Tỷ phú Oleg Deripaska được cho là khá thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Deripaska sở hữu tài sản ròng khoảng 2,5 tỷ USD theo ước tính của Forbes. Ông hiện đứng đầu công ty nhôm lớn thứ hai thế giới United Company Rusal.
Vị doanh nhân đã đưa ra cảnh báo trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình, nói rằng giá các mặt hàng năng lượng nhìn chung đang giảm và điều này có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga vốn phụ thuộc rất lớn vào việc xuất khẩu năng lượng.
Nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng nề từ tháng 2/2022 sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine kéo theo 13.000 lệnh hạn chế và trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, theo Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.
Dự trữ ngoại hối lên tới 300 tỷ USD của Nga đã bị đóng băng, nước này cũng bị loại khỏi hệ thống ngân hàng SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu).
Chi tiêu quân sự tăng lên cũng tác động không nhỏ tới nền kinh tế của Nga. Sau khi đồng rúp chạm mức thấp nhất trong 17 tháng so với đồng USD vào tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã tăng lãi suất từ 8,5% lên 12% tại một cuộc họp khẩn cấp.
Tháng trước, ngân hàng này một lần nữa nâng lãi suất cơ bản thêm 2% lên mức 15%/năm trong bối cảnh lạm phát tăng cao hơn dự báo. Trong một tuyên bố, CBR cho biết áp lực lạm phát ở Nga hiện đã tăng cao hơn mức dự báo của ngân hàng này và “gây ra rủi ro đáng kể”.
CBR dự báo mức lạm phát của Nga sẽ vào khoảng 7-7,5% trong năm nay, tăng 1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Tới ngày 17/11, các nhà lập pháp Nga đã thông qua ngân sách năm 2024 với số tiền kỷ lục dành cho chi tiêu quốc phòng. Bộ Tài chính Nga cho biết họ dự tính tổng chi tiêu vào năm 2024 sẽ đạt 36,66 nghìn tỷ rúp (411 tỷ USD), với mức thâm hụt ngân sách dự đoán là 0,8% tổng sản phẩm quốc nội của Nga, hãng tin AP đưa tin.
Tỷ phú Deripaska cảnh báo rằng ngân sách năm tới có thể thiếu 10 – 12 nghìn tỷ rúp (112,8 đến 135,36 tỷ USD). “Điều này có thể được gây ra bởi sự sụt giảm chung về giá nguyên liệu thô trên toàn cầu khiến tăng trưởng kinh tế bị kìm hãm", ông Deripaska cho hay.
“Chúng ta có khoản thu thuế kỷ lục trong năm nay là 46 nghìn tỷ rúp (512 tỷ USD). Trong năm tới, ngân sách có thể sẽ chạm đáy", vị tỷ phú nhấn mạnh thêm.
IMF mới đây dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm nay sau khi giảm 2,1% vào năm ngoái, mặc dù họ dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP sẽ chậm lại còn 1,1% vào năm 2024.
Nền kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ nhưng giá dầu thô đã chạm mức thấp nhất trong 4 tháng vào tuần trước bất chấp căng thẳng quốc tế về xung đột ở Gaza và Ukraine.
Trong một chủ đề trên X, nhà kinh tế học người Thụy Điển Anders Aslund, người từng là cố vấn kinh tế cho cả chính phủ Nga và Ukraine trước đây, giải thích rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moscow đang phát huy hiệu quả.
"Các chính trị gia phương Tây thích nói về 'các lệnh trừng phạt từ địa ngục', nhưng các lệnh trừng phạt hiệu quả sẽ lấy đi 2-3% GDP mỗi năm và họ đã làm điều đó với Nga, quốc gia có GDP trì trệ kể từ năm 2014", ông Aslund nhận định.
"Ngược lại, Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo Nga đều tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt chỉ làm cho họ mạnh mẽ hơn và rằng chúng phải được bãi bỏ. Điều này dường như cho thấy các biện pháp trừng phạt thực sự có tác dụng", nhà kinh tế học người Thụy Điển nói thêm.
Theo ông Aslund, kỳ vọng của các nước phương Tây khi tung ra các lệnh trừng phạt là để khiến nền kinh tế Nga trì trệ. Các lệnh trừng phạt công nghệ ngày càng chặt chẽ hơn sẽ khiến công nghệ Nga trở nên lỗi thời hơn bao giờ hết. Còn các lệnh trừng phạt tài chính và năng lượng sẽ đe doạ ngân sách của Nga.
Vị chuyên gia này cho rằng để đạt được các mục tiêu này, phương Tây cần thắt chặt các lệnh trừng phạt cá nhân, trừng phạt tất cả các công ty công nghiệp-quân sự của Nga, đặc biệt là Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Rosatom. Đồng thời tăng cường các lệnh trừng phạt về năng lượng và công nghệ.
Quang Đăng
Theo News Week