Theo PGS.TS Bùi Hiền, trong phần 1, ông mới chỉ đề cập đến việc cải tiến hệ thống phụ âm theo đúng nguyên tắc mỗi chữ cái chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt. Và thực tế đã cho thấy hệ thống phụ âm cải tiến của tiếng Việt đã thể hiện được chính xác và nhất quán nguyên tắc này, nên tạo ra được bước tiến nhảy vọt về chất trong hệ thống chữ quốc ngữ.
Trong phần 2 này, PGS.TS Bùi Hiền đề xuất cải tiến hệ thống nguyên âm tiếng Việt. Với việc tìm cách phát hiện chính xác, đầy đủ hệ thống âm vị nguyên âm của tiếng Việt (Hà Nội) để từ đó chọn ra những chữ cái tương ứng với từng âm vị trên nguyên tắc 1 âm vị – 1 chữ cái.
Ông Bùi Hiền chia sẻ, có hai vấn đề then chốt cần giải quyết dứt điểm là số lượng âm vị nguyên âm thực sự hiện có trong tiếng Việt và các chữ cái biểu đạt tương ứng và nguyên tắc tổ hợp các nguyên âm trong các âm tiết tiếng Việt.
Hiện tại, trong hệ thống nguyên âm tiếng Việt đã ghi nhận và thường xuyên dùng theo các quy chuẩn chính tả bao gồm 16 nguyên âm thể hiện bằng những chữ cái trong các vị trí điển hình độc lập hoặc đứng trong tổ hợp âm tiết có phụ âm đi cùng.
PGS. Bùi Hiền phân tích: Trong hệ thống nguyên âm tiếng Hà Nội, ngoài các nguyên đơn ra còn rất nhiều nguyên âm đôi và nguyên âm ba. Bởi vậy các cặp đôi nguyên âm đối lập “ngắn – dài” còn thiếu những kí tự cho riêng mình (chẳng hạn như: uu – u; ưư – ư) trong bảng chữ cái quốc ngữ hiện hành đã không hề làm mất tính khu biệt ý nghĩa của những âm vị nguyên âm đó. Thậm chí khi âm vị “ă” ở vào một vị trí phát âm không thể khác được thì cũng không nhất thiết phải viết đúng chữ cái “ă” nữa, mà có thể bỏ dấu “á” đi: ắy nắy – áy náy; con quăy – con quay, ….
Dựa vào đặc điểm của tính chất đó mà xem xét thì ngoài 3 cặp đối lập : a – ă, ơ – â, y – i đã có và thường hay gặp nhất trong tiếng Hà Nội, thấy không cần thiết phải có thêm các kí tự chỉ các nguyên âm đối lập còn thiếu vào bảng chữ quốc ngữ hiện hành (kiểu ee, êê, oo, ôô, uu, ưư).
PGS Bùi Hiền khẳng định, đây là nghiên cứu, đề xuất khoa học cá nhân, việc có thể áp dụng hay không do Chính phủ quyết định.
Ở thời điểm này, Chính phủ và Bộ GDĐT chưa có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ. Tuy nhiên, ở thời điểm khác, nếu thấy đây là đề xuất hợp lý, cơ quan chức năng có thể xem xét.
Theo tincanada24h.com tổng hợp – Mọi trường hợp sao chép vui lòng dẫn nguồn