Buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Hành trình mơ ước – Đến Mỹ và Canada” do Du lịch Hoàn Mỹ phối hợp với Báo Thanh Niên tổ chức từ 11.5 – 11.8.2018.
Hơn 300 người đăng ký và 150 người may mắn đoạt “vé” dự tọa đàm Hỏi viên chức lãnh sự Mỹ về visa du lịch Mỹ. Hàng chục cánh tay đưa lên mỗi khi có cơ hội để tranh “vé” được hỏi trực tiếp bà Mary Trechock – viên chức lãnh sự Mỹ.
Cả trăm câu hỏi được gửi đến chương trình Hành trình mơ ước đến Mỹ và Canada về chủ đề visa du lịch Mỹ…
Tất cả những điều đó cho thấy sự quan tâm của công chúng đối với tấm visa du lịch Mỹ là rất lớn, bởi phải có “giấy thông hành” trong tay, giấc mơ chinh phục quốc gia có quá nhiều điều đặc biệt này mới có thể trở thành sự thật, ngay cả khi bạn đã dư điều kiện tài chính, dư thời gian và dư sự hăm hở để bay đến quốc gia cách xa nửa vòng trái đất…
Tọa đàm Hỏi viên chức lãnh sự Mỹ về visa du lịch Mỹ do cuộc thi Hành trình mơ ước đến Mỹ và Canada tổ chức tại tòa soạn Báo Thanh Niên đã cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích cho bạn đọc.
“Leo rào” – nhiệm vụ của người xin visa
Giữa rất nhiều “cú rớt lộp độp” của những người xin visa du lịch Mỹ trong mùa hè năm nay – mùa cao điểm du lịch – bà Trechock khẳng định chính quyền Mỹ không có bất kỳ một thay đổi nào trong chính sách cấp các loại visa không di dân, bao gồm du lịch. Nhìn chung, điều kiện cấp các loại visa không di dân vẫn như cũ giữa rất nhiều tin tức về chính sách hạn chế nhập cư của chính quyền Mỹ hiện nay.
Điều kiện đầu tiên mà viên chức lãnh sự đánh giá đương đơn xin visa du lịch là họ chỉ đơn thuần đi du lịch hay có ý định gì khác, họ có những mối ràng buộc chặt chẽ ở quê nhà để quay trở về hay không.
Một điểm mấu chốt khác mà bà Trechock chia sẻ: Viên chức lãnh sự phải xác định đương đơn có ý định ở lại Mỹ sinh sống hay không. “Trong cuộc phỏng vấn, chúng tôi luôn bắt đầu từ rào cản rằng đương đơn có ý định di dân đến Mỹ.
Về phía đương đơn, họ phải chứng minh ngược lại cho chúng tôi thấy họ không có ý định đó! Gánh nặng chứng minh thuộc về đương đơn, tôi xin lỗi phải nói với các bạn điều đó.
Các bạn cũng phải cân não ngang ngửa chúng tôi!”. Chứng minh bằng cách nào? Bằng mối ràng buộc ở VN – có thể là công việc, gia đình, thu nhập – khiến bạn chỉ muốn quay về sau khi thăm thú nước Mỹ.
Nhiều giám đốc lắm !
Đã xin visa du lịch Mỹ, phần lớn đương đơn có điều kiện tài chính để chi trả cho chuyến đi đó. Một phần không nhỏ trong số này là doanh nhân, là giám đốc hoặc có công ty riêng.
Đó hẳn là một điểm cộng cho thấy họ có mối ràng buộc mạnh mẽ ở VN về mặt công việc để quay trở lại. Điều này thường được họ trình bày với viên chức lãnh sự trong cuộc phỏng vấn xin visa du lịch với tất cả niềm tự hào.
Nhưng hãy lắng nghe chia sẻ của bà Trechock:
“Có cả 50% những người kinh doanh mà tôi từng phỏng vấn đều nói họ là giám đốc, nếu không cũng là phó giám đốc. Giám đốc nhiều lắm!”.
Nhưng đa phần chỉ nói chung chung như thế trong khi điều đó không thể cho thấy mối ràng buộc công việc, tình trạng tài chính của người xin visa, bởi làm giám đốc một cơ sở nhỏ kinh doanh trong phòng khách gia đình với 3 nhân viên khác hẳn với một công ty có 1.000 nhân viên với tòa nhà 5 tầng thuê ở quận 1, TP.HCM.
“Chúng tôi cần thông tin cụ thể và nhiệm vụ của các bạn là chứng minh mình có những ràng buộc rất mạnh mẽ ở VN mà các bạn không muốn từ bỏ nó” – đó là chia sẻ của viên chức lãnh sự Mỹ.
Có rất nhiều lời khuyên bổ ích của bà Trechock trong phần một của buổi tọa đàm.
Ngoài ra, trong phần hai, bà Tiêu Thụy Thùy Trang – Phó giám đốc Công ty Du lịch Hoàn Mỹ – còn chia sẻ các kinh nghiệm thiết thực để chuẩn bị tốt hồ sơ xin visa, đặc biệt là các hồ sơ có thân nhân làm nail, việc gia hạn visa, hủy bỏ visa, xin visa du lịch khi có hồ sơ bảo lãnh…
Báo Thanh Niên