Hình ảnh so sánh công trình Mã Pì Lèng Panorama trước và sau cải tạo làm nổi sóng mạng xã hội gần đây
Gần đây, dư luận lại được phen nổi sóng trên mạng xã hội khi hình ảnh so sánh trước và sau cải tạo của công trình nhà nghỉ, nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama được đưa ra cho thấy sau cải tạo thành điểm dừng chân thì công trình "nổi tiếng" này lại cao thêm một tầng mái, mặt tiền bề thế hơn hẳn.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online tại Hà Giang cho biết công trình này vẫn đang được cải tạo chứ chưa hoàn chỉnh để trình UBND tỉnh Hà Giang thông qua, đi vào hoạt động chính thức. Mặc dù vậy, trong thời gian cải tạo thì nơi này vẫn mở cửa đón khách dừng chân ngắm cảnh.
Mấy tháng qua, chủ đầu tư công trình nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama đã cho cải tạo theo yêu cầu của UBND tỉnh Hà Giang, sơn sửa lại các tầng giật cấp thành màu đá, cải tạo phần nổi trên mặt đất theo kiến trúc truyền thống, có mái ngói chứ không phải mái bằng như cũ.
Tuy nhiên, trong khi UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu phải đập bỏ một tầng nổi trên mặt đất thì công trình hiện tại lại vẫn có hai tầng nổi trên mặt đất và thêm một tầng áp mái.
Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Giang cùng chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc qua điện thoại nhưng cả hai vị lãnh đạo đều không trả lời điện thoại hay tin nhắn.
Công trình Mã Pì Lèng Panorama sau cải tạo còn cho cảm giác bề thế hơn trước - Ảnh: ĐỨC KẾ
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Ban thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, người được UBND tỉnh Hà Giang tham vấn ý kiến trong một hội nghị xin với các chuyên gia tìm phương án cải tạo công trình Mã Pì Lèng Panorama hồi đầu năm 2020 - cho biết ông từng góp ý cho Hà Giang phải làm sao cải tạo công trình hài hòa cảnh quan Mã Pì Lèng, thấp nhỏ thôi, đúng là kiến trúc của một điểm dừng chân, mang yếu tố văn hóa bản địa.
Nhưng phần kiến trúc nổi trên mặt đất của công trình Mã Pì Lèng Panorama vừa được cải tạo thì ông Tùng khá thất vọng vì nhìn qua hình ảnh, video thì rõ ràng mặt đứng của công trình vẫn lớn so với một công trình trạm dừng chân ngắm cảnh cần có, vẫn lấn át cảnh quan xung quanh.
"Đây là một tòa nhà chứ không phải một điểm dừng chân. Họ đã cố gắng trả lại màu xám của đá, của núi cho công trình, nhưng còn phần kiến trúc tầng nổi tại sao họ không cố gắng làm tốt. Kiến trúc sư thiết kế cái này rõ ràng là tay nghề kém", ông Tùng nói.
Chính ông Tùng là người tham góp cho Hà Giang nên lợp mái âm dương cho công trình này chứ không phải mái bằng như cũ, chủ đầu tư đã tiếp thu, lợp mái cho công trình mới, nhưng ông Tùng thất vọng vì đó không phải mái âm dương của kiến trúc bản địa và độ dốc của mái cũng không hợp lý.
"Đáng lẽ họ phải tháo dỡ đi một tầng, xử lý lại kiến trúc đó thân thiện với cảnh quan xung quanh chứ đừng làm nó nổi bật lên. Một kiến trúc điểm dừng chân thành công là phải mang nhiều giá trị văn hóa bản địa trong nó, gợi người ta thêm yêu cảnh quan nơi đó và muốn trở lại. Ở đây họ quên rằng văn hóa làm ra tiền chứ tiền không làm ra văn hóa", ông Tùng nói.
Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương (Hà Nội) thì tỏ ra quá thất vọng khi thấy sự ngạo nghễ của công trình Mã Pì Lèng Panorama sau cải tạo. Nhưng anh cũng "lạc quan" rằng khi thế hệ con cháu tiến bộ hơn, chúng sẽ đập bỏ công trình này.
Trước đó, hồi tháng 3, UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt phương án cải tạo công trình Mã Pì Lèng Panorama thành điểm dừng chân, không có dịch vụ ngủ nghỉ, sau khi xin ý kiến các cơ quan trung ương và các chuyên gia.
Theo đó, công trình phải cắt bớt một tầng trong tổng số 2 tầng nổi trên mặt đất. Phần kiến trúc còn lại bao gồm một tầng nổi trên mặt đất cộng với 5 tầng giật cấp xuống triền dốc sẽ được cải tạo cho hài hòa tỉ lệ và hài hòa với cảnh quan.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online