển lĩnh vực máy bay không người lái (UAV) không những giúp Ukraine chiếm ưu thế trước quân xâm lược Nga trong cuộc đua này, mà còn giúp Kiev giảm phụ thuộc vào vũ khí phương Tây.

1 Ukraine Chiem Uu The Trong Cuoc Dua Uav Voi Nga

Một máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) (Ảnh minh họa: Getty).

UAV đã thống trị chiến trường ở Ukraine, được cả 2 bên sử dụng cho mục đích chiến đấu và thu thập thông tin tình báo. Mặc dù ngày càng có nhiều UAV quân sự truyền thống đang hoạt động, máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) trở nên đặc biệt nổi bật và được chứng minh là phương pháp rẻ tiền và hiệu quả để thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào đối phương.

Tầm quan trọng ngày càng lớn của UAV trong cuộc xung đột hơn 2 năm qua đã thúc đẩy Ukraine và Nga tăng cường nỗ lực trong nước để sản xuất các hệ thống không người lái, khởi động một cuộc chạy đua vượt trội về khả năng sản xuất.

Kiev dường như đang chiếm ưu thế. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong tuần này cho biết, các công ty quốc phòng của Ukraine hiện có thể sản xuất 4 triệu UAV/năm.

Ngược lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng trước cho biết Moscow có ý định tăng cường sản xuất UAV gấp 10 lần lên khoảng 1,4 triệu chiếc mỗi năm, thấp hơn đáng kể so với nước láng giềng.

Ukraine đã đặt ra các mục tiêu sản xuất đầy tham vọng, nhất là với FPV. Kiev cũng xây dựng một kho vũ khí gồm các xuồng không người lái được sử dụng để tấn công Hạm đội Biển Đen của Nga và các UAV tấn công tầm xa dùng để tập kích các cơ sở quân sự và năng lượng quan trọng sâu bên trong nước Nga.

Sản lượng UAV của Ukraine ngày càng tăng trong bối cảnh nước này đang nỗ lực mở rộng quy mô cơ sở công nghiệp quốc phòng. Kiev từ chỗ gần như không sản xuất vũ khí trước xung đột đã chuyển sang sản xuất đạn dược mới với tốc độ cực nhanh.

"Nhiều năm trước, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine có vẻ như bất lực, thì ngày nay đây là ngành đang trên đà dẫn đầu, ít nhất là ở châu Âu", Tổng thống Zelensky nói.

Các nhà phân tích xung đột tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington trong tuần này nhận định, những nỗ lực không ngừng của Kiev nhằm phát triển sản xuất quân sự trong nước cuối cùng sẽ cho phép nước này giảm sự phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nhấn mạnh, Kiev "vẫn cần sự hỗ trợ đáng kể của phương Tây trong vài năm tới để đối phó Nga và giành lại các vùng lãnh thổ quan trọng đang bị Nga kiểm soát.

Các nước phương Tây đã cung cấp hơn 100 tỷ USD viện trợ quân sự và an ninh cho Ukraine. Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất, với tổng hỗ trợ an ninh trị giá gần 60 tỷ USD kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022.

Đến nay, các nước này vẫn chưa đáp ứng đề nghị của Kiev về việc cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Theo Business Insider


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài