Với những đề xuất liên quan thuế quan linh kiện bán dẫn, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia bị ảnh hưởng trong cuộc chiến công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

1 Do Dien Tu Lap Rap Tai Viet Nam Dung Linh Kien Trung Quoc Se Bi My Ap Thue Moi

Trong chiến lược của Mỹ đối với ngành công nghiệp bán dẫn, một điểm đáng chú ý là đề xuất áp dụng "thuế quan linh kiện" - hình thức thuế không dựa trên nơi lắp ráp cuối cùng của thiết bị mà dựa vào nguồn gốc của các linh kiện bên trong.

Điều này có nghĩa là các sản phẩm điện tử, dù được lắp ráp tại Việt Nam hay các quốc gia Đông Nam Á khác, nếu sử dụng linh kiện từ Trung Quốc, sẽ phải chịu thuế quan theo quy định mới.

Chính sách này có thể khiến Việt Nam, nơi hiện đang là một điểm đến quan trọng cho hoạt động lắp ráp thiết bị điện tử, trở thành một mục tiêu trong cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tính đến hết tháng 7, số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, các nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất chủ yếu các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,19 tỉ USD, tăng 50,8% (tương ứng tăng 4,45 tỉ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 11,15 tỉ USD, tăng 19,9% (tương ứng tăng 1,85 tỉ USD); điện thoại các loại và linh kiện đạt 6,49 tỉ USD, tăng 31,9% (tương ứng tăng 1,57 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Việc áp thuế linh kiện chip của Trung Quốc, dù được lắp ráp ở đâu, có thể khiến các quốc gia như Việt Nam, nơi các nhà máy sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử lớn của Trung Quốc đặt cơ sở, gặp khó khăn trong việc duy trì lợi thế về chi phí sản xuất.

Các sản phẩm được lắp ráp tại Việt Nam nhưng sử dụng linh kiện từ Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế cao hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu và thương mại giữa hai quốc gia.

Thuế quan linh kiện sẽ tác động tới những trung tâm lắp ráp điện tử như Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác. Ảnh: FT

Thuế quan linh kiện là biện pháp Washington cân nhắc áp dụng, nhằm bảo vệ các phân khúc công nghiệp bị ảnh hưởng bởi các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc, những doanh nghiệp nhận được sự trợ cấp đáng kể từ phía nhà nước.

Tuy nhiên, việc áp thuế lên các quốc gia như Việt Nam, nơi xuất khẩu thiết bị điện tử thúc đẩy thặng dư thương mại cao hơn với Mỹ, có thể tạo ra một sự thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước đó, chính quyền Trump và Biden cũng đã triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các công ty Mỹ cung cấp chip và công nghệ sản xuất bán dẫn cho Trung Quốc.

Các biện pháp này đã ảnh hưởng đến không chỉ các công ty Trung Quốc như Huawei mà còn tác động đến các quốc gia và công ty cung cấp linh kiện quan trọng cho ngành công nghiệp chip.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu này sẽ tiếp tục được siết chặt, tạo ra sự bất ổn trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

Sự ra đời của Đạo luật CHIPS đã mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp chip Mỹ với các khoản trợ cấp và đầu tư để thúc đẩy sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, một số công ty chip, đặc biệt là những công ty có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà sản xuất tại Đài Loan (Trung Quốc) và Đông Nam Á, lo ngại rằng thuế quan và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có thể gây trở ngại cho kế hoạch mở rộng sản xuất.

Trong khi đó, các công ty chip ở Mỹ cũng đang đối mặt với những thách thức lớn trong việc phát triển sản xuất trong nước. Các khoản trợ cấp từ Đạo luật CHIPS có thể không đủ để bù đắp những khó khăn trong việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là khi các nhà sản xuất ở các quốc gia Đông Nam Á, như Việt Nam, có chi phí lao động thấp và môi trường sản xuất thuận lợi.

Một số doanh nghiệp điện tử Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc, gấp rút dự phòng linh kiện tại đây nhằm giảm thiểu tác động của thuế quan đối với nhóm mặt hàng này.

Chẳng hạn, Microsoft đã yêu cầu các nhà cung cấp chuẩn bị thêm linh kiện cho cơ sở hạ tầng máy chủ đám mây từ tháng 11 đến tháng 12/2024.

Những linh kiện này chủ yếu sẽ phục vụ cho việc lắp ráp các sản phẩm như máy chơi game Xbox và máy tính xách tay Surface.

Ngoài ra, công ty cũng khẩn trương yêu cầu các nhà cung cấp tiến hành lắp ráp và sản xuất những sản phẩm này ngoài Trung Quốc càng sớm càng tốt.

Tương tự, hai đối thủ lớn của Microsoft là HP và Dell, cũng đang trao đổi với các nhà cung cấp về kế hoạch sản xuất linh kiện bổ sung.

Cả hai công ty này đều đang xem xét lại các kế hoạch mua sắm linh kiện cho năm 2025, với mục tiêu giảm dần tỷ lệ sản xuất linh kiện tại Trung Quốc đối với các sản phẩm như máy tính xách tay và máy tính để bàn.

Chiu Shih-fang, một nhà phân tích chuỗi cung ứng kỳ cựu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nhận định rằng chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng hiện đã bước vào một giai đoạn mới, trong đó các nhà cung cấp linh kiện cũng phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong việc xây dựng năng lực sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

"Ngay cả các nhà cung cấp linh kiện, không chỉ các công ty lắp ráp sản phẩm cuối cùng, cũng đang cảm thấy áp lực phải hành động nhanh chóng, chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, đặc biệt là sau khi Trump thắng cử", ông Chiu cho biết.

Theo Financial Times 

Nguồn: Báo điện tử VietnamNet


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài