Quá nhiều app, có app gần như không tác dụng, cả năm dùng đôi ba lần, trẻ học mầm non, phụ huynh cũng phải tốn tiền tải app sổ liên lạc điện tử.

1 Toi Ve Vo Chong Phai Quan Quat Voi Bai Tap Cua Con Tren Cac App

"Bội thực" app học đường

Không chỉ "Hoa mắt, đau ví, bội thực với app trường học", mỗi bạn đọc góp một nỗi khổ của nhà mình vì chuyện dùng app trong các trường học hiện nay.

Trầm cảm vì app trường học

"Tôi có ba con, app là nỗi kinh hoàng khiến tôi trầm cảm vài năm nay. Nhiều lần phản hồi trong các cuộc họp phụ huynh nhưng tất cả đều vô vọng", bạn đọc Nguyễn Dũng chia sẻ.

Quá mệt mỏi với chuyện app, bạn đọc Nhật Tài cho biết nhà có hai bé, một lớp 1, một lớp 3, học chung trường. Tối về vợ chồng phải quần quật với các bài tập của con trên các app này, phải quay video cách con làm bài trên các ứng dụng gửi cho các cô.

"Nghe có vẻ đơn giản nhưng rất mỏi mệt cho phụ huynh lẫn các con. Phải mở điện thoại nhớ từng mật khẩu, ID đăng nhập. Chúng tôi cũng không hiểu tại sao khối lượng bài tập và kiến thức của một đứa trẻ lại nhiều đến vậy?" - bạn đọc Nhật Tài viết.

Theo bạn đọc Nguyễn Văn Thệ, dù có nhiều app nhưng mỗi app trường chỉ dùng một tính năng như eNetViet chỉ để điểm danh, làm bài thì trên LMS, đóng học phí thì mỗi năm thay mỗi app…

Trong đó bạn đọc có email huun****@gmail.com cho rằng lãng phí nhất có lẽ là app sổ liên lạc điện tử. Mỗi học kỳ đóng 30.000-40.000 đồng mà chỉ nhận được 4-5 tin nhắn.

"Gọi là liên lạc nhưng cha mẹ học sinh không phản hồi, liên hệ gì được, tin nhắn nhận được chỉ một chiều. Trong khi trước đây sử dụng sổ liên lạc giấy thì giáo viên còn lời phê, lời nhắn với cha mẹ, còn có thể có ý kiến vào sổ để trao đổi, được giáo viên chủ nhiệm chuyển về nhiều lần trong năm", bạn đọc này nói.

Thậm chí bạn đọc Ngân còn cho biết nhà có bé học mầm non, cô giáo cũng yêu cầu tải app sổ liên lạc điện tử. Phí là 240.000 đồng/kỳ nhưng cả năm không thấy app có cập nhật hay có tác dụng gì. Cô giáo thì vẫn liên lạc với phụ huynh bằng Zalo và sổ giấy như trước.

Độc giả Vy Vy cho biết thêm: "Trường con tôi ngoài app eNetViet còn thêm VinaID chỉ để điểm danh và nộp tiền vào ví cho các bé chi tiêu ở căng tin. Việc này quá mất thời gian cho phụ huynh khi cài đặt quá nhiều app. Hết group Zalo lớp, group phụ huynh lớp, app này app nọ. Up bài này bài kia".

"Con tôi đang học lớp 10 một trường THPT ở quận 10 đã đóng tiền sổ liên lạc điện tử. Từ đầu năm học đến giờ chưa có một lần nào báo điểm về gia đình", một bạn đọc khác kể.

"Tôi phải đóng 180.000 đồng/năm, trong khi chẳng biết để làm gì vì cả năm không có liên lạc nào. Ba năm nay tôi chưa biết tới sổ liên lạc điện tử của con là gì" - bạn đọc ký tên Phụ huynh cho hay.

Vì sao không gộp chung thành một app?

Bạn đọc La Kim Minh lại than một bất cập khác: "Tôi cũng có con học lớp 6, app đóng học phí thì khi đóng tốn 5.000 phí nếu quét mã. Còn đóng qua app thì phải nạp tiền vô app nhưng app lại không cho nạp lẻ, phải nạp số tiền chẵn mới chịu".

"Con tôi đi học trường ở TP Thủ Đức, bắt phải đóng tiền qua app. Trên app đóng tiền còn phải bị tính phí 2.500 đồng trên mỗi giao dịch.

Trường thông báo muốn đóng tiền trực tiếp phải đóng ở trường sau 9h sáng trong khi ai rảnh đâu, phải đưa con đi học xong về rồi đợi 9h vô trường đóng. 

Chuyển khoản ngân hàng thì nói kế toán không kiểm soát được", bạn đọc này bày tỏ.

Còn bạn đọc Anh Vũ tính toán nếu nhà có 2-3 con đi học thì một phụ huynh phải tốn hơn 200.000 đồng mỗi tháng cho việc cài đặt app học tập, thanh toán học phí. 

Đó là chưa kể app theo dõi học tập và thanh toán học phí lại tách biệt nhau. Mỗi lần thanh toán học phí lại phải chịu phí gần 10.000 đồng.

"Vì sao không gộp chung lại một app duy nhất để phụ huynh được tiện lợi?", bạn đọc này đặt câu hỏi.

Ứng dụng sổ liên lạc điện tử (hay có trường gọi là dịch vụ công nghệ thông tin và chuyển đổi số) là một kênh liên lạc hữu ích giữa nhà trường và phụ huynh: nhanh chóng, kịp thời, phong phú. Vấn đề đặt ra, theo bạn đọc Min, là nhà trường có thực hiện phương pháp này một cách triệt để, hiệu quả hay không, để từ đó phụ huynh nhiệt tình hưởng ứng.

Góp thêm ý kiến, bạn đọc Lê Tiên Sinh viết: "Đành rằng phải số hóa, nhưng số hóa phải thiết thực, thực chất. Nếu chỉ gửi tin nhắn thì Zalo miễn phí gửi cũng được, và phụ huynh còn phản hồi trao đổi với giáo viên. 

Chứ mỗi năm gửi chục tin nhắn mà thu phí như vậy thì liệu có vấn đề khác không?".

TRỌNG NHÂN

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài