Đại tá Lê Công Vân, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM cho biết, hiện có 53 công ty có chức năng đòi nợ thuê ở TP.HCM, nhưng từ hôm nay (01/01/2021), các công ty có chức năng đòi nợ thuê sẽ chấm dứt hoạt động.
PC06 đã báo cáo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an, sẽ có hướng dẫn thực hiện phối hợp các sở ngành thu hồi giấy phép, thu hồi giấy cấp về an ninh trật tự đối với các công ty đòi nợ thuê và đề nghị giải tán, không để núp bóng hoạt động gây mất an ninh trật tự.
Ngoài ra, PC06 đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục tham mưu cho Ban giám đốc Công an TP.HCM thực hiện các kế hoạch, chương trình đấu tranh các loại tội phạm hoạt động dụng tín dụng đen, cho vay nặng lãi và lừa đảo trên các App (ứng dụng) đang phổ biến trên không gian mạng.
Từ ngày hôm nay 1/1/2021, các công ty đòi nợ thuê bị đóng cửa.
Trước đó, ngày 17/6/2020, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó các ĐBQH nhất trí cao với đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.
Quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại điểm h khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư (sửa đổi).
Cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.
Tại điều khoản chuyển tiếp của Luật quy định, giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành và các bên tham gia giao dịch được thực hiện các hoạt động để thanh lý giao dịch đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.
Ủy viên Thường trực UB Quốc phòng và An ninh Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân bày tỏ quan ngại về dịch vụ đòi nợ thuê vì thực tế thời gian vừa qua, đa số các công ty đòi nợ thuê đều câu kết với băng nhóm xã hội đen.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, đóng góp của loại ngành nghề này vào ngân sách và sự phát triển kinh tế - xã hội không đáng bao nhiêu.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nói không thể không cấm đòi nợ thuê. Bởi, nhân viên toàn là xăm trổ, công cụ lao động là dao kiếm, phương thức hoạt động là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực. Nếu tiếp tục để dịch vụ này thì gây hoang mang xã hội, dẫn tới mất niềm tin của nhân dân với lực lượng quản lý xã hội.
Nguồn: kienthuc.net.vn