Khó biết chính xác được lượng người Trung Quốc mua nhà ở Việt Nam. Ảnh: Lê Quân
Tại một hội nghị về thị trường bất động sản mới đây, công ty nghiên cứu thị trường CBRE đưa ra con số tăng trưởng đột biến lượng khách mua nhà đến từ Trung Quốc. Đơn vị này cho rằng nếu như 6 tháng đầu năm 2017, nhà đầu tư nội địa chiếm 79% giao dịch trên thị trường căn hộ thì sau một năm bức tranh đã đổi màu với sự tăng trưởng của khách hàng đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp nhận định thống kê này không có con số tuyệt đối để xác định được quy mô thực tế của con số phần trăm trên.
Số liệu không mang tính đại diện thị trường
Báo cáo tại hội nghị BĐS tại TP.HCM sáng 12/12, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam, đã thông tin từ việc không có mặt trong top 5 dẫn đầu thị trường với chỉ 4% vào năm 2017, người mua Trung Quốc đại lục vươn lên dẫn đầu thị trường, chiếm 31% giao dịch trong 9 tháng đầu năm 2018. Nếu tính cả người mua Hong Kong và Đài Loan, tỷ lệ này lên tới 44%.
"Nếu hai năm trước lượng khách đến từ Hàn Quốc là đông đảo nhất thì hiện nay số lượng khách mua từ Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan đang dẫn đầu về các hoạt động đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng, nhiều nhất vẫn là phân khúc căn hộ cao cấp ở những khu vực trung tâm TP.HCM" - bà Dung cho biết.
Ngay sau đó, tại một hội thảo tại Hà Nội, bà Dung cũng thông tin làm rõ thêm về báo cáo người Trung Quốc mua nhà Việt Nam mà đơn vị này công bố hôm 11/12 ở TP.HCM. Bà Dung nhấn mạnh số liệu mà CBRE công bố chỉ dựa trên thống kê các giao dịch của riêng CBRE (đơn vị này cũng làm dịch vụ môi giới bất động sản).
"Chúng tôi chỉ dựa trên các giao dịch của CBRE mà thôi, nên nó có thể không mang tính đại diện toàn bộ thị trường", bà Dung nói.
Giám đốc cấp cao của CBRE cũng cho biết sàn giao dịch của đơn vị này chủ yếu giao dịch căn hộ cao cấp, hạng sang; hầu hết khách mua nhà là người nước ngoài.
"Rất nhiều người nước ngoài quan tâm đến nhà Việt Nam. Chúng tôi đã đối thoại và làm việc với nhà đầu tư, chủ đầu tư. Sự quan tâm không chỉ đến với sàn của chúng tôi mà còn nhiều sàn khác và ngày càng nhiều hơn. Chúng tôi nhìn vào số liệu của riêng mình thì thấy nó ngày càng khác", bà Dung nói.
Hơn nữa, việc thực sự sở hữu nhà vẫn đang là một dấu hỏi lớn.
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết hiện không thể thống kê số liệu người nước ngoài mua nhà tại các dự án trên địa bàn TP vì không có quy định chủ đầu tư phải báo cáo thông tin khách hàng cho cơ quan quản lý. Chỉ khi chủ đầu tư đi làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho khách hàng mới có thể thống kê được.
Con số giao dịch khó biết chính xác
Trao đổi với Zing.vn, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho rằng rất khó để biết được con số chính xác người nước ngoài mua nhà ra sao. Bởi lẽ việc người nước ngoài mua nhà đang được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó nhiều nhất vẫn là nhờ người Việt đứng tên hộ.
Ông N.N.H, Tổng giám đốc một sàn BĐS ở Sài Gòn, cho biết đối với các dự án của doanh nghiệp này phân phối thì không nhiều khách hàng nước ngoài mua trực tiếp.
"Cái khó hiện nay vẫn là thủ tục pháp lý cho đối tượng này vẫn còn tương đối phức tạp. Nếu mua nhà dưới hình thức nhờ người Việt đứng tên thì bản chất vẫn không thể ghi nhận là người nước ngoài sở hữu nhà", ông H. nói.
Ông cho biết hiện nay trong một dự án thì người nước ngoài được sở hữu tối đa 20% căn hộ, tuy nhiên lượng giao dịch thực tế thì thấp hơn con số này rất nhiều.
Về pháp lý, theo đại diện Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM, hiện nay việc cấp giấy chủ quyền cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà tại các dự án cũng đang vướng mắc vì cơ quan quản lý chưa công bố dự án nào được cho người nước ngoài sở hữu nhà. Văn phòng chưa nhận hồ sơ cấp giấy cho người nước ngoài, do vậy không thể thống kê số lượng người nước ngoài mua nhà tại TP.HCM.
Theo một chuyên gia BĐS giấu tên, vẫn luôn có độ vênh giữa số liệu và thực tế nên việc kiểm chứng được nguồn tin vẫn là câu hỏi lớn.
Ở Việt Nam rất hiếm công ty nghiên cứu thị trường độc lập, phần lớn vừa nghiên cứu vừa phân phối bất động sản nên các con số vẫn thường mang tính chủ quan và khu biệt trong những dự án họ có hợp đồng phân phối.
Ngay cả số liệu trong báo cáo của các đơn vị nghiên cứu cũng có độ vênh nhất định. Cụ thể, với tình hình người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, số liệu của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam lại cho thấy số người Hàn Quốc, Nhật Bản đang mua nhà tại Việt Nam nhiều hơn người Trung Quốc.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, báo cáo mới đây của CBRE chỉ chính xác với cơ sở dữ liệu khảo sát mua bán tại đơn vị này. Khi trường thông tin và mẫu khảo sát bị thu hẹp thì tỷ lệ cao là rất dễ hiểu.
Ông Châu cũng chỉ ra CBRE chủ yếu môi giới ở phân khúc bất động sản cao cấp và trung cao cấp, chứ phân khúc trung cấp và nhà giá dưới 30 triệu đồng/m2 không làm khảo sát. Trong khi đó, phân khúc trung, cao cấp thuộc đối tượng khách hàng của đơn vị này một năm khoảng 5.000 - 7.000 người nên có thể tỷ lệ được tính trên con số này.
Thêm vào đó, CBRE Việt Nam cho rằng có người Trung Quốc chưa đến Việt Nam lần nào vẫn mua nhà là không chính xác vì luật Việt Nam chưa cho phép. Cụ thể, Luật nhà ở chỉ cho phép người nước ngoài sau khi nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam được mua nhà. Theo quy định, bất kỳ người nước ngoài nào chỉ được phép mua nhà ở thương mại ngoài khu bảo vệ quốc phòng an ninh. Còn việc người nước ngoài nhờ người Việt Nam đứng tên là rất phổ biến, nhưng điều này cũng nên kiểm soát lại chặt hơn.
Bình Nguyên - Hiếu Công
Nguồn: news.zing.vn