Đa số các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có niềm tin với kết quả bầu cử Mỹ, nhất là khi ông Trump thắng cử sẽ có nhiều triển vọng xuất khẩu, điểm sáng là nông sản Việt Nam vào Mỹ.

1 Doanh Nghiep Viet Thap Thom Cho Ket Qua Cuoc Bau Cu My

Thanh long của Việt Nam là một trong tám loại trái cây tươi được phép nhập khẩu vào Mỹ, nhiều doanh nghiệp Việt kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng lên sau bầu cử Mỹ - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Hôm nay cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra. Doanh nghiệp Việt cũng nín thở chờ đợi "cánh cửa mới" trong thương mại dù ông Trump hay bà Harris thắng cử.

Khách hàng Trung Quốc sẽ chuyển hướng, hàng Việt Nam thêm cơ hội

Là tập đoàn chế biến xuất khẩu cá tra và có mặt ở hơn 30 quốc gia trên khắp thế giới, Tập đoàn Nam Việt (TP Long Xuyên, An Giang), Mỹ là thị trường lớn nên tập đoàn này cũng chờ đợi kết quả bầu cử Mỹ để có bước đi mới.

Dù có tác động đến tình hình xuất khẩu cá tra, nhưng lãnh đạo tập đoàn này cho hay kết quả bầu cử, nếu "thắng trận" là ông Trump thì doanh nghiệp có cơ hội hơn.

"Trước hết, tôi thấy khả thi về thuế. Nếu Mỹ thay đổi chính sách thuế thì sẽ lợi thế cho chúng tôi vì tập đoàn có xuất khẩu cá rô phi. Trường hợp Trung Quốc bị đánh thuế cao, toàn bộ khách hàng Trung Quốc sẽ tìm kiếm một quốc gia khác thay thế, và đó là cơ hội của doanh nghiệp", lãnh đạo tập đoàn nói với Tuổi Trẻ Online ngày 5-11.

Đón đầu cho triển vọng này, Tập đoàn Nam Việt cho biết hiện đang bắt đầu "thai nghén" cho xuất khẩu cá rô phi, đến quý 2-2025 sẽ công bố thêm về tình hình xuất khẩu.

Tương tự, ông Thái Như Hiệp, giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, chuyên xuất khẩu cà phê sang thị trường lớn. 

Với thị trường Mỹ, mỗi năm doanh nghiệp xuất khẩu cà phê khoảng 50-70 triệu USD. Chờ kết quả bầu cử Mỹ vì ông Hiệp tin tưởng cà phê Việt Nam nói chung và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội, kỳ vọng.

Ông Hiệp chia sẻ: "Nếu ai thắng thì nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn có lợi, vì liên quan đến thị trường chứng khoán sẽ tăng lên, giá trị hàng hóa nông sản cũng tăng.

Còn về tỉ giá, nếu đồng đô la có giảm, doanh nghiệp xuất khẩu không lo lắng vì bất cứ doanh nghiệp xuất khẩu nào cũng đã tính toán với bảo hiểm rủi ro tỉ giá cho nhu cầu mua bán bắt đầu từ tháng 11 rồi, nên không ai để lỗ khi xuất khẩu mang USD về.

Đó là chưa kể, nếu đồng đô la yếu hơn sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia ngoài thị trường Mỹ.

Điều lợi thế hơn, nếu ông Trump thắng cứ chúng tôi có cơ hội với nguồn khách hàng Trung Quốc vì Mỹ áp thuế cao, khách Trung Quốc tăng nguồn thu mua cà phê Việt Nam nên hưởng lợi".

Thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu

Việt Nam hiện có 8 loại trái cây tươi được phép nhập khẩu vào Mỹ bao gồm: thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa.

2 Doanh Nghiep Viet Thap Thom Cho Ket Qua Cuoc Bau Cu My

Các thị trường chính xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 10 tháng năm nay - Đồ họa: AN BÌNH

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ trái cây tại Mỹ khoảng 12 triệu tấn/năm, nhưng sản xuất trái cây tươi nội địa chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại (tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn) phải nhập khẩu.

Ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá: "Mỹ là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ, nên còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển. Nhất là rau quả, thực phẩm hữu cơ các loại trái cây trái vụ, trái cây nhiệt đới mà sản lượng trong nước hạn chế...

Năm ngoái Mỹ nhập khẩu rau quả tươi và đông lạnh khoảng 20 tỉ USD, nhưng năm nay và các năm sau dự kiến sẽ tăng, tăng lên dần dần 22-25 tỉ USD. Nhu cầu với các sản phẩm và trái cây Việt Nam từ người tiêu dùng Mỹ sẽ thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng".

Nếu như trái cây Việt Nam tiềm năng với thị trường Mỹ, thủy sản Việt Nam cũng được người Mỹ lựa chọn mạnh. Sau bầu cử Mỹ, nhiều tin tưởng thủy sản Việt, nhất là xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng… tăng mạnh.

Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết cuộc bầu cử Mỹ, ai thắng cử vẫn chưa thể nào tác động tiêu cực đến thị trường thủy sản Việt Nam xuất khẩu.

"Một năm thủy sản Việt Nam xuất khẩu 10 tỉ USD, riêng vào Mỹ mang về khoảng 1,4-1,5 tỉ USD. Nhưng giữa Việt Nam và Mỹ là đối tác chiến lược toàn diện và mọi chuyện tuân theo thị trường, chưa kể đã có những kế hoạch cho rào cản đối với thuế, như thuế chống bán phá giá. 

Người Mỹ họ cũng có nhu cầu với thủy sản Việt Nam nên kết quả bầu cử tác động tiêu cực tôi nghĩ không có, ngược lại sẽ tươi sáng, xuất khẩu sẽ tăng lên về lượng và cả giá trị ", ông Hòe nhìn nhận.

Hiệp hội này dẫn chứng cuối tháng 10-2024 Bộ Thương mại Mỹ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ (CVD) cho tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam. 

Trong đó, mức thuế cho tôm Ấn Độ và Ecuador rất cao, lần lượt là 4,36% và 7,55%; còn Việt Nam chỉ 2,84%. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ sắp tới.

THẢO THƯƠNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài